Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cầu cạnh điều gì ở Putin?

11/08/2016 14:43
Ngọc Việt
(GDVN) - Lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đang được Tổng thống Erdogan mang ra “ứng trước” cho việc xoa dịu Kremlin.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến viếng thăm Liên bang Nga hơn 8 tháng sau “sự kiện 17 giây”, hơn 1 tháng sau lời xin lỗi của Ankara gửi tới Moscow về sự kiện ấy và hơn 20 ngày sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Erdogan bị đập tan.

Chuyến thăm Nga là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Erdogan sau khi ông thoát chết trong gang tấc khi không rơi vào tay lực lượng đảo chính. Điều đó cho thấy động thái đi Moscow lần này quan trọng tới mức nào.

Theo Sputnik ngày 9/8, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại St Petersburg, hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm cả việc khôi phục quan hệ kinh tế và hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Từ việc nối lại liên hệ hàng không Nga - Thổ, chiến lược đầu tư cho dự án nhà máy điện hạt nhân"Akkuyu", khởi phát dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" cho đến hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Chuyến thăm “cựu thù” của Tổng thống Erdogan thu hút sự quan tâm rất lớn của cà chính giới lẫn dư luận quốc tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ảnh: Ann7.com / Getty Images.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ảnh: Ann7.com / Getty Images.

Với tính chất, mục đích và những kết quả đạt được trong chuyến thăm, với tinh thần thái độ của Putin và Erdogan trong các cuộc hội đàm song phương cũng như gặp gỡ báo giới, có thể nhận diện quan hệ Moscow – Ankara đã sang trang .

Tương lai hợp tác giữa Erdogan với Putin sẽ sáng hơn, đẹp hơn những trang sử của quan hệ Nga – Thổ trong quá khứ. Một bước tiến quá dài, quá nhanh giữa hai quốc gia mà mới đây thôi còn xem nhau là kẻ thù không đội trời chung.

Với cá nhân người viết thì tính chất quan hệ Nga – Thổ sẽ thay đổi, còn nó có mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ không thì chưa thể khẳng định.

Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đang được Tổng thống Erdogan mang ra “ứng trước” cho việc xoa dịu Kremlin.

Ông Erdogan muốn làm sống lại quan hệ với Putin, qua đó củng cố sự nghiệp chính trị của mình, vốn tưởng là vững vàng nhưng rất mong manh sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 vừa qua.

Đánh mất nhiều lợi ích của Thổ Nhỹ Kỳ trong NATO

Tổng thống Erdogan hằn học với NATO khi khối liên minh quân sự này cũng như các thành viên của khối không có phản ứng rõ ràng và kịp thời với cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông. Trong khi đó Moscow gần như luôn sát cánh với ông.

Thậm chí Erdogan cò nghi ngờ Mỹ và phương Tây đứng sau giật dây cho lực lượng đảo chính, dung túng cho người ông xem là kẻ chủ mưu – giáo sĩ Fethulla Gulen.

Tuy nhiên, những phản ứng của ông Erdogan là cực đoan và không phù hợp.

Erdogan đạo diễn “sự kiện 17 giây” khiến cho NATO phải có những động thái chuẩn bị nghênh chiến với Nga nếu như Moscow có hành động trả đũa quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy nhưng, đùng một cái Erdogan lại gửi lời xin lỗi tới Kremlin mà NATO không hề được tham khảo ý kiến. Vậy là khi Erdogan gây nguy hiểm thì NATO phải hứng chịu, còn nếu không thì Erodgan quên mất hẳn NATO. 

Erdogan liên minh với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan nhằm thách thức Nga, khiến cho NATO phải có những phản ứng và hành động phù hợp với sự ra đời của liên minh này.

Hơn nữa, khi liên minh Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Gruzia và Azerbaijan ra đời thì đương nhiên Kremlin phải có hiệu chỉnh chiến lược quân sự của mình. Và tất yếu NATO cũng phải có hiệu chỉnh chiến lược.

Vậy nhưng khi Ankara xin lỗi Moscow thì liên minh với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan sẽ tan rã bởi mục đích tồn tại của nó không còn.

Rõ ràng, Erdogan đã tận dụng vị thế thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ để tung hoành ngang dọc. Song khi thay đổi hành vi hay chuyển đổi trạng thái hành động, Erdogan lại quên ngay cái bệ đỡ của mình.

