Tập Cận Bình xây dựng đội ngũ "quân sư" đặc sắc Trung Quốc

03/11/2014 06:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Ý tưởng, thậm chí cả những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề quốc gia có thể bị hủy bỏ nếu chúng mâu thuẫn với ý hệ tư tưởng của Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi họp Quân ủy trung ương. Ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi họp Quân ủy trung ương. Ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 3/11 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng đội ngũ cố vấn cấp cao có thể cạnh tranh với người Mỹ trong việc mở rộng quyền lực mềm ở nước ngoài và giúp điều chỉnh các chính sách trong nước.

Tuy nhiên lãnh đạo Trung Nam Hải đồng thời yêu cầu các học giả Trung Quốc phải "trung thực hơn về chính trị". Ý tưởng, thậm chí cả những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề quốc gia có thể bị hủy bỏ nếu chúng mâu thuẫn với ý hệ tư tưởng của Bắc Kinh, một số chuyên gia bình luận.

Đây là lần thứ 2 Tập Cận Bình nói với các lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách tổng thể chiến lược xây dựng một đội ngũ cố vấn "đặc sắc Trung Quốc" và gọi đó là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều cố vấn nhất sau Mỹ, theo báo cáo mới đây của đại học Pennsylvania. Nhưng so với các đối tác phương Tây của họ như Tổng công ty Rand hay Viện Brookings, các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc rất ít có ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc chỉ có 6 tổ chức được xếp hạng trong 100 tổ chức tư vấn toàn cầu, trong đó Viện Khoa học xã hội Trung Quốc được đánh giá cao nhất.

Kêu gọi của Tập Cận Bình là "chưa từng có", Vương Quân, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, một tổ chức cố vấn có ảnh hưởng dưới thời cựu Phó Thủ tướng Tăng Bồi Viêm cho biết.

"Đây là một nỗ lực để thúc đẩy truyền thông Trung Quốc ra các quốc gia nước ngoài và tăng cường quyền lực mềm của mình trong một môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng", ông Quân bình luận.

Vài tổ chức tư vấn hiện nay có thể tự hào về các ảnh hưởng quốc tế của mình đều thuộc về Hoa Kỳ. Tập Cận Bình muốn đội ngũ chuyên gia cố vấn của mình đóng vai trò như những đồng nghiệp Mỹ đã và đang làm, ông Quân cho biết. Chính quyền trung ương sẽ dành nhiều vốn hơn để hỗ trợ nghiên cứu trong các tổ chức khoa học xã hội.

Nhưng Tập Cận Bình cũng hình dung một vai trò mạnh mẽ hơn của các tổ chức nghiên cứu trong vấn đề đối nội, nơi họ đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa quản trị. Trong khi đó Tập Cận Bình vẫn chưa xác định thời hạn cho chiến lược, các nhà phân tích nói rằng để thực hiện nó cần phải đảm bảo tốt tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hoạch định chính sách có hiệu quả và triển khai thực hiện hiệu quả.

Lục Hồng Quân, Viện trưởng Viện Tài chính quốc tế Thượng Hải cho biết, kêu gọi của Tập Cận Bình phát triển hệ thống cố vấn mới để thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị của Trung Quốc, giải quyết những thách thức từ một môi trường kinh tế, xã hội và chính trị ngày càng phức tạp.

"Mục tiêu cuối cùng của Tập Cận Bình là có được các nhà tư tưởng hành đầu ở Trung Quốc để cung cấp những khuyến cáo hữu ích về chính sách, chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ lý luận và giải thích.

Tuy nhiên, kêu gọi của Tập Cận Bình được đưa ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại thiếu môi trường tự do học thuật cho đội ngũ tư vấn nghiên cứu. Trong tháng 6 vừa qua đã có một số học giả từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bị cáo buộc phai nhạt lòng trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc do "tác động của các phần tử xấu ở nước ngoài".

Một số quan chức hàng đầu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc kêu gọi các cơ quan nghiên cứu trực thuộc phải trở thành một "thành trì của chủ nghĩa Mác chính thống". Các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách một số trường đại học uy tín hàng đầu của Trung Quốc cũng cam kết duy trì kiểm soát tư tưởng sinh viên va giảng viên của họ.

Tập Cận Bình nhấn mạnh, đội ngũ cố vấn mới phải được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng của Bắc Kinh và tuân thủ nó. Xigen Li, một giáo sư đại học Thành phố Hồng Kông cho rằng, các "quân sư" chuyên nghiệp cần phải được khuyến khích đưa ra các ý tưởng và quan điểm mới để thúc đẩy sự thay đổi và tiến bộ xã hội chứ nếu chỉ quan tâm đến tư tưởng chuyên gia thì sức mạnh trí tuệ của họ có thể giảm sút.

Hồng Thủy