Ankara lúng túng giải thích, Moscow truy vấn đến cùng
Hình ảnh chiếc Su-24 Nga bị bắn hạ, ảnh: EPA. |
BBC News ngày 27/11 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chiếc chiến đấu cơ Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ quá dễ để nhận dạng trong khi thông tin chuyến bay của nó đã được chuyển cho đồng minh của Ankara, chính là Hoa Kỳ để phối hợp (trong cuộc chiến chống IS ở Syria).
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã "lúng túng" giải thích rằng, nếu biết trước là máy bay Nga thì nước này "có lẽ đã có thể cảnh báo một cách khác". Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Pháp Hollande, ông Putin thậm chí cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Nga sau khi nhận được thông tin về vị trí của nó từ Washington.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, họ đã phát 10 lần cảnh báo trong 5 phút khi máy bay Su-24 Nga xâm nhập không phận nước này khoảng 17 giây hôm Thứ Ba tuần này. Một tên lửa không đối không từ chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ nó sau đó, khiến 1 phi công Nga thiệt mạng.
Một phi công Nga sống sót cho biết, ông không nhận được cảnh báo nào như thế và kiên quyết bảo lưu quan điểm rằng chiếc Su-24 Nga không đi lạc khỏi không phận Syria. Ông Erdogan đã bác bỏ kêu gọi của Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần đưa ra một lời xin lỗi. Ankara cho rằng không phải xin lỗi với hành vi vi phạm không phận của mình.
Ông Erdogan nói với France 24 TV: "Nếu chúng ta đã biết nó là một chiếc máy bay của Nga, có lẽ chúng ta đã có thể cảnh báo bằng cách khác". Phản bác lại tuyên bố này, ông Putin nhấn mạnh: "Nó có phù hiệu và bạn có thể thấy rất rõ ràng" nên tình huống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là "không thể".
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: AP. |
"Theo thỏa thuận của chúng tôi với Mỹ, chúng tôi đã cung cấp thông tin về nơi máy bay của chúng tôi sẽ làm việc, trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của liên minh và họ phải được biết điều này. Không quân Nga đang làm việc trong khu vực đó. Nếu đó là một máy bay Mỹ, liệu có xảy ra vụ bắn hạ?" Tổng thống Nga lập luận.
Chế tài kinh tế và răn đe quân sự
Trước đó ngày Thứ Năm Bộ Quốc phòng Nga đã đình chỉ mọi kênh liên lạc với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm một đường dây nóng tránh va chạm hàng không. Thủ tướng Nga cũng cảnh báo, chính phủ nước này đã có kế hoạch trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới trên diện rộng.
Ông cảnh báo rằng các sản phẩm thực phẩm, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga và một số dự án đầu tư chung có thể bị ảnh hưởng. Nga cũng đã kêu gọi công dân của mình dừng các chuyến đi du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ và những ai còn đang ở quốc gia này nên nhanh chóng về nước.
Nga - Thổ có mối liên hệ hợp tác kinh tế quan trọng. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến nước ngoài lớn nhất của du khách Nga. Moscow cũng đang thắt chặt kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nói rằng 15% sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của Nga.
BBC News lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Nga sử dụng vấn đề an toàn thực phẩm như một phương tiện thể hiện sự bất mãn của mình với một nước khác.
Trong khi đó Russia Today hôm nay đưa tin, Moscow đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất S-400 đến Khmeimim, Syria. Đây là một phần của việc tăng cường an ninh sau vụ Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đầu tuần này. Thông tin này được tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết.
Đó là quyết định của Tổng thống Putin - Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga. Bình luận về động thái này, ông Putin nói, trước đây không cần phải triển khai S-400 vì không ai tưởng tượng nổi một chiếc chiến đấu cơ Nga có thể bị nguy hiểm. Nếu biết trước sẽ bị đâm sau lưng thì Nga đã đưa S-400 đến Syria từ lâu.
Hệ thống tên lửa S-400, ảnh: Russia Today. |
Ông nhấn mạnh, S-400 không nhắm các mục tiêu đối tác của Nga, mà để cùng nhau chống lại những kẻ khủng bố ở Syria. Tướng Konahsenkov giải thích thêm, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 nhắc nhở Nga phải bảo vệ an toàn cho máy bay của mình trong việc chống hoạt động khủng bố IS và các nhóm khủng bố khác.
Đằng sau khủng hoảng 17 giây Nga-Thổ, có phải một ván cờ mới giữa Washington và Moscow?
Người viết đặt vấn đề này bởi lẽ, thứ nhất S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga vừa kéo sang Syria có lẽ không phải nhằm vào IS hay bất kỳ tổ chức vũ trang đối lập nào ở Syria mà Nga và Bashar al-Assad cùng liệt vào danh sách khủng bố.
Bởi lẽ các tổ chức này không có máy bay. Mặt khác, Khmeimin là căn cứ không quân ở tỉnh Latakia cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 50 km.
Thứ hai, phát biểu nêu trên của Tổng thống Putin đã ám chỉ Hoa Kỳ đứng sau vụ bắn rơi Su-24, bởi theo lập luận của ông thì có lẽ Washington đã cung cấp thông tin về chuyến bay của chiếc Su-24 Nga cho Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, việc bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga là chưa từng có tiền lệ đối với một thành viên NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Thứ ba, là mâu thuẫn chủ yếu giữa Nga - Thổ, Nga - Mỹ, Nga - phương Tây ở Syria chính là vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.
Các cuộc không kích của Nga nhắm vào cộng đồng người Turkmen ở giáp biên Syria - Thổ Nhĩ Kỳ là đỉnh điểm sự thất vọng của Ankara đối với hoạt động can thiệp của Nga.
Kremlin cũng đã công khai thừa nhận mục tiêu không kích khủng bố ở Syria không chỉ có IS. Các nhóm vũ trang đối lập chống chính phủ Syria do phương Tây hậu thuẫn cũng là mục tiêu, thậm chí truyền thông phương Tây tin rằng đó là mục tiêu chính và IS chỉ là cái cớ.
Lý do thứ tư, các tổ chức khủng bố dù là al-Qaeda hay IS hiện nay ở khu vực Trung Đông đều là sản phẩm của các siêu cường tạo ra. Nó như một loại "vi rút sổ lồng" khỏi phòng thí nghiệm và lây lan đến mức vượt tầm kiểm soát của chủ thể tạo ra chúng.
Đã có những bằng chứng về hoạt động của tình báo Hoa Kỳ và Liên Xô tại Trung Đông, Trung Á trong thời gian dài, đặc biệt là việc đào tạo các phần tử chống đối bộ máy chính quyền sở tại. Do đó chống khủng bố dường như chỉ là việc phụ, tranh giành ảnh hưởng chiến lược mới là việc chính.
al-Qaeda hay IS ngày nay chỉ là cú "gậy ông đập lưng ông" của những ý đồ xuất khẩu tư tưởng, xuất khẩu "cách mạng" ra nước ngoài của các siêu cường mà thôi.