Ngày 22/4/2016 là ngày sinh thứ 146 của Vladimir Ilyich Ulyanov Lenin, một trong những nhà chính trị hàng đầu thế giới, một trong những nhà tư tưởng cách mạng nổi bật của thế kỷ 20. Ông dẫn dắt và lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng vô sản tại Nga - Cách mạng tháng Mười. Ông là kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Liên Xô, theo BBC Timeline.
Cũng theo BBC, Lenin rất xuất sắc khi theo học trường luật. Tại trường đại học, ông đã được tiếp xúc với những tư tưởng cấp tiến và cả những quan điểm thực hiện xã hội. Ông nổi lên như một nhân vật nổi bật trong phong trào cách mạng quốc tế và trở thành lãnh đạo nhóm Bolshevik trong Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga.
Năm 1917, nước Nga bị kiệt sức bởi Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất và đó là cơ hội chín muồi cho một sự thay đổi xã hội. Được sự hỗ trợ của người Đức, từ nước ngoài Lenin trở về nước Nga và đã lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản, lật đổ chế độ Nga Hoàng, lập nên nhà nước Liên bang Xô Viết. Lenin lãnh đạo Liên Xô và qua đời vào ngày 24/1/1924.
Chân dung lãnh tụ Vladimir Ilyich Ulyanov Lenin. Ảnh: Youtube. |
Lenin đã tạ thế gần một thế kỷ, thành quả của cuộc cách mạng vĩ đại nhất sự nghiệp của ông – Nhà nước Công hoà Liên bang Xô Viết cũng đã sụp đổ một phần tư thế kỷ. Nhưng cho đến giờ này, dù là kẻ thù của ông hay là người mến mộ ông, không ai có thể phủ nhận Lenin là một nhân vật xuất chúng trong lịch sử chính trị thế giới.
Di sản mà Lenin để lại cho hậu thế rất đồ sộ, được thể hiện trong những tư tưởng cách mạng của ông và vai trò của ông trong những chính sách của Nhà nước Liên Xô trong buổi đầu sau cách mạng. Tuy nhiên với cá nhân người viết, trong số những di sản của Lenin không nhạt phai qua năm tháng, vấn đề chủ quyền quốc gia và tự do dân tộc luôn có tính thời sự.
Chủ quyền quốc gia phải được thể hiện qua quyền tự quyết
"Chủ nghĩa đế quốc thể hiện qua việc một số quốc gia cho mình tư cách của những vương quyền, thực hiện việc áp bức các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia bị áp bức có quyền "tự do của dân tộc", "quyền của các quốc gia được tự quyết", và "quyền bảo vệ Tổ quốc", lật tẩy sự biện hộ và chống lại sự đàn áp bởi các cường quốc”, theo Lenin Miscellany VI, 29/10/1915.
Với quan điểm này của Lenin, có thể hiểu rằng những những quốc gia áp bức các quốc gia dân tộc khác đều thể hiện bản chất của chủ nghĩa đế quốc, và những quốc gia dân tộc mất quyền tự quyết nghĩa là mất chủ quyền. Những lực lượng nắm giữ vận mệnh quốc gia phải thực hiện quyền bảo vệ Tổ quốc để đảm bảo quyền tự quyết dân tộc.
Quyền bảo vệ Tổ quốc là quyền thiêng liêng. Vì vậy lực lượng cầm quyền phải có trách nhiệm sử dụng sức mạnh nhà nước để thực hiện tốt quyền này của quốc gia dân tộc mình. Điều này vừa để chống lại sự áp bức của cường quyền, vừa lật tẩy những âm mưu đê hèn của những kẻ mang bản chất của chủ nghĩa đế quốc.
Khi người dân thất vọng |
Quyền cơ bản của một dân tộc là quyền tự do, nếu mất tự do dân tộc thì có thể hiểu là mất nước, và lực lượng cầm quyền có thể bị xem lực lượng bán nước. Vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Lenin bàn đến có thể hiểu một cách rõ ràng và chân thực như vậy. Do đó, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào thì lực lượng cầm quyền đều phải đảm bảo được quyền tự do cho quốc gia dân tộc mình.
Có rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới trong đó có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Việt Nam, đã xem Luận cương của Lenin về Dân tộc và Thuộc địa là kim chỉ nam cho hoạt động đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình, là trọng tâm trong mọi chính sách của nhà nước mình trong việc bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Từ Singapore đến Israel, từ Thái Lan đến Thuỵ Sĩ vấn đề độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đều được xem là biểu hiện cơ bản của chủ quyền quốc gia. Có thể ở các quốc gia ấy dù họ không lấy Luận cương của Lenin làm nền tảng xây dựng chính sách của nhà nước hay nền tảng tư tưởng của chế độ về tự do dân tộc, nhưng ý nghĩa của vấn đề thì không có gì khác biệt.
Bởi lẽ “Quyền tự quyết của của các quốc gia là một sự nhất quán dân chủ, cách mạng…Vì quyền đó mà các quốc gia đấu tranh để đạt được sự công nhận chân thành của những kẻ áp bức – phải công nhận quyền bình đẳng cho các quốc gia…”, theo Lenin Miscellany VI, 29/10/1915.
Ngày nay, chủ nghĩa bá quyền đang khai thác tối đa nguyên tắc “chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh” để đàn áp hay gây sực ép, hoặc tạo sự lệ thuộc của những nhược tiểu vào nhưng siêu cường. Chủ nghĩa bá quyền thực ra là một dạng chủ nghĩa đế quốc hiện đại nhưng nó lại che giấu bằng những bộ mặt giả nhân giả nghĩa như đối tác tin cậy hay láng giềng thân thiện.