Với những việc làm của Erdogan trong thời gian 8 tháng khủng hoảng sau “sự kiện 17 giây” chẳng khác nào Ankara ăn ốc và NATO phải đổ vỏ.

Erdogan nâng tầm quan hệ Ankara – Moscow vì không hài lòng với vị thế “trách nhiệm lớn mà quyền lợi không nhiều” của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO là điều có thể hiểu được.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ảnh: telesurtv.net.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ảnh: telesurtv.net.

Nhưng việc hạ tầm của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO khi nhanh chóng kết nối với Kremlin sau cuộc đảo chính bất thành thì lại là việc khó chấp nhận của Erdogan.

Bởi lẽ, hành động này của Erdogan khiến cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mất đi nhiều quyền lợi mà quan hệ với Nga không thể bù đắp được.

Có thể thấy rằng, chỉ là Ankara có quyền lợi chưa tương xứng với trách nhiệm, chứ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khi nằm trong Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương là rất lớn.

Cứ hình dung “ước vọng NATO” hàng chục năm qua của Ukraine và Gruzia là sẽ thấy điều đó.

Đánh rơi nhiều lợi ích của Thổ Nhĩ kỳ trong quan hệ với EU

Người viết nhận định rằng, để có được vị thế và vai trò như hôm nay là một thành viên G-20, Thổ Nhĩ Kỹ hoàn toàn nhờ vào quan hệ với Mỹ và các thành viên EU.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa được Liên minh Châu Âu tiếp nhận có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những tuyên bố của Ankara và hành động của Erdogan.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có quy mô lớn thứ 18 trong nền kinh tế toàn cầu là có ảnh hưởng quyết định từ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU.

Khi Brussels chia sẻ vấn đề dân nhập cư với Ankara có thể nhận diện là EU mang đến cho người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ những quyền lợi rất lớn, chứ không chỉ lượng hoá qua 3 tỷ USD.

Động thái ấy được ví như một cây cầu vượt được xây dựng với tiến độ nhanh kết nối Ankara – Brussels. Vị thế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ là đích đến của cây cầu ấy.

Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của vấn đề quá nhạy cảm này nên Erdogan “vừa ăn vừa trách” EU.    

Sự kiện Brexit diễn ra cộng hưởng với thái độ ngông nghênh của Erdogan khiến cho Brussels phải xem lại, liệu có nên hoàn tất "cây cầu vượt" đó nữa hay không.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cầu cạnh điều gì ở Putin? ảnh 3

Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và hai bài học cho ông Erdogan

(GDVN) - Việc Tổng thống Erdogan cần phải làm hậu đảo chính là đoàn kết dân tộc, ông Erdogan phải đặt tham vọng cá nhân dưới nguyện vọng của người dân.

Và thế là Edrogan thể hiện thái độ quay ngoắt với đối tác lâu năm này. Ankara nhanh chóng thúc đẩy quan hệ với Moscow, mở rộng kết nối quan hệ với Bắc Kinh để dằn mặt NATO và cảnh báo EU.

Cá nhân người viết cho rằng, lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ có được từ những người bạn mới không thể bù đắp lợi ích đã tuột mất từ EU.

Trong khi đó, lợi ích từ những đối tác lâu năm là thực tế, là con số thực, còn lợi ích từ những người bạn mới chỉ mới là kỳ vọng mà thôi. Rõ ràng, Erdogan đã quá mạo hiểm với lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông đã làm điều ngược với quy luật khi “thêm thù bớt bạn”, bởi lẽ hiện nay cả Moscow và Bắc Kinh đều nằm trong tình cảnh “bạn ít thù nhiều”. Erdogan đã đưa lợi ích của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với nguy hiểm khi đánh đổi quyền lợi thực tế lấy lợi ích ở dạng mong chờ.

Xây dựng quan hệ với Nga trong thế yếu với nhiều thua thiệt cho Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Erdogan chủ động xin lỗi Kremlin về “sự kiện 17 giây” đã khiến cho cả đồng minh lẫn đối tác của Ankara phật ý. Nó cũng được xem là cái cớ quan trọng khiến cho quân đội đứng lên làm đảo chính lật độ Erdogan.

Để giảm nhẹ sự bẽ bàng khi tới Moscow, Erdogan đã khiến cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu phải làm một việc chẳng giống ai. Đó là đẩy vị cựu Thủ tướng phải lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân về “sự kiện 17 giây”.

