Mỹ có thể điều quân từ Hàn Quốc can thiệp vào Biển Đông khi cần?

13/07/2018 13:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự và trở nên hung hăng hơn, các lực lượng quân sự Mỹ - Hàn có thể cần phải chứng minh khả năng áp đặt.

Ngày 1/7, Bộ Tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc đã rời trụ sở từ Yongsan ở trung tâm Seoul đến Trại Humphreys ở Pyeongtaek, cách Thủ đô Hàn Quốc 70 km về phía Nam.

Việc di dời đại bản doanh lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc ra xa biên giới 2 miền bán đảo Triều Tiên cũng là cơ hội để xem lại tầm nhìn về vai trò của lực lượng này, nhất là trong bối cảnh an ninh khu vực rộng lớn hơn có nhiều biến động.

Kể từ đầu những năm 2000, Washington đã theo đuổi việc tái cấu trúc lực lượng quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, tăng cường tính linh hoạt chiến lược và đảm bảo có thể dễ cơ động triển khai lực lượng thực hiện một loạt nhiệm vụ phòng thủ trong khu vực.

Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, hình minh họa: Yonhap.
Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, hình minh họa: Yonhap.

Tuy nhiên tính toán này đã bị hạn chế bởi mối đe dọa từ Bình Nhưỡng cũng như sự lo lắng của Seoul, rằng Hoa Kỳ vướng bận nhiệm vụ bên ngoài sẽ khiến Hàn Quốc bối rối nếu xảy ra xung đột với miền Bắc.

Mặc dù có những hạn chế, nhưng lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tái cấu trúc, giúp nó trở nên nhanh nhẹn, linh động hơn, có khả năng thích ứng cao với nhiều môi trường chiến đấu khác nhau.

Việc di dời đại bản doanh về địa điểm mới cách Seoul 70 km về phía Nam là nhằm thực hiện thỏa thuận Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6.

Vành đai và Con đường, phân tích và bình luận

Tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ tại Hoa Kỳ Vincent Brooks cho biết, thực tế Bình Nhưỡng chưa có động thái nào trong việc cắt giảm mối đe dọa, từ phá hủy tên lửa, hạt nhân cho đến điều chỉnh lực lượng pháo binh ở biên giới.

Cho nên trước mắt các mối đe dọa từ miền Bắc bán đảo vẫn còn tồn tại, và nhiệm vụ chính của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc là phòng thủ, đối phó với khả năng xung đột với Triều Tiên.

Tuy nhiên, những nỗ lực hướng tới hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra, thúc đẩy hy vọng rằng Seoul sẽ bỏ được gánh nặng phải phòng ngừa, ngăn chặn Bình Nhưỡng, và xem xét lại vai trò phòng thủ mới nhằm phục vụ lợi ích an ninh của cả 2 nước.

Tiến sĩ Patrick M. Cronin, ảnh: Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Patrick M. Cronin, ảnh: Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Patrick M. Cronin, giám đốc cấp cao của chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới - Hoa Kỳ cho biết:

Các lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc đã tính đến các nhiệm vụ trong khu vực rộng lớn hơn;

Các hoạt động viễn chinh được lên kế hoạch để minh chứng cho khả năng bảo vệ các lợi ích và hệ giá trị được chia sẻ bên ngoài phạm vi bán đảo, bao gồm Biển Đông và khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương;

Cục diện Biển Đông, diễn biến và bình luận

Hỗ trợ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao, chống ép buộc hay đơn phương thay đổi hiện trạng, cũng có thể thúc đẩy Seoul hành động chung cùng các nước khác.

Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự và trở nên hung hăng hơn, các lực lượng quân sự Mỹ - Hàn có thể cần phải chứng minh khả năng áp đặt cái giá phải trả cho việc can thiệp từ bên ngoài.

Một liên minh mạnh mẽ ngay cả khi cắt giảm quân số, có thể bảo đảm sự ổn định ở Đông Bắc Á.

Nguồn:

http://english.yonhapnews.co.kr/news/2018/07/03/0200000000AEN20180703003600315.html

http://news.sina.com.cn/o/2018-07-13/doc-ihfefkqr3688372.shtml

Hồng Thủy