USNI News ngày 31/1 đưa tin, ngày 30/1 sau khi khu trục hạm Hoa Kỳ USS Curtis Wilbur (DDG-54) tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ 1974 đến nay), Trung Quốc đã nhanh chóng lớn tiếng chỉ trích.
Cả bà Hoa Xuân Oánh và ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều viện dẫn tuyên bố đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa năm 1996 để nói tàu chiến Mỹ xâm phạm cái gọi là "chủ quyền lãnh hải" của Trung Quốc.
Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa. |
Người Trung Quốc đã tự ý vẽ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải theo phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo như Indonesia, Philippines theo Điều 47 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Điều này hoàn toàn bất hợp pháp, bởi lẽ Hoàng Sa hay Trường Sa đều không phải quốc gia quần đảo.
Tất cả các thực thể ở Hoàng Sa hay Trường Sa đều không có thực thể nào đủ tiêu chuẩn của một Island theo quy định trong Điều 121 UNCLOS để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vì chúng không thích hợp cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng, theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
USNI News bình luận, Mỹ không công nhận yêu cầu của Trung Quốc đòi xin phép trước khi thực hiện quyền đi qua vô hại trong lãnh hải 12 hải lý của một thực thể ở Hoàng Sa, đồng thời Washington không công nhận đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải mà Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa theo phương pháp đường cơ sở thẳng, nối 28 điểm của quần đảo này bằng những đoạn thẳng.
Cũng xin lưu ý, trên Biển Đông bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines vào tháng Tư 2012 Bắc Kinh luôn gọi nó là "đảo" Hoàng Nham. Nếu Trung Quốc tìm cách đòi được 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho Hoàng Sa, Trường Sa và Scarborough, thì đường lưỡi bò sẽ được hiện thực hóa về mặt pháp lý - PV.
Hoạt động tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn mà Hải quân Mỹ tiến hành đã nhận được sự ủng hộ và tán đồng của Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
"Tôi rất vui khi biết tin Hải quân Mỹ tiến hành một hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Hoạt động này đã thách thức các yêu sách hàng hải quá mức, làm hạn chế các quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ và nước khác theo luật pháp quốc tế.
Tôi hy vọng những hoạt động này sẽ trở thành thường lệ và Trung Quốc cũng như các bên liên quan sẽ chấp nhận hoạt động bình thường này, không có những phát ngôn không cần thiết", ông John McCain cho biết.