Tại sao sau 31 năm Thủ tướng Singapore mới lại thăm chính thức Hoa Kỳ?

31/07/2016 08:48
Ngọc Việt
(GDVN) - Khi thể chế có nhiều khác biệt, để khai thác lợi ích trong quan hệ ngoại giao quốc tế thì điều quan trọng nhất và duy nhất là xây dựng cơ chế phù hợp.

The Straits Times ngày 29/7 có đăng bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan về quan hệ Singapore và Hoa Kỳ nhân sự kiện Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Hoa Kỳ vào tuần tới, theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.

Nhà ngoại giao Singapore nhận định, quan hệ Singapore – Hoa Kỳ là quan hệ giữa đối tác đáng tin cậy và thành quả của mối quan hệ này thật đáng ngưỡng mộ.

“Đây là một vinh dự hiếm có. Lần cuối cùng một một lãnh đạo Singapore thăm chính thức Hoa Kỳ là vào năm 1985, khi Tổng thống Ronald Reagan mời Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao xuất sắc với Hoa Kỳ. Mỹ đánh giá cao Singapore như là một người bạn đáng tin cậy và đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.

Singapore và Mỹ có một cam kết chung vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong một cấu ​​trúc mở, hòa nhập, cân bằng và dựa trên luật lệ trong khu vực.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Obama đã có nhiều lần gặp gỡ, nhưng thăm chính thức Hoa Kỳ thì đây là lần đầu tiên. Ảnh: AP.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Obama đã có nhiều lần gặp gỡ, nhưng thăm chính thức Hoa Kỳ thì đây là lần đầu tiên. Ảnh: AP.

Chỉ quan tâm nội dung, không đặt nặng hình thức 

Hẳn dư luận rất ngạc nhiên là phải đến 31 năm, kể từ khi Thủ tướng Lý Quang Diệu có chuyến thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống Ronald Reagan thì nay mới lại có chuyến viếng thăm chính thức của người lãnh đạo cao nhất Singapore tới Hoa Kỳ.

Thời gian quá dài cho một mối quan hệ mật thiết. 

Quan hệ Singapore – Hoa Kỳ được thiết lập ngay khi Singapore tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965 và cùng lúc Singapore gia nhập Liên Hợp Quốc.

Điều đó cho thấy, quan hệ Singapore – Hoa Kỳ là một trong những mối quan hệ quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất của Singapore ngay từ thới lập quốc. Vậy mà Singapore không có những kết nối thường xuyên ở cấp cao nhất để nâng tầm quan hệ chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ?

Là một quốc gia nhỏ bé, khó khăn ngập đầu và nhiều thách thức ngay từ ngày tuyên bố độc lập, nên việc Singapore phải gắn bó chặt chẽ với Hoa Kỳ gần như là một tất yếu.

Vậy mà quốc gia tí hon này lại không xây dựng quan hệ với cường quốc số một thế giới theo xu thế tất yếu như vậy. Thực tế này cho thấy giới lãnh đạo tại Singapore – đặc biệt là nhà lập quốc Lý Quang Diệu – đã xem trọng nội dung mối quan hệ hơn là hình thức mối quan hệ.  

Với một người tài năng xuất chúng như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thì việc nâng tầm chiến lược toàn diện cho quan hệ Singapore – Hoa Kỳ không phải là chuyện khó, nhưng ông không lựa chọn như vậy.

Có lẽ với suy nghĩ thực tế thì việc kết nối kiểu chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ sẽ khiến cho Singapore đánh mất nhiều cơ hội. Bởi lẽ khi Singapore nhỏ bé mà khó khăn thì cơ hội từ Hoa Kỳ chẳng khác gì “mâm cao cỗ đầy” khiến cho không biết lựa chọn món nào cho phù hợp.

Sự “bội thực” cơ hội từ Hoa Kỳ sẽ khiến cho Singapore bị thiệt hại nhiều hơn, mà thể hiện rõ nét nhất là sự lệ thuộc. Lệ thuộc vào quyền năng của Hoa Kỳ, lệ thuộc vào lợi ích từ Hoa Kỳ.

Nhưng nguy hiểm hơn là lệ thuộc vào chính mình – đó là tạo ra cơ hội nhưng không thể khai thác cơ hội.

