Lời cảnh báo của Putin: Không ai là không thể đụng đến!

15/08/2016 07:14
Ngọc Việt
(GDVN) - Tổng thống Putin không thể không thất vọng. Bởi lẽ thời gian đứng đầu chính phủ, Putin đã giúp tối đa hoá lợi ích cho nước Nga trong các mối quan hệ quốc tế.

AFP ngày 12/8 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ miễn nhiệm đồng minh thân cận của mình, Sergei Ivanov, khỏi chức vụ Chánh văn phòng Tổng thống Nga và thay thế bằng ông Anton Vaino, cấp phó của ông S.Ivanov.

Đây được xem là sự thay đổi nhân sự cấp cao nhất trong trong bộ phận tham mưu của Điện Kremlin những năm gân đầy. [2]

S.Ivanov được bổ nhiệm làm Đại diện đặc biệt của Tổng thống trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên - môi trường và giao thông vận tải. Ông S.Ivanov 63 tuổi, là một người bạn lâu năm, một đồng minh thân cận của ông Putin.

S.Ivanov từng là Bộ trưởng Quốc Phòng, rồi là Phó Thủ tướng thứ nhất trong chính phủ Nga và năm 2008 từng được xem là ứng viên Tổng thống Nga.

Vì vậy, việc miễn nhiệm ông S.Ivanov dấy lên nhiều đồn đoán về việc Tổng thống Putin đã ra tay ngăn chặn nguy cơ người đồng minh quan trọng này thách thức quyền lực của ông.

Ở góc nhìn khác, giới phân tích cho rằng Putin đang trẻ hoá đội ngũ bộ máy công quyền để ông dễ dàng thể hiện quyền lực tuyệt đối tại nước Nga. [1]

S.Ivanov có thể sẽ là người tách D.Mevedev khỏi V.Putin. Ảnh: atlanticsentinel.com
S.Ivanov có thể sẽ là người tách D.Mevedev khỏi V.Putin. Ảnh: atlanticsentinel.com

Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì việc miễn nhiệm ông S.Ivanov là một động thái bắt đầu cho những điểu chỉnh quan trọng hơn, hoặc là những quyết định thay đổi nhân sự, hoặc là những hiệu chỉnh về cơ chế thực thi quyền lực trong bộ máy chính quyền Nga.

Có thể nhận diện những hiệu chỉnh, điều chỉnh sắp tới sẽ liên quan đến bộ đôi quyền lực Putin – Medvedev. 

Putin thay đổi những điều cần thay đổi

Người viết cho rằng, đến lúc này có thể nhận định Thủ tướng Dmitry Medvedev không đủ tầm để hình thành bộ đôi quyền lực với Tổng thống Putin.

Việc ông Medvedev ngồi ghế Thủ tướng cho đến hiện tại mang tính tình cảm cá nhân của Tổng thống Putin nhiều hơn là sự hoà hợp quyền lực, dựa trên khả năng lãnh đạo của ông Medvedev.

Medvedev đã không thể là “một Viktor Chernomyrdin” hay “một Mikhail Fradkov”, để xây dựng và lãnh đạo một chính phủ hoạt động hiệu quả trong điều hành kinh tế và quản lý xã hội, đảm bảo cho Kremlin có thể yên tâm, như mong đợi của Tổng thống Putin.

Những chính sách thiếu khả thi trong thời cấm vận đã khiến cho nước Nga mất đi lợi ích nhiều hơn dự kiến. 

Qua các bài viết “Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng nẫng thành quả không kích của Nga”, “Ván cờ mới của Putin” hay “Sự lạc điệu của Nga tại Biển Đông và cái giá phải trả”, người viết đã phân tích, bộ phận tham mưu của chính phủ Nga đã không xây dựng được cơ chế khai thác những vận hội, để cơ hội trôi qua, thậm chí biến thành nhiều thách thức cho nước Nga. 

Tổng thống Putin không thể không thất vọng. Bởi lẽ thời gian đứng đầu chính phủ, Putin đã giúp tối đa hoá lợi ích cho nước Nga trong các mối quan hệ quốc tế.

Không những vậy, chính phủ Putin còn giúp nước Nga vượt qua cuộc khủng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 một cách tuyệt vời hơn bất cứ chính phủ quốc gia nào trên thế giới.

Vậy nhưng khi giá dầu giảm và nước Nga bị cấm vận sau “sự kiện Crimea”, chính phủ Medvedev lại cho thấy lợi ích của nước Nga quá phụ thuộc vào phương Tây, nền kinh tế Nga quá lệ thuộc vào xuất khẩu dầu thô.

Kinh tế - xã hội Nga thiệt hại quá lớn vì hai gọng kìm nguy hại, đời sống của người dân Nga khó khăn, sức mạnh nước Nga bị giảm sút.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chính phù Nga đã không nhận thấy vận hội từ trong thách thức, không từ “cái khó” để “ló ra cái khôn”.