Nó gây mê bằng những chiêu trò “cùng nhìn về lợi ích toàn cục” để khống chế, thậm chí tước bỏ quyền bảo vệ Tổ quốc của nhiều quốc gia, dân tộc. Nó có thể tìm mọi cách đánh đồng khái niệm, đảo điên bạn thù, từ đó làm cho chính bộ máy cầm quyền lại kiềm chế lòng yêu nước của người dân. Đó là một trong những thủ đoạn thẩm hiểm, nguy hại nhất.
Người viết cho rằng, dù Luận cương của Lenin về Dân tộc và Thuộc địa đã được ông đưa ra cách đây hơn một thế kỷ, nhưng giá trị của nó không bị nhạt phai theo thời gian, bởi đó là nguyên lý của cách mạng xã hội và xây dựng chính quyền. Một chế độ chính trị được hình thành, một nhà nước được ra đời, không thể tồn tại và phát triển nếu nguyên tắc tồn tại của nó không gắn liền với vấn đề bảo vệ quyền cơ bản của quốc gia dân tộc.
Mọi sự mơ hồ trong việc thực hiện quyền tự quyết của quốc gia dẫn đến thiếu kiên quyết, thậm chí sai lầm trong thể hiện chủ quyền quốc gia sẽ có thể khiến cho cả một quốc gia dân tộc phải phụ thuộc, lệ thuộc vào thế lực thù địch luôn gây mê với những thủ đoạn thâm độc và đê hẻn mà mục đích cuối cùng là tước bỏ tự do và độc lập của dân tộc khác.
Yêu nước nửa vời là đạo đức giả
Minh bạch thu nhập - cái tâm của người lãnh đạo |
Từ ý nghĩa của vấn đề quyền tự quyết dân tộc trong Luận cương của Lenin về Dân tộc và Thuộc địa, người ta có thể khẳng định rằng những vấn đề tự do dân tộc và bảo vệ Tổ quốc là gắn liền với tinh thần yêu nước. Nghĩa là những ai, lực lượng nào tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc để giữ vững tự do và độc lập dân tộc đều là biểu hiện của tình yêu nước.
“Mặt khác, trong xã hội dân chủ, các dân tộc bị áp bức phải xây dựng được sự đoàn kết nhân dân…nếu không thì vô tình trở thành đồng minh của chủ nghĩa đế quốc, luôn luôn phản bội lợi ích của nhân dân, của dân chủ… và đó là đạo đức giả tuyệt đối”, theo Lenin Miscellany VI, 29/10/1915.
Lòng yêu nước có thể được xem là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của đạo đức con người. Một người dân hay một người lãnh đạo không thể được xem là có đạo đức nếu không có ý thức và không có hành động đấu tranh nhằm bảo vệ quyền cơ bản cho dân tộc mình, cho Tổ quốc mình.
Một chế độ chính trị không thể xem là ưu việt, một nhà nước không thể xem là thực thể chính trị đại diện cho quyền lực nhân dân nếu không có biện pháp khả dĩ và thể hiện thái độ cương quyết trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Lợi ích của nhân dân không thể được đảm bảo nếu Tổ quốc lâm nguy và tự do dân tộc bị tước bỏ.
Mọi sự bao biện né tránh việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc của bất cứ một thực thể nào cũng có thể bị xem là không có tinh thần yêu nước hay yêu nước nửa vời. Đó là đạo đức giả. Và theo quan điểm của Lenin thì những động thái đó được xem như nối giáo cho giặc.
Ngược lại, nếu một chính quyền thực hiện quyền tự quyết dân tộc trong việc thể hiện chủ quyền quốc gia, lấy sự thiêng liêng của Tổ quốc trong việc xây dựng nền tảng quyền lực nhân thì chính quyền ấy sẽ luôn có được sứ tín nhiệm của người dân và tập hợp được sức mạnh của lòng dân trong việc thực thi quyền lực của mình.
Tham gia vào bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tự do và độc lập dân tộc là có yêu nước, là đạo đức. Ảnh: Internet. |
Một chính quyền sẽ không thể thành công nếu họ không duy trì được sự ổn định xã hội và đảm bảo được hoà bình cho đất nước. Và điều đó là hệ quả của một chính quyền bị xem là đồng minh với kẻ thù và phản bội lại lợi ích của nhân dân. Lúc đó xã hội sẽ bất ổn, niêm tin nhân dân và niềm tin quốc tế giảm sút, đất nước không thể phát triển.
“Không có lý do gì các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba lại không thể thành công trong việc đạt được tăng trưởng và phát triển nếu như họ có thể duy trì được trật tự xã hội, giáo dục người dân, giữ gìn hòa bình với các nước láng giềng và giành được niềm tin của các nhà đầu tư bằng việc đề cao pháp trị”, theo sách "Lý Quang Diệu - Bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới" xuất bản năm 2012.
Tóm lại, vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia đã được Lenin phân tích rất rõ ràng và khẳng định như một nguyên lý trong Luận cương về các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của ông. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề ấy đang trở thành một mối nguy cho một số quốc gia trên thế giới bởi chủ nghĩa bá quyền – một dạng chủ nghĩa đế quốc hiện đại đang sử dụng mọi thủ đoạn để có thể tước đoạt những quyền cơ bản ấy.
Vì vậy, lực lượng cầm quyền tại những quốc gia đang bị đe doạ phải thể hiện được là trung tâm đoàn kết toàn xã hội, qua đó tập hợp được mọi lực lượng, hình thành nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đảm bảo giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như vậy độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia mới được giữ vững, nếu không sẽ bị rơi vào nanh vuốt của chủ nghĩa thực dân - đế quốc kiểu mới không biết tới ngày nào thoát ra.