Từ sự “tự lệ thuộc” ấy sẽ khiến cho quốc gia dân tộc bị nô lệ vào chính mình, đó là tự mình không xác định được điểm yếu của đất nước mình để khắc phục, không xác định được thế mạnh của đất nước mình để phát huy.

Do vậy, Lý Quang Diệu xây dựng mối quan hệ Singapore - Hoa Kỳ dưa trên khả năng thực tế của Singapore, chứ không phải tiềm năng của mối quan hệ.

Cơ hội từ Hoa Kỳ thì nhiều nhưng Singapore phải lựa chọn phù hợp với thực tế của đất nước mình thì mới có thể biến cơ hội thành thành quả trong xây dựng đất nước.

Và thành quả của Singapore chính là sự khẳng định hiệu quả và tính chất mối quan hệ Singapore – Hoa Kỳ, mà không cần những tuyên bố của lãnh đạo cấp cao khẳng định điều ấy.

“Hai nước có nhiều vấn đề có để tương trợ cho nhau. Khi Singapore trở thành một quốc gia thông minh thì sẽ có cơ hội nhiều hơn cho sự đổi mới trong hợp tác với các doanh nhân, các công ty công nghệ và các nhà khoa học dữ liệu của Mỹ.

Trong 50 năm qua, chúng tôi đã xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ dựa trên sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Song chúng tôi không có thoả thuận về tất cả mọi thứ.” [1]

Đa dạng hoá cơ chế để tối đa hoá việc biến cơ hội thành hiện thực

Theo The Straits Times, hiện nay Hoa Kỳ vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Singapore, với hơn 3.700 công ty Mỹ có trụ sở tại đảo quốc này.

Năm 1985 Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đón Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thăm chính thức, ảnh: The Straits Times.
Năm 1985 Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đón Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thăm chính thức, ảnh: The Straits Times.

Ngược lại, Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Singapore đã giúp cho Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng Singapore đã là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài châu Á lớn thứ tư vào Mỹ. [1]

Với diện tích chỉ khoảng hơn 719 km2, nhỏ hơn 1/4 diện tích Hà Nội, và dân số chỉ khoảng hơn 5,53 triệu người, chưa bằng 3/4 dân số Tp.Hồ Chí Minh của Việt Nam nhưng Singapore đã nằm trong Top 5 đối tác thương mại và hợp tác đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ. [2]

Đây là một thành quả đáng ngưỡng mộ của mối quan hệ đối tác tin cậy Hoa Kỳ - Singapore. Singapore đã chứng minh sự nồng hậu chưa hẳn đã tạo nên sự nồng ấm trong quan hệ ngoại giao quốc tế.

Sinh thời nhà lập quốc Lý Quang Diệu đã nhiều lần chỉ trích những “giá trị Mỹ” và cho rằng Singapore có cách thức khẳng định “giá trị Singapore” ưu việt hơn nhiều giá trị được xem là đỉnh cao của nhân loại tại xứ cờ hoa.

Điều đó cho thấy có nhiều sự khác biệt trong thể chế chính trị giữa Hoa Kỳ và Singapore và đó cũng có thể được nhận diện là nguyên nhân khiến cho lãnh đạo cao nhất của Singapore ít viếng thăm đất nước của Nữ thần Tự do.

Khi thể chế có nhiều khác biệt, để khai thác lợi ích trong quan hệ ngoại giao quốc tế thì điều quan trọng nhất và duy nhất là xây dựng cơ chế phù hợp.

Đều là những nhà nước pháp quyền nên luật pháp được xem là nền tảng cho việc xây dựng cơ chế phù hợp, thích hợp cho việc hiện thực hoá tốt nhất cơ hội từ quan hệ Hoa Kỳ - Singapore.

Và hiện thực hoá cơ hội cho đối tác trên quê hương mình, làm sao tạo ra điều kiện tốt nhất giúp cho đối tác làm giàu cho đất nước mình đã là yêu cầu quan trọng nhất trong việc xây dựng cơ chế của chính phủ Singapore.

Ngày nay ai cũng biết Singapore là một quốc gia có hệ thống luật pháp rất nghiêm minh trong áp dụng nhưng lại rất linh hoạt trong vận dụng. Đây là một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của luật sư Lý Quang Diệu khi đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật của Singapore.

