Những toan tính của Mỹ đằng sau cuộc khủng hoảng Triều Tiên

04/12/2017 15:09
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Hoa Kỳ nắm thế chủ động trong ván cờ này, còn Triều Tiên sẽ vừa là mục tiêu, vừa là “chất xúc tác” để Hoa Kỳ thực hiện những toan tính cho lợi ích của họ.

Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15 hôm 29/11 khiến căng thẳng leo thang, giới chức Hoa Kỳ đã ra sức chỉ trích Bình Nhưỡng và cảnh báo về một cuộc chiến tranh đang đến gần.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Simi Valley, California hôm 2/12, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông HR McMaster cho rằng, Triều Tiên là “mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ” và khả năng về một cuộc chiến tranh chống Triều Tiên đang đến gần.

“Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này để tránh một cuộc xung đột vũ trang, nhưng tôi cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang tăng từng ngày và chúng ta không còn nhiều thời gian nữa”, ông McMaster nói.

Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên phóng thử hôm 29/11 (Ảnh: AP)
Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên phóng thử hôm 29/11 (Ảnh: AP)

Trước đó, đại sứ Hoa kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cáo buộc vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên như một “hành động xâm lược”, đồng thời cảnh báo, nếu chiến tranh xảy ra, “Triều Tiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn”.

Bên cạnh những lời cảnh báo, hôm 3/12, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đã điều động tới 230 máy bay chiến đấu và hơn 12.000 binh sĩ để tiến hành một cuộc tập trận chung kéo dài một tuần. [1]

Điều này đã làm dấy lên những lo ngại thực sự về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ngay cả Nga cũng đã nâng cao cấp độ cảnh giác cho quân đội nước này nhằm đề phòng tình huống chiến tranh Mỹ - Triều nổ ra.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể và xuyên suốt, có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên dường như đang nằm trong tính toán của Hoa Kỳ.

Washington có thừa sự tỉnh táo để hiểu rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, dù có áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đến đâu, bởi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự tồn vong nước này.

Thế nhưng, Hoa Kỳ vẫn liên tục gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng, khiến nước này bùng phát những phản ứng tiêu cực, mà vụ thử tên lửa Hawsong-15 vừa qua là một minh chứng.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, động cơ nào mà Hoa Kỳ phải liên tục gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, dù biết rằng động thái đó có thể khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp?

Căn cứ không quân Mỹ tại Futema Nhật Bản (Ảnh: AP)
Căn cứ không quân Mỹ tại Futema Nhật Bản (Ảnh: AP)

Bán vũ khí

Có thể nhận thấy rằng, mục đích bán vũ khí cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn từ Triều Tiên là động cơ chính của Hoa Kỳ.

Mới đây, trong chuyến công du châu Á, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đều gợi ý hai nước này nên mua các loại vũ khí mới của Mỹ để bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên.

Chưa rõ hoạt động mua bán sau đó diễn ra như thế nào, nhưng nếu tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà “yên lặng” như 75 ngày qua - tính đến trước thời điểm Triều Tiên phóng thử tên lửa Hawsong-15, thì chắc chắn sẽ ít có động lực để Hàn Quốc và Nhật Bản mua vũ khí mới của Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump - một nhà kinh tế chính hiệu, như hiểu rất rõ điều này, bởi vậy ông đã rất biết cách để châm ngòi cho những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên, khi liệt Triều Tiên vào cái mà Hoa Kỳ gọi là “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”, khiến Bình Nhưỡng giận dữ.

Vụ phóng thử tên lửa Hawsong-15 vừa qua như là hệ quả tất yếu bởi những động thái gia tăng áp lực của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên, đúng như lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói “chính Hoa Kỳ đã kích động Bình Nhưỡng phóng tên lửa”.

Theo đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát trở lại, các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản lại có cớ để được kích hoạt và nguy cơ về một cuộc chiến tranh lại hiện hữu.

Lúc này Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước lo lắng nhất về một viễn cảnh tồi tệ - đó là chiến tranh.

Và để đảm bảo an toàn trước nguy cơ tiềm ẩn từ Triều Tiên, cũng như giảm thiểu thiệt hại nếu chiến tranh nổ ra, không gì bằng là Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tăng chi cho ngân sách quốc phòng để mua sắm vũ khí mới của Mỹ.

Hiện tại, dư luận Hàn Quốc đang ngày càng ủng hộ tăng cường sức mạnh quân sự, bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mua sắm các loại vũ khí hiện đại, thậm chí còn muốn sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên.

Mới đây, Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định tăng chi ngân sách cho quốc phòng, với mức dự kiến lên tới 38 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn 3 tỷ USD so với năm 2017. [2]

Trong khi Nhật Bản đang cân nhắc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Aegis trên đất liền (Aegis Ashore) và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 cải tiến, để bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên nếu xâm phạm không phận và lãnh thổ nước này.

Theo tính toán, hệ thống Aegis Ashore có thể bảo vệ được một khu vực rộng lớn, và chỉ cần hai tổ hợp là có thể bảo vệ được toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản [trên lý thuyết].

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống Aegis Ashore sẽ mất vài năm, trong khi đơn giá lên tới 18,5 triệu USD cho mỗi quả tên lửa đánh chặn, một con số quá đắt đỏ, nhưng với tình thế hiện tại, xem ra rất khó để Nhật Bản không rút hầu bao.

Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của Seoul và Tokyo có thể sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang trong khu vực.

