Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện khu vực

22/10/2018 11:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe đang tương kế tựu kế tận dụng cạnh tranh Trung-Mỹ để hiệu chỉnh cách tiếp cận của Bắc Kinh trở nên hợp tác hơn, và hạn chế phụ thuộc Mỹ.

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã vạch ra tầm nhìn của mình về một khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương thống nhất về thương mại và tầm nhìn chính trị chung.

Sáng kiến mà Nhật Bản đề xuất, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên nguyên tắc tự do thương mại và tự do hàng hải, luật pháp quốc tế và nền kinh tế thị trường.

Nhật Bản đang ngày càng tự tin hơn với tầm nhìn lớn, thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời cố gắng thích ứng với sự thay đổi của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi khát vọng nâng tầm vai trò, vị thế mới cho Nhật Bản

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố:

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Viewers Corner News.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Viewers Corner News.

"Trong 3 năm tới, tôi sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường hệ thống thương mại tự do. Tôi cũng sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để xóa bỏ cấu trúc hậu chiến ở Đông Nam Á.

Theo quan điểm của tôi, người dân Nhật Bản rất hy vọng các nhà lãnh đạo quốc gia mình sẽ đóng vai trò phất cờ tự do thương mại.

Sau chiến tranh, chính Nhật Bản là một quốc gia được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đáng kể, đặt nền tảng cho những lợi thế của tự do thương mại và cũng chính là nước được hưởng lợi từ hệ thống kinh tế tự do và cởi mở." [1]

Trong suốt thời gian nắm quyền vừa qua, ông Shinzo Abe đã nỗ lực tìm cách đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước, ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức để tạo nền tảng vững chắc hơn cho hòa bình, thịnh vượng ở Đông Á.

Với Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, mặc dù chưa có cuộc họp thượng đỉnh nào với ông Kim Jong-un được thu xếp, nhưng ông Shinzo Abe đã sẵn sàng, giải quyết vấn đề con tin Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc sẽ là ưu tiên số một, nếu hội nghị diễn ra.

Tháng 11 này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thăm chính thức Trung Quốc và ông sẽ mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC Bắc Kinh tháng 11/2014. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC Bắc Kinh tháng 11/2014. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Giáo sư Noriyuki Kawamura, Đại học Nagoya nhận định, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản đã trở thành một ưu tiên cấp bách với Trung Nam Hải.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng tới, 2 nước sẽ tìm cách đạt được các thỏa thuận chi tiết về hợp tác kinh tế mà họ đã thảo luận trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tháng 5 vừa qua.

Trong chuyến thăm đó, ông Shinzo Abe và ông Lý Khắc Cường đã đồng ý thúc đẩy các bước đi cụ thể triển khai các dự án cơ sở hạ tầng chung tại quốc gia thứ 3;

Đó là các dự án hợp tác giữa các tổ chức khu vực công lẫn tư nhân của 2 nước, ví dụ như dự án phát triển đường cao tốc ở Thái Lan có liên quan đến đầu tư chung của Nhật Bản và Trung Quốc. [2]

Tầm nhìn kinh tế - thương mại của Thủ tướng Shinzo Abe

Thủ tướng Shinzo Abe là người đích thân dẫn đầu, thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (TPP-11) sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi các cuộc đàm phán về TPP.

TPP-11 sẽ có hiệu lực vào tháng 3 năm tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với đích đến là sẽ hình thành một khu vực tự do thương mại lớn ở Đông Á.

Sự chủ động đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường là một bước đi táo bạo của Thủ tướng Shinzo Abe, bởi nó có thể gây khó chịu cho Nhà Trắng.

Điều này đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, từ lâu họ đã tin đây là cơ hội có thể sinh lời cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi hợp tác với Trung Quốc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia thứ ba.

Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện khu vực ảnh 3

Tướng James Mattis nói gì về Biển Đông và Trung Quốc khi tới Việt Nam?

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe liên tục khẳng định rằng, chất lượng chứ không phải số lượng đầu tư, cùng với cam kết về một môi trường bền vững và không tạo ra gánh nặng nợ nần mất kiểm soát của các quốc gia mục tiêu, là mối quan tâm hàng đầu của Tokyo. [3]

Sự nhấn mạnh cách tiếp cận này của Tokyo rõ ràng là nhằm điều chỉnh cách tiếp cận của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đang bị chỉ trích vì dễ tạo thành bẫy nợ ngoại giao cho các quốc gia mục tiêu.

Tokyo không thể cạnh tranh với Bắc Kinh về tổng số tiền chi tiêu trên toàn cầu, dù đã cam kết đầu tư 110 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng châu Á trong 5 năm và 30 tỷ USD cho châu Phi. 

