Ông Du Chính Thanh. |
Tân Hoa Xã ngày 27/12 đưa tin, ông Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Chính hiệp trung ương Trung Quốc hôm qua đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam 3 ngày theo lời mời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Thanh được Tân Hoa Xã dẫn lời nói rằng, chuyến thăm của ông đến Việt Nam là được sự ủy nhiệm của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng bí thư Tập Cận Bình nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo sự đồng thuận và thúc đẩy sự tiến bộ của quan hệ Việt - Trung "theo con đường đúng đắn".
Hợp tác hữu nghị vẫn là xu thế chính trong quan hệ Việt - Trung, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc phát triển quan hệ song phương, Tân Hoa Xã nói. Ông Thanh đề xuất hai bên cần tăng cường sự tin cậy chính trị và xây dựng sự đồng thuận, "tăng cường định hướng dư luận, xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải song phương và thúc đẩy hợp tác một cách thực tế trong các lĩnh vực khác nhau".
Ông Thanh phát biểu: "Các vấn đề hàng hải rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lý và kiểm soát sự khác biệt. Ngoại giao 'loa phóng thanh' chỉ kích hoạt sự bất ổn của công luận mà cả 2 bên nên tránh."
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, muốn "quản lý và kiểm soát sự khác biệt" hay "xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải song phương" thì việc đầu tiên Trung Quốc nên làm là cam kết không lặp lại các hành động leo thang xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam như vụ giàn khoan 981 đã từng xảy ra - PV.
Cái ông Thanh gọi là "ngoại giao loa phóng thanh" mà ông cho là "chỉ kích hoạt sự bất ổn của công luận mà cả hai bên nên tránh", cần phải được nhận thức rõ rằng phải xuất phát từ thiện chí của cả hai bên, không có hành động làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng - PV.
Sẽ không thể có chuyện im lặng một khi có những hành động đơn phương gây hấn, leo thang như trong vụ giàn khoan 981 vừa qua. Không thể có chuyện vì sợ cái gọi là sẽ "kích động sự bất ổn của dư luận" mà Việt Nam nhắm mắt làm ngơ trước các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việt Nam tự biết cần phải làm gì để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và duy trì trật tự, ổn định xã hội và phát triển đất nước - PV.
Bình luận về động thái này tờ India Times của Ấn Độ hôm nay cho rằng, khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với một vụ kiện quốc tế về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng "tìm cách làm yên lòng Việt Nam", một quốc gia có yêu sách trong các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp để đảm bảo giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, hợp tác đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau.
Hãng tin Reuters ngày 27/12 cho biết, Trung Quốc đã nhấn mạnh yêu sách (vô lý và phi pháp) của họ ở Biển Đông đầu năm nay bằng việc kéo giàn khoan 981 và đội tàu hộ tống vào cái Reuters gọi là "vùng biển tranh chấp với Việt Nam", nhưng thực tế vùng biển này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào.
Sau đó giàn khoan và đội tàu hộ tống Trung Quốc đã phải đối mặt với các lực lượng chứng năng Việt Nam. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã hung hãn sử dụng vòi rồng và thủ đoạn đâm va vào các tàu tuần tra, tàu cá Việt Nam.
Chính điều này đã dẫn đến phản ứng quyết liệt từ Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trong đó một số đối tượng quá khích lợi dụng tình hình kích động một số người đập phá một số nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài mà họ cho là của Trung Quốc (số đối tượng này đã bị pháp luật Việt Nam nghiêm trị - PV). Reuters lưu ý, Việt Nam cũng đã làm ấm mối quan hệ quân sự với Mỹ và đã nhận 2 trong 6 tàu ngầm Kilo 636 MV của Nga để tăng cường khả năng phỏng thủ.
Reuters bình luận, Bắc Kinh cuối cùng đã rút giàn khoan 981 và có tín hiệu muốn "sửa chữa quan hệ" với Việt Nam. Gần đây Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến về một ngân hàng đầu tư của khu vực và một quỹ phat triển cơ sở hạ tầng để xây dựng hình ảnh Bắc Kinh như một "người lái xe tốt bụng" trong hoạt động phát triển kinh tế của khu vực.