Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 3/3 bình luận, việc Tổng thống Nga sẵn sàng mạo hiểm quyết định can thiệp vào Ukraina bất chấp sự phản ứng dữ dội từ Mỹ vì ông tự tin rằng Mỹ cần Nga hơn là Washington cần Moscow.
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng việc can thiệp vào Ukraina đã giáng một đòn nặng vào quan hệ Mỹ - Nga cũng như những gì chính quyền Obama hình dung như một sự cải thiện trong quan hệ song phương thời gian vừa qua.
Putin dường như không quan tâm đến khả năng đang dần hiện rõ về sự rạn nứt quan hệ Nga - Mỹ. Ông tin tưởng quân đội Mỹ sẽ không can thiệp, Putin đưa ra quyết định mà không phải cảnh giác đề phòng bất kỳ hậu quả nào khác.
Olga Oliker, một chuyên gia Nga và là nhà phân tích chính sách quốc tế tại trung tâm nghiên cứu RAND ở Washington cho biết, việc "kéo đầu tàu chiến tranh qua Ukraina" là một phần của sự cạnh tranh tầm nhìn giữa Washington và Moscow.
Những gì tốt nhất cho Nga là sự ổn định trong khu vực và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên Nga, hoặc ít nhất là Vladimir Putin cho rằng điều quan trọng nhất với Moscow là một nước Nga mạnh mẽ mới có thể nhận được những gì họ muốn.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraina Yanukovych khi còn đương chức. |
Trong trường hợp Ukraina, các nhà phân tích cho rằng có khả năng Putin sẽ thể hiện rõ điểm này. Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tẩy chay Nga khỏi G8 và lên án Moscow, nhưng không ai trong số họ có khả năng gây ảnh hưởng đến quyết định của Putin.
Theo Olga Oliker, Mỹ và các đồng minh cần Nga hơn Nga cần họ. Nga xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, là nước chi tiêu quân sự lớn thứ 3 trên thế giới, có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Obama đã nói chuyện với Putin hơn 90 phút hôm Thứ Bảy để kêu gọi Nga rút quân khỏi bán đảo Crimea và đe dọa Nga có thể phải đối mặt với sự cô lập về chính trị và kinh tế lớn hơn.
Tuy nhiên tiếng nói của Obama không đủ sức nặng để làm thay đổi quan điểm của người Nga, Steven Bucci, Giám đốc Chính sách an ninh quốc gia tại quỹ Heritage tại Washington nhận xét.
Một số nhà lập pháp Mỹ tỏ ra tức giận với quyết định của Putin về Ukraina, xem đó là một pha nguy hiểm và táo bạo nhất để gây rắc rối cho Mỹ, làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Trong khi đó chính quyền Obama vẫn cố gắng để có được sự ủng hộ của Putin trong các vấn đề ngoại giao gai góc khác như Syria, Iran, Bắc Triều tiên.
Chính vì vậy, mặc dù Obama cảnh báo "hậu quả" nếu Putin đưa quân đội vào Crimea, nhưng thái độ của Washington dường như rất miễn cưỡng với sự hiểu biết rõ ràng, bất kỳ đe dọa trả thù nào cũng không thể ngăn được Putin, trừ khi ông ấy muốn.