Shangri-la: Ông Lý Hiển Long đánh giá đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông

30/05/2015 06:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì bằng vũ lực đơn phương, mà phải đòi hỏi sự đồng thuận và tính chính đáng trong cộng đồng
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-la tối qua. Ảnh: Arab News.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-la tối qua. Ảnh: Arab News.

The Straits Times ngày 30/5 đưa tin, tối qua Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2015, trong số các chủ đề nóng được ông đề cập, căng thẳng Trung - Mỹ trên Biển Đông chiếm vị trí nổi bật. Ông Long nói rằng, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nói Thái Bình Dương đủ rộng cho cả hai, khu vực đã xem đó như một dấu hiệu tốt.

Thái Bình Dương đủ lớn cho cả hai có nghĩa rằng không gian toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương đủ cho cả 2 cường quốc tham gia cạnh tranh một cách hòa bình và đề ra các vấn đề mang tính xây dựng mà không làm tăng căng thẳng. "Đủ lớn" không có nghĩa là để 2 nước phân chia Thái Bình Dương để mỗi nước chiếm một khu vực ảnh hưởng cho mình, làm tăng nguy cơ đối đầu và xung đột quyền lực.

Tuy nhiên trên thực tế sự cạnh tranh giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi. Ông Lý Hiển Long đánh giá cao chiến lược "Một vành đai một con đường", ý tưởng "Con đường Tơ lụa trên biển" và dự án Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ khởi xướng và đang nỗ lực thúc đẩy. Singapore hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia TPP, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tham gia AIIB.

Nhưng mô hình cạnh tranh Trung - Mỹ hiện nay khó có thể đạt được một kết quả cùng thắng, và những điều bất như ý khó tránh khỏi. Tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông là ví dụ. Ở Biển Đông, có quốc gia yêu sách đang có những hành động đơn phương ở khu vực tranh chấp, khoan dầu khí, bồi lấp đất, thiết lập các tiền đồn và tăng cường sự hiện diện quân sự của họ.

Hoạt động này đã gây phản ứng, Mỹ đã gia tăng "quá mức" các chuyến bay và tàu tuần tra thị sát vùng lãnh thổ tranh chấp để báo hiệu rằng, Washington sẽ không chấp nhận các hành động đơn phương khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Mỗi quốc gia cảm thấy bắt buộc phải phản ứng với những gì người khác đã làm để bảo vệ lợi ích của mình.

Ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sẽ có bài phát biểu sáng nay Đối thoại Shangri-la.
Ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sẽ có bài phát biểu sáng nay Đối thoại Shangri-la.

Quốc gia không có yêu sách trong tranh chấp không thể đứng về bất kỳ bên yêu sách nào, nhưng họ phải có vai trò trong tranh chấp (Biển Đông) và đặc biệt là với cách thức tranh chấp được xử lý. Bởi lẽ mỗi quốc gia châu Á sẽ đều bị tổn hại nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa. Biển Đông là một trong những tuyến giao thông hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất thế giới. Do đó các nước bao gồm Singapore có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Vấn đề đặt ra hiện nay là không một quốc gia nào có thể từ bỏ tuyên bố chủ quyền, hàng hải của mình, hoặc đôi khi thậm chí là thừa nhận tồn tại một bất đồng tranh chấp mà không phải trả một cái giá chính trị cao. Hậu quả là tất cả các bên đóng khung cứng lại quan điểm của họ, tháo gỡ tranh chấp càng trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy những tranh chấp trên biển hầu hết không thể giải quyết được trong tương lai gần. Nhưng nó có thể và nên được quản lý và kiểm soát. Nếu tình trạng căng thẳng hiện nay vẫn tiếp tục, nó có thể dẫn đến các kết quả xấu.

Trung Quốc và ASEAN sẽ hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt để phá vỡ vòng luẩn quẩn và không để cho các tranh chấp làm hỏng mối quan hệ hợp tác rộng lớn hơn. Nếu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì đó sẽ là kết quả tốt nhất. Mặt khác, nếu một cuộc đụng độ vật lý xảy ra, đó sẽ là một tai nạn rất xấu.

Nhưng thậm chí nếu chúng ta tránh được một cuộc đụng độ vật lý, nhưng nếu kết quả lại được xác định trên cơ sở sức mạnh vũ lực, nó sẽ thiết lập một tiền lệ xấu. Nó có thể không dẫn tới một cuộc xung đột nóng, nhưng lại không phải điều đáng mừng và ít bền vững. Về lâu dài, trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì bằng vũ lực đơn phương, mà phải đòi hỏi sự đồng thuận và tính chính đáng trong cộng đồng quốc tế cùng với sự cân bằng quyền lực.

Hồng Thủy