Chính phủ Medvedev không nhận diện giá dầu giảm là cơ hội cho nước Nga tái cơ cấu nền kinh tế, cấm vận của phương Tây là động lực cho nước Nga xây dựng cơ chế độc lập hơn.

Điều đó khiến cho Tổng thống Putin đã phải có ván cờ mới.  

Cá nhân Thủ tướng Medvedev thì ngày càng chứng tỏ, vai trò người đứng đầu chính phủ là quá khả năng đối với ông.

Phát biểu gần đây của ông Medvedev về việc ngân khố quốc gia cạn tiền nên không thể tăng lương, hay việc đưa ra lựa chọn giữa yêu nghề và làm giàu, làm thất vọng giới giáo chức Nga, khiến cộng đồng dậy sóng, buộc Tổng thống Putin phải ra mặt đỡ lời.   

Với những gì xảy ra tại nước Nga cũng như trên thế giới trong thời gian gần đây và những đổi thay sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới, khiến cho Tổng thống Putin không thể yên tâm vào chính phủ Medvedev được nữa.

Ví dụ như thành phần Duma quốc gia Nga sẽ thay đổi ra sao sau tháng 9/2016, hay tình hình nước Mỹ sẽ như thế nào với chủ nhân mới trong Toà Bạch Ốc, tình hình Liên minh EU thời hậu Brexit...đều ảnh hưởng đến tính toán của Putin. 

Đặc biệt là việc nước Nga có được đột phá khẩu quan trọng phá thế bao vây cấm vận qua ngả “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, từ đó có thể thách thức NATO và hiệu chỉnh EU, có thể được xem là cơ hội “có một không hai” cho nước Nga khẳng định lại vị thế của mình.

Đây là cơ hội tốt nhất cho những quân cờ mới của Putin thể hiện tài năng để làm hồi sinh sức mạnh Nga.

Tuy nhiên, bộ máy hiện tại và cơ chế vận hành của chính phủ Nga sẽ là trở lực rất lớn với những quân cờ mới, trong những nước đi mới nhằm hiện thức hoá việc chuyển cơ hội thành lợi ích cho nước Nga.

Vì vậy, Tổng thống Putin phải có những điều chỉnh về mặt nhân sự, hiệu chỉnh về mặt cơ chế hoạt động cho chính phủ Nga. Nhưng ông lại chọn bắt đầu từ Kremlin.  

Không ai là không thể đụng đến

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai và không thể ra tranh cử nhiệm kỳ ba liên tiếp, Tổng thống Putin đã phải rất đắn đo trong việc lựa chọn giới thiệu ai trong hai Phó thủ tướng thứ nhất của chính phủ Nga lúc bấy giờ, ra tranh cử Tổng thống, Sergei Ivanov hay Dmitry Medvedev?

Cuối cùng Putin chọn Medvedev để việc quay trở lại chiếc ghế Tổng thống của ông dễ dàng hơn.

Ông Sergei Ivanov được Putin giao cho một sứ mệnh mới, ảnh: BBC.
Ông Sergei Ivanov được Putin giao cho một sứ mệnh mới, ảnh: BBC.

Lúc đó, nhiều người nhận định ông Putin đánh giá Dmitry Medvedev cao hơn Sergei Ivanov, nhưng với người viết thì là ngược lại và đến lúc này nhận định đó vẫn không thay đổi.

Như vậy, có thể thấy rằng việc để ông S.Ivanov rời khỏi chức vụ Chánh văn phòng Tổng thống Nga là việc rất quan trọng với Tổng thống Putin.

Việc thay đổi nhân sự tham mưu cao nhất trong Điện Kremlin có thể xem là lời cảnh báo gửi tới chính phủ Nga rằng không ai là không thể đụng đến.

Có thể nhận diện Tổng thống Putin muốn qua việc miễn nhiệm Chánh văn phòng Tổng thống Nga gửi lời cảnh báo tới Medvedev rằng, nếu người nào không phù hợp với chiến lược của nước Nga sẽ phải ra đi.

Cá nhân người viết cho rằng, việc thay đổi trong bộ máy chính phủ cần kíp hơn việc thay đổi trong Điện Kremlin, nhưng Tổng thống Putin lại làm ngược lại, bởi hai lẽ.

Một là việc thay đổi trong chính phủ có thể diễn ra theo hai cách, hoặc thay đổi nhân sự hoặc đổi mới cơ chế. Hai là, việc thay đổi nhân sự trong chính phủ có thể gây xáo trộn lớn hơn nên cần phải làm từng bước.

Có thể thấy, Tổng thống Putin vẫn còn cho Thủ tướng Medvedev cơ hội đổi mới cơ chế hoạt động để làm sao những quân cờ mới của Putin có điều kiện tốt nhất thể hiện tài năng.

Và qua việc ra đi của ông S.Ivanov người viết cho rằng, cơ hội Tổng thống Putin dành cho Thủ tướng Medvedev là cơ hội cuối cùng cho ông thể hiện khả năng và tầm lãnh đạo.