Singapore luôn mở rộng cửa nhưng “rác rưởi” lại không có nhiều khoảng trống để có thể “tràn vào” đất nước này. Với nhà đầu tư quốc tế thì đó là điều quan trọng nhất cho quyết định của họ.

Singapore đã làm hài lòng và tạo niềm tin cho giới doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ mà không cần tới “bảo lãnh” của lãnh đạo quốc gia.  

“Đầu tư của Mỹ đã giúp tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao cho người dân Singapore, nâng cao trình độ công nghệ hiện đại và kiến thức về thị trường tại các nước phát triển.

Điều này giúp cho Singapore có một khởi đầu quan trọng trong toàn cầu hóa. Ngoài những liên kết chính thức còn có quan hệ, giao lưu nhân dân. Nghệ sĩ, học giả, nhà khoa học, sinh viên, doanh nhân Singapore và Mỹ đã giúp thúc đẩy tình hữu nghị theo những cách độc đáo của riêng mình”. [1]

Xây dựng đất nước thành bến đậu tốt nhất cho những con thuyền lợi ích thả neo

Theo ông Vivian Balakrishnan thì tham gia TPP sẽ khiến Singapore trở thành nơi để Hoa Kỳ neo các lợi ích kinh tế và chiến lược của họ, không chỉ tại Đông Nam Á, mà là cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn.

Tại sao sau 31 năm Thủ tướng Singapore mới lại thăm chính thức Hoa Kỳ? ảnh 3

Singapore học hỏi cựu thù để phát triển phồn vinh

(GDVN) - Chúng ta gặp nhau không phải để nhen nhóm lại ngọn lửa cũ của hận thù, cũng không phải đòi nợ máu.

Singapore đã nhanh chóng tạo ra cơ chế thích hợp chuẩn bị khai thác lợi ích từ cơ hội đó khi TPP vận hành và cả cơ hội từ những hiệp định đa phương của Mỹ mà Singapore được xem là bến đậu tốt nhất cho thuyền lợi ích của Mỹ thả neo.

“Sự ra mắt gần đây của chương trình xuất nhập cảnh toàn cầu giúp cho du khách Singapore sang Mỹ và du khách Mỹ đến Singapore dễ dàng, tạo điều kiện cho những hoạt động giao lưu nhân dân.

Singapore làm việc chặt chẽ trên nền tảng APEC, Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Singapore cũng hợp tác về chương trình đào tạo quốc gia Mỹ - Singapore để hỗ trợ cung cấp kỹ thuật cho các nước ASEAN khác.” [1]

Bên cạnh đó: “Quốc phòng và an ninh tạo thành một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Singapore. Lực lượng vũ trang Singapore thường xuyên tham gia tập trận chung với Mỹ.

Singapore cũng tạo điều kiện cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực thông qua việc sử dụng một số cơ sở của Singapore. Singapore và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng và chống khủng bố.” [1]

Có thể thấy rằng, sự chuẩn xác trong việc nhận diện cơ hội và tính thực tế trong việc xây dựng cơ chế khai thác cơ hội của chinh phủ Singapore đã khiến cho quốc gia này có thể hiện thực hoá cơ hội cho người dân và doanh nghiệp làm giàu cho đất nước.

Từ những lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, xem “Tổ quốc là sức mạnh” khi được nhân dân uỷ nhiệm quyền lực, lãnh đạo Singapore đã tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng đất nước phồn vinh, đặc biệt là “Không lãng phí nhân tài” – tài nguyên duy nhất mà Singapore có được.

Từ những thành quả mà Singapore khai thác được trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Singapore, có thể nhận thấy đây là một kinh nghiệm quý giá, nếu không muốn nói là bài học sâu sắc trong việc xây dựng, phát triển ngoại giao quốc tế.

Đó là việc nhận diện cơ hội phải xuất phát từ khả năng thực tế của đất nước mình, chứ không phải là tiềm năng của mối quan hệ, phải xây dựng được cơ chế phù hợp để làm sao đất nước trở thành bến đậu yên bình cho những con thuyền lợi ích ngày một đông hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/opinion/singapore-and-the-united-states-reliable-partners

[2]http://www.singstat.gov.sg/statistics/latest-data#14

[3]http://www.bbc.com/news/world-asia-15971013

Ngọc Việt