Bloomberg ngày 22/3 đưa tin, chỉ vài giờ sau khi xảy ra một cuộc chạm trán giữa tàu kiểm ngư Indonesia với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trong khu vực Indonesia yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở quần đảo Natuna sáng Chủ Nhật, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã gọi điện cho người đồng cấp Indonesia.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Quan chức Trung Quốc cầu xin Jakarta đừng công bố vụ việc này với các phương tiện truyền thông với lý do "dù thế nào thì chúng ta vẫn là bạn bè". Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Indonesia đã từ chối thẳng thừng và dứt khoát yêu cầu này, đồng thời lập tức tổ chức họp báo quốc tế phản đối hành động thô bạo của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền Indonesia.
Các quan chức Indonesia giấu tên nói với báo giới, Jakarta không muốn làm to chuyện, nhưng lần này hành động của phía Trung Quốc đặc biệt khiêu khích và leo thang với mô hình mới. Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta đã không trả lời điện thoại và email của Bloomberg để xác minh vụ việc.
Những vận động ngoại giao đằng sau cánh gà cho thấy, cả Bắc Kinh lẫn Jakarta đều thích "xử lý nội bộ" những va chạm trên Biển Đông bởi Indonesia phụ thuộc khá lớn vào hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư với Trung Quốc.
Trong khi đó Bắc Kinh đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông.
Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Ishak ISEA-Yusof, Singapore nhận định: "Trước đây mỗi khi xảy ra sự cố tương tự như thế này, Indonesia có xu hướng đánh giá thấp nó hoặc thậm chí xem xét chúng trong những lợi ích của việc duy trì quan hệ hài hòa với Trung Quốc.
Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu cho tàu Cảnh sát biển vào thực thi "quyền tài phán" trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Jakarta không còn lựa chọn nào khác là phải công khai hành động này và tìm cách đẩy lùi hành vi leo thang (bành trướng) của Bắc Kinh."
Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Indonesia và Tổng thống Joko Widodo muốn dựa vào nguồn tài chính của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia mình. Jakarta kỳ vọng nhiều vào nguồn ngân sách từ quỹ Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 mà ông Tập Cận Bình thiết lập.
Natalie Sambhi, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Asia Perth, Hoa Kỳ bình luận: "Nếu giữ im lặng trong trường hợp này sẽ là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Joko Widodo sẵn sàng tha thử và bỏ qua các hành vi vi phạm quyền chủ quyền đang diễn ra".
Thời báo Hoàn Cầu hôm nay 23/3 có bài xã luận nói rằng, Trung Quốc không muốn tranh chấp với một số nước láng giềng trên Biển Đông tất cả cùng một lúc. Quần đảo Natuna thuộc Indonesia, Trung Quốc không phản đối. Nhưng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực này với đường lưỡi bò tạo ra vùng chồng lấn, tranh chấp khai thác nghề cá là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu lơ đi một sự thật, là đường lưỡi bò hoàn toàn vô lý, phi pháp và bành trướng do chính quyền Trung Quốc tự vẽ ra, không có căn cứ nào từ luật pháp quốc tế. Còn vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna được Indonesia xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên.
Theo The Straits Times ngày 23/3, Bộ trưởng Điều phối Chính trị - pháp lý - an ninh Luthut Pandjaitan khẳng định, Indonesia sẽ truy tố 8 ngư dân trên tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia và đánh bắt trộm hôm Thứ Bảy.