Một hành động vụng về của Erdogan làm sao qua mặt được Putin với kinh nghiệm lâu năm của một điệp viên an ninh KGB nổi tiếng? Điều đó lại giúp cho Putin khai thác được lợi ích từ hành động vụng về ấy để làm tăng vị thế cho Nga.

Trong tư thế phải gánh trách nhiệm của việc “con dại cái mang”, Erdogan dễ ăn dễ nói hơn với Putin, nhưng quyền lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ thì lại có thể sụt giảm để bù đắp thiệt hại cho Liên bang Nga.   

Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên đoàn doanh nghiệp Á- Âu (EADS) Viktor Kambolov cho biết:

"Thị trường của Nga đã thay đổi rất nhiều và hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đánh bật ra.

Các nhà sản xuất của Nga, của EAEU, các nước cựu thành viên Liên Xô, Trung Quốc, Iran, các nước Đông Nam Á đã thay thế hoặc hoàn toàn thay thế các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Thổ có thể trở lại vị trí của họ trong khoảng 70-75%, tuy nhiên 20-25% thị trường có thể họ đã đánh mất hẳn." [4]

Như vậy là chỉ vì một phút nóng giận, Erdogan đã đánh mất hoàn toàn 1/4 lợi ích của người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Liên bang Nga.

Trong khi theo Moscow thì chỉ 8 tháng khủng hoảng đã khiến cho giá trị trao đổi thương mại Nga – Thổ sụt giảm 43%. Như vậy là “sự kiện 17 giây” đã lấy đi của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ biết bao lợi ích.

Tuy nhiên, điều đó chẳng là gì khi Erdogan quá nhanh chóng trong việc chủ động nối lại quan hệ với Moscow.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cầu cạnh điều gì ở Putin? ảnh 4

Putin có thể đưa nước Nga thoát khó khăn theo 3 dòng chảy

(GDVN) - Những quân cờ mới của Tổng thống Putin, trong đó đặc biệt là nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc.

Người viết cho rằng, Nga sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và tổng kim ngạch thương mại hai chiều Nga – Thổ có thể đạt 100 tỷ USD sớm hơn dự kiến của lãnh đạo hai nước.

Bởi lẽ, với vị thế hiện nay thì tổng giá trị thương mại càng lớn càng có lợi cho Nga hơn là cho Thổ. Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một vị thế cấm kỵ trong đàm phán với Liên bang Nga, đó là vị thế của người cầu cạnh.

Khi vị thế không ngang bằng, thậm chí là lép vế thì không thể ngang bằng về lợi ích trong quan hệ song phương.

Erdogan đã giúp Putin có đột phá khẩu trong hiện thực hoá việc đưa nước Nga thoát ra theo ba dòng chày, cùng với đó là sự thách thức với NATO và hiệu chỉnh EU.

Chỉ có điều, trong tư cách người tạo đà cho Moscow, Ankara lại không có được lợi ích tương xứng, trong khi lợi ích trong NATO, với EU thì ngày một giảm dần.

Cho đến giờ phút này, có thể nhận định rằng, cuộc binh biến tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 là nhằm chuẩn bị cho một cuộc bạo loạn lật đổ, chứ không chỉ là một cuộc đảo chính quân sự cướp quyền đơn thuần.

Nó chứng tỏ rằng, người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn phe đảo chính là vì có đổ máu, vì quân đội đã gây tội ác, chứ không phải toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau lưng Tổng thống Erdogan.

Vậy nhưng, Tổng thống Erdogan không củng cố khối đoàn kết dân tộc mà lại tiến hành cuộc thanh trừng trên quy mô lớn chưa từng có sau một cuộc đảo chính bất thành.

Việc nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt nhốt tất cả những ai bị nghi ngờ dính tới cuộc binh biến đã cho thấy quyền lực của Tổng thống Erdogan đã không còn được đảm bảo.

Nay ông Erdogan lại đánh mất những lợi ích của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong các mối quan hệ quốc tế khiến cho chiếc ghế Tổng thống của ông không thể vững vàng.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vn.sputniknews.com/business/20160809/2252058/nga-tho-nhi-ky-chuyen-bay.html

[2]http://vn.sputniknews.com/politics/20160809/2251805.html

[3]http://vn.sputniknews.com/politics/20160809/2251594.html

[4]http://vn.sputniknews.com/business/20160810/2255968/nha-san-xuattho-nhi-ky-danh-mat-thi-truong-nga.html

Ngọc Việt