Vậy phải chăng với vị cựu Chánh văn phòng Tổng thống Nga thì sự nghiệp chính trị của ông đã lụi tàn?

Bởi lẽ, theo truyền thống chính trị thời Liên Xô trước đây cũng như trên chính trường Nga thời hậu Xô Viết, những nhân vật quan trọng khi bị đưa sang phụ trách lĩnh vực kém quan trọng như nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông công chánh được xem là giáng chức.

Điều đó thể hiện qua việc Mikhail Gorbachev hạ bệ Yegor Ligachev hay trừng phạt Boris Elsin.

Tuy nhiên, với Sergei Ivanov lần này thì việc bổ nhiệm ông làm Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về bảo vệ thiên nhiên – môi trường và giao thông vận tải lại không mang tính chất như vậy.

Ông S.Ivanov nằm trong kế hoạch nhân sự quan trọng của Putin.  

Có thể thấy rằng, hiện nay chiến lược quan hệ đối ngoại của Nga đã và đang hướng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông – Bắc Phi, trong đó ba mũi tên chiến lược quan trọng là hướng về Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN.

Cùng với đó là nâng tầm quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, mở rộng quan hệ với Ấn Độ và các nước OPEC tại Trung Đông.

Lời cảnh báo của Putin: Không ai là không thể đụng đến! ảnh 3

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cầu cạnh điều gì ở Putin?

(GDVN) - Lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đang được Tổng thống Erdogan mang ra “ứng trước” cho việc xoa dịu Kremlin.

Chiến lược đối ngoại của Nga được xác định xoay quanh trục Moscow – Bắc Kinh, vậy nhưng, Kremlin đã rất thất vọng khi luôn bị Trung Nam Hải cho ăn nhiều bánh vẽ.

Không những thế nước Nga còn đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại lớn bởi “chất Trung Quốc”, nhất là việc Bắc kinh đang tìm cách chuyển các ngành công nghiệp ô nhiễm môi trường sang Liên bang Nga.

Vì vậy, việc có hẳn một Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về bảo vệ thiên nhiên – môi trường như là một cảnh báo cho Trung Nam Hải.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của nước Nga đều liên quan đến giao thông vận tải, từ đường hàng không, đường biển, đến đường sắt, đường cao tốc, thậm chí cả đường dẫn khí, dầu.

Điều đó cho thấy Điện Kremlin sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn những huyết mạch kinh tế của nước Nga mà thời gian qua chính phủ Nga đã không quản lý và khai thác hiệu quả.

Như vậy là Sergei Ivanov sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của chính phủ Medvedev và quyền lực của ông lớn hơn rất nhiều cái danh xưng Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga.

Có thể nhận thấy rằng, dù còn dành cơ hội cho Thủ tướng Medvedev, nhưng niềm tin của Tổng thống Putin vào ông Medvedev đã cạn dần. Ông Putin không hy vọng nhiều ở việc ông Medvedev có thể xây dựng được cơ chế thích hợp cho chính phủ Nga để đón vận hội mới.

Do vậy, người đứng đầu nhà nước Nga phải chuẩn bị những nước cờ đặc biệt cho tương lai của nước Nga.

Theo cá nhân người viết, việc Sergei Ivanov có thể ngồi vào ghế Thủ tướng Nga hay một một quân cờ mới của Putin, chẳng hạn Alexei Kudrin, được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ Nga hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai.

Tổng thống Putin đang tạo điều kiện cho bộ đôi S.Ivanov – A.Kudrin phối hợp trong việc xây dựng một cơ chế mới cho chính phủ Nga.

Tóm lại, việc Tổng thống Nga Putin miễn nhiệm người đồng minh thân cận lâu năm Sergei Ivanov là một động thái bắt đầu cho những đổi thay trên chính trường trong thời gian tới.

Việc ông S.Ivanov rời khỏi chức vụ Chánh văn phòng Tổng thống Nga là lời cảnh báo tới Thủ tướng D.Medvedev và chính phủ Nga là: Ai cũng phải ra đi nếu không mang lại lợi ích cho nước Nga.

Bên cạnh đó, việc ông S.Ivanov – một điệp viên an ninh kỳ cựu - được bổ nhiệm vào chức danh Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về bảo vệ thiên nhiên – môi trường và giao thông vận tải như lời cảnh báo của Moscow gửi tới đồng minh chiến lược Bắc Kinh rằng, người Nga không thể mãi ăn bánh vẽ, còn nước Nga thì không chấp nhận những gì sẽ tàn phá, huỷ hoại tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vn.sputniknews.com/russia/20160812/2265414/putin-giai-phong-ivanov-khoi-chuc-vu-dung-dau-van-phong-chinh-quyen-tong-thong.html

[2]http://www.straitstimes.com/world/europe/putin-dismisses-powerful-chief-of-staff

[3]http://www.straitstimes.com/world/europe/putin-dismisses-powerful-chief-of-staff

Ngọc Việt