Và như vậy, Hoa Kỳ sẽ là nước được hưởng lợi không nhỏ từ việc bán vũ khí cho các đồng minh của họ.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tuần tra ở khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tuần tra ở khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)

Có lý do để tăng cường sự hiện diện quân sự

Ngoài vấn đề bán vũ khí, thì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như đang là một lý do rất tốt để Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu đặt giả thiết Triều Tiên không còn là “vấn đề” nữa, thì có lẽ Hoa Kỳ sẽ không còn lý do chính đáng nào để lực lượng quân sự của họ xuất hiện ở khu vực này.

Bởi vậy, Hoa Kỳ cần có một sự đối đầu với Triều Tiên, để Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải thừa nhận rằng, họ cần phải có quân đội Mỹ bên cạnh để đảm đảm bảo an toàn cho họ.

Nhà phân tích chính trị Alexei Fenenko, Phó giáo sư tại khoa Chính trị Thế giới thuộc Đại học Quốc gia Moskva khẳng định:

“Người Mỹ đang cố đạt được những thứ đơn giản ở châu Á.

Đầu tiên, họ quá cần một sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bởi đó là lý do cho sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực này”. [3]

Chính vì lẽ đó, mà xu hướng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ không thay đổi.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để gia tăng áp lực, thậm chí là kích động Bình Nhưỡng, giống như tuyên bố vừa qua về việc liệt Triều Tiên và “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” - được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành động phóng tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, để đáp trả chính sách gia tăng áp lực từ phía Hoa Kỳ, Triều Tiên sẽ tiếp tục có những hành động khiêu khích.

Bởi họ hiểu được ý định của Mỹ, đồng thời cũng biết rằng, chiến tranh là điều khó xảy ra, vì còn liên quan đến hai siêu cường quân sự là Trung Quốc và Nga, cũng như sinh mạng của hàng chục triệu con người ở cả hai phía.

Thế nên, việc tạo ra sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn nằm trong tính toán của Hoa Kỳ, nhằm tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực này.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: AP)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: AP)

Giúp giảm chi phí cho lực lượng quân sự đóng ở nước ngoài

Vấn đề giảm chi phí quân sự đóng ở nước ngoài cũng được Washington khá coi trọng và đã có những hành động thúc đẩy trong nhiều năm.

Ngay từ khi Tổng thống Donald Trump tiến hành chiến dịch tranh cử, ông đã nhấn mạnh vào việc sẽ tiến tới cắt giảm chi phí đối với lực lượng quân sự của Mỹ đóng ở nước ngoài.

Thế nhưng việc cắt giảm chi phí này không phải là giảm bớt đầu tư quân sự, mà Hoa Kỳ muốn các nước có lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú, sẽ chia sẻ thêm gánh nặng chi phí quân sự cho họ.

“Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út và nhiều quốc gia khác đã không chi trả cho chúng ta khoản tiền đáng nhẽ họ nên chi, mà đặt toàn bộ gánh nặng quốc phòng lên vai Mỹ, đó là sự vô lý”, ông Trump nói. [4]

Để thực hiện được mục đích này, không có gì tốt hơn là tạo ra một sự leo thang căng thẳng ở khu vực mà Mỹ cần, để các đồng minh của họ luôn nhận thấy một sự cần thiết hữu ích về sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Từ đó khiến các đồng minh sẵn sàng chi trả mạnh tay cho các chi phí quân sự của Hoa Kỳ.

Hiện tại, lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là 28.500 quân.

Theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) đã ký giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc hồi năm 2014, sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2018, thì Hàn Quốc phải chi 1.000 tỷ won (900 triệu USD) mỗi năm để duy trì lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại nước này.

Ngay cả việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, có chi phí khoảng 1 tỷ USD, Hoa Kỳ cũng đang hối thúc Hàn Quốc phải thanh toán cho khoản chi này.

Lý do là bởi Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng, Hàn Quốc chịu phí tổn cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên là điều “thích hợp”.

Tại Nhật Bản, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú lên tới 47.000 quân, đóng tại 124 căn cứ lớn nhỏ trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có hơn một nửa đóng tại căn cứ Okinawa.

Theo thỏa thuận trước đây giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Tokyo sẽ phải chi trả một khoản kinh phí hàng năm là 200 tỷ yên (1,9 tỉ USD), tương đương khoảng 75% chi phí cho các hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa bao giờ hài lòng với các khoản chi phí cho lực lượng quân sự Mỹ của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. [5]

Theo đó, các cuộc đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục được tiến hành trong tương lai;

Và đương nhiên, Tổng thống Donald Trump sẽ muốn Hoa Kỳ có được một tư thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán, nhằm buộc Hàn Quốc và Nhật Bản phải tăng thêm chi phí cho lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại nước họ.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra nhận định rằng, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ khó có thể được giải quyết một cách triệt để và chiến tranh cũng khó có thể nổ ra.

Ván cờ này là do Hoa Kỳ hoàn toàn nắm thế chủ động, trong khi Triều Tiên sẽ vừa là mục tiêu, vừa là “chất xúc tác” để Hoa Kỳ thực hiện những nước đi của họ nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho Washington.

Và như vậy, thế giới sẽ phải tiếp tục chứng kiến những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên trong ván cờ mà có lẽ chỉ có Hoa Kỳ là người chơi.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://edition.cnn.com/2017/12/03/asia/north-korean-us-tensions-wargames-intl/index.html

[2] https://thediplomat.com/2016/12/south-korea-boosts-defense-budget-amid-rising-north-korea-threat

[3] http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/xung-dot-trieu-tien-giup-my-hien-dien-quan-su-o-khu-vuc-360517.html

[4] http://tepbao.com/thoi-su-quoc-te/nhat-ban-se-phai-tra-them-tien-de-quan-doi-my-o-lai/67414.html

 [5] http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/counting-the-costs-of-having-us-forces-in-japan-south-korea

PHẠM DOÃN TÌNH