"Hợp tác quân sự Việt-Nga làm Trung Quốc sửng sốt, mất tinh thần"

02/05/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc cũng cáo buộc đích danh Nga tìm cách quay trở lại Cam Ranh, nước cờ của Moscow đối với tình giao hảo Trung Nga chỉ là bề ngoài...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam, ảnh: Yahoo News.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam, ảnh: Yahoo News.

Tờ Eurasia Daily Monitor thuộc Quỹ Jamestown Hoa Kỳ ngày 29/4 đăng bài bình luận của tác giả Stephen Blank cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn. Nhưng chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Thái Lan và Việt Nam đầu tháng Tư vừa qua cho thấy, Moscow muốn đề phòng rủi ro khi quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó Bắc Kinh đang cố gắng gây sức ép với Việt Nam và các nước liên quan để hòng bá chủ Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

Dẫn nguồn các báo China Daily, Interfax, Thông tấn xã Việt Nam, Stephen Blank cho biết, Nga kêu gọi Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác năng lượng và mua bán vũ khí. Máy bay của Nga do thám Hoa Kỳ được tiếp nhiên liệu xuất xứ từ một căn cứ của Việt Nam, nhưng Moscow vẫn thừa nhận Việt Nam có quyền lựa chọn mua vũ khí từ bất cứ nhà cung cấp nào mình muốn, bao gồm cả Mỹ.

Thông cáo chung Nga - Việt trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Dmitry Medvedev đã chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở châu Á và cho thấy, bên cạnh Trung Quốc nước Nga còn có những người bạn khác trong khu vực châu Á. Nổi bật nhất là sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự, trong đó một lãnh đạo quân đội Việt Nam được Stephen Blank dẫn lời cho biết, Nga là đối tác chiến lược chính của Việt Nam kể cả về quân sự lẫn kỹ thuật.

Ngoài "lợi ích của Nga tại Cam Ranh", Moscow còn giúp Việt Nam xây dựng một căn cư tàu ngầm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo trì cho các căn cứ hải quân khác. Căn cứ tàu ngầm này sẽ là nơi đặt 6 tàu ngầm lớp Kilo MV636 Việt Nam mua từ Nga để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Gần đây hai bên đã thảo luận việc các tàu Nga thường xuyên ghé Việt Nam để bảo dưỡng, mặc dù Cam Ranh sẽ không trở thành căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài.

Việt Nam và Nga cũng công bố đợt 3 hợp đồng mua bán 12 máy bay tiêm kích Su-30MK2 loại mới có thể tiêu diệt tàu chiến cũng như các mục tiêu trên không, mặt đất khác. Hơn nữa theo Stephen Blank, Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka nhằm cải thiện sức chiến đấu. Với lực lượng như vậy Việt Nam có thể tiến hành tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu, trinh sát và tuần tra ở vùng biển tương đối nông như Biển Đông.

Những vụ mua bán này đã hiển thị rõ ràng chiến lược hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam là đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với lợi ích năng lượng ngoài khơi cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, ngăn chặn các hành vi leo thang gây hấn của Trung Quốc, Stephen Blank bình luận.

Lễ đón tàu ngầm Kilo Hà Nội tại cảng Cam Ranh do phóng viên Tân Hoa Xã, Trung Quốc chụp.
Lễ đón tàu ngầm Kilo Hà Nội tại cảng Cam Ranh do phóng viên Tân Hoa Xã, Trung Quốc chụp.

Nhưng khía cạnh nổi bật nhất trong hoạt động hợp tác quốc phòng, mua bán vũ khí Việt - Nga gần đây theo Stephen Blank là, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phê duyệt một dự thảo hợp tác quân sự Nga - Việt chính thức hóa hợp tác quốc phòng song phương. Nội các của ông Medvedev đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga thảo luận các kế hoạch phù hợp với Việt Nam và cho phép cơ quan này đại diện nước Nga để ký hợp đồng.

Bản thỏa thuận này dự kiến sẽ quy định việc trao đổi ý kiến và thông tin, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác để tăng cường an ninh quốc tế và đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn chống lại chủ nghĩa khủng bố, cũng như kiểm soát vũ khí tốt hơn. Theo Stephen Blank, Việt Nam có đủ lý do để công khai thể hiện khả năng của mình nhằm tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài cho sự tích tụ khả năng quân sự của mình sẵn sàng bảo vệ chủ quyền trước (sự leo thang của) Trung Quốc.

Stephen Blank bình luận, những nỗ lực của Việt Nam để tăng cường quan hệ với các đối tác nhằm chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng hoạt động của Nga (đối với Việt Nam) rõ ràng gây sửng sốt với Trung Quốc, thậm chí khiến Bắc Kinh mất tinh thần.

Có lẽ Bắc Kinh không nên bị bất ngờ về một phần tổng thể chính sách xoay trục sang châu Á của Moscow. Chính sách này của Nga thực sự là để nhằm đối trọng với chiến lược trục châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, thể hiện vị thế một sức mạnh độc lập bên cạnh châu Á. Hơn nữa chính sự hung hăng của Bắc Kinh không ngừng leo thang sẽ khiến các nước láng giềng và các quốc gia khác bao gồm Nga tăng cường hợp tác với nhau.

Tuy nhiên rõ ràng Bắc Kinh không thích các chính sách của Moscow. Trong năm 2012 Trung Quốc từng trách Nga "bất nghĩa" khi chỉ thích "hợp tác với lưu manh" (?!) hơn là nuôi dưỡng quan hệ đối tác với Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, hợp tác quân sự và năng lượng Việt - Nga cho phép Việt Nam mở rộng hoạt động thăm dò khai thác năng lượng ở khu vực (Bắc Kinh gọi là) tranh chấp (mà thực tế là vùng biển Việt Nam không có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào).

Stephen Blank cho rằng Trung Quốc cũng cáo buộc đích danh Nga tìm cách quay trở lại Cam Ranh, nước cờ của Moscow đối với tình giao hảo Trung Nga chỉ là bề ngoài, ít nhất là trong phạm vi chương trình nghị sự về châu Á và an ninh khu vực. Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam là sự từ chối một cách hoàn toàn việc "nhường" khu vực Đông Nam Á cho Trung Quốc, tờ China Daily ngày 6/4 bình luận.

Hồng Thủy