Ông Kim Jong-un. |
Yonhap ngày 14/4 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được Bắc Kinh mời sang dự 1 cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh gọi là "kháng chiến chống Nhật". Tuy nhiên vẫn chưa rõ tin ông Kim Jong-un có nhận lời đi Bắc Kinh hay không. Nhà lãnh đạo này chưa tới thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2011.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc đang "nghiên cứu" cách gửi lời mời chính thức đến Kim Jong-un. Tháng trước, Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc đã chính thức mời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi ông sang Seoul. Nga tuyên bố rằng Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời tham dự duyệt binh tại Moscow ngày 9/5 tới.
Hôm Thứ Hai, Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Kim Jang-soo nói với các phóng viên rằng, Bắc Kinh vẫn chưa chắc chắn Kim Jong-un có đi Moscow tháng 5 không, trong khi Nga tỏ ra rất tự tin.
Trong một dộng thái có liên quan, Đa Chiều ngày 13/4 bình luận, quan hệ Trung - Triều ngày càng lạnh nhạt đã là một thực tế không có gì phải bàn cãi. Tân Đại sứ Trung Quốc sang Triều Tiên Lý Tiến Quân hôm 30/3 đã trình quốc thư nhậm chức, người nhận không phải ông Kim Jong-un mà là Chủ tịch Quốc hội Kim Jong-nam.
Trình quốc thư xong, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên tiếp tân Đại sứ Trung Quốc, lần đầu tiên đại diện của Bắc Kinh nhắc đến khái niệm "cầu đồng tồn dị", tìm kiếm điểm chung giữa 2 nước và gác lại những điểm khác biệt để nói về mối quan hệ một thời đồng minh môi hở răng lạnh.
Động thái này được giới phân tích cho rằng Tập Cận Bình đã không còn coi Bắc Triều Tiên là "quốc gia đặc biệt" hay đồng minh truyền thống như trước. Lý Tiến Quân đến Triều Tiên hôm 19/3 thì hôm 23/3 đã gửi bản sao Quốc thư cho Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên hôm 31/3 đưa tin tân Đại sứ Trung Quốc sang Triều tiên nhậm chức đã thể hiện rất ngắn gọn và đặt ở trang 2, không phải trang đầu như người tiền nhiệm Lưu Hồng Tài nhậm chức năm 2010. Nội dung bài báo trên Rodong Sinmun cũng chỉ ngắn bằng 1/3 so với năm 2010.
Ông Lý Tiến Quân trước đó cũng đã từng làm Đại sứ tại Myanmar và Philippines. Trước khi sang Bình Nhưỡng nhận trọng trách Đại sứ, ông Quân là Phó ban Liên lạc đối ngoại trung ương kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội giao lưu quốc tế Trung Quốc.