Nhưng đổi lại, Nhật Bản có các thế mạnh về khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và tiêu chí rất khắt khe về chất lượng, hiệu quả cũng như lãi suất vay thực tế rẻ hơn Trung Quốc.

Điều này sẽ đáng để các nước quan tâm, cân nhắc, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia bị dân chúng phàn nàn về ngoại giao bẫy nợ khi vay vốn Trung Quốc đi kèm nhà thầu, công nghệ lạc hậu và lao động tay chân của họ.

Do đó, khi Nhật Bản hợp tác với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, theo cá nhân người viết, sẽ là cơ hội để các nước đang khát vốn phát triển cơ sở hạ tầng hạn chế tối đa các nguy cơ về tài chính lẫn công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và lao động tay chân Trung Quốc đổ vào lãnh thổ.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, yếu tố quyết định sự thành công bền vững của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển phụ thuộc vào chính các nước thụ hưởng nguồn vốn.

Chỉ khi nào minh bạch, hiệu quả và ngăn ngừa tham nhũng được thể chế thành các hàng rào kỹ thuật có thể kiểm soát, thì khi đó mới đảm bảo được mục tiêu vay vốn đầu tư và phát triển.

Vai trò của Nhật Bản trên Biển Đông và an ninh khu vực

Thực tế Thủ tướng Shinzo Abe đã có 6 năm liên tục nắm quyền mà không có một thách thức chính trị nào đáng kể, đây là nền tảng quan trọng để ông phát triển một tầm nhìn khu vực cho Nhật Bản.

Tàu ngầm Nhật Bản thăm Việt Nam, ảnh: Báo Sài Gòn Giải phóng.
Tàu ngầm Nhật Bản thăm Việt Nam, ảnh: Báo Sài Gòn Giải phóng.

Tháng này, Nhật Bản đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng với Australia, New Zealand về an ninh và phát triển, từ Biển Đông đến phạm vi Thái Bình Dương.

Những nỗ lực sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe để Nhật Bản có thể đảm đương các vai trò lớn hơn với an ninh khu vực sẽ vẫn được tiếp tục.

Trên thực tế, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được trang bị tốt hơn và có vai trò rõ ràng hơn trong các vấn đề khu vực.

Tháng này, lữ đoàn đổ bộ mới của Nhật Bản đã tham gia tập trận chung với lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Philippines.

Tháng trước, một tàu ngầm, một tàu sân bay trực thăng và 2 tàu khu trục Nhật Bản đã tập trận tại Biển Đông. Sau đó tàu ngầm Nhật Bản sang thăm Việt Nam còn khu trục hạm đến Philippines và Indonesia, trước khi ra tập trận tiếp với hải quân Anh, Sri Lanka và Ấn Độ.

Mặc dù không công khai lên án đích danh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông như cách phản ứng của Hoa Kỳ, nhưng với các hoạt động duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản đang cố gắng khuyến khích Trung Quốc chuyển hướng sang con đường hợp tác hơn.

Trong hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản với các nước tiểu vùng sông Mekong tháng này, Thủ tướng Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã nhấn mạnh lo ngại về hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện khu vực ảnh 5

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ vào Biển Đông

Ngay trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh vai trò, vị thế của ASEAN nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở mà ông đề xuất, cũng xuất phát từ mong muốn duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trên vùng biển mở.

Chỉ có bảo vệ luật pháp quốc tế, mới bảo vệ được hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trên Biển Đông nói riêng, Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung.

Cá nhân người viết cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đang khai thác tối đa mâu thuẫn Trung - Mỹ để tăng vai trò và vị thế của Nhật Bản trong khu vực. 

Hơn ai hết, ông thấy rõ Trung Quốc đang bị Donald Trump dồn vào thế kẹt, buộc phải chấp nhận gác / giảm bớt tuyên truyền cho dân chúng về "thế kỷ bị sỉ nhục" để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Mục đích của Trung Quốc khi cải thiện quan hệ với Nhật Bản không ngoài đối phó với các ngón đòn thương mại của ông chủ Nhà Trắng, sau khi con bài Triều Tiên đã mất tác dụng với Mỹ.

Cũng hơn ai hết, Shinzo Abe hiểu những khúc mắc của Vành đai và Con đường về những tai tiếng, nguy cơ mà nó tạo ra cho các quốc gia mục tiêu. Đây lại là sáng kiến của Tập Cận Bình để thực hiện tham vọng "Trung Hoa mộng".

Tham gia hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, cũng như tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông, triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, là cách hiệu chỉnh khéo léo cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc;

Đồng thời, đây cũng là những bước đi táo bạo nhưng vững chắc của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thực hiện khát vọng nâng tầm Nhật Bản trên vũ đài quốc tế và bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong các vấn đề khu vực.

Nguồn: 

[1]https://japan.kantei.go.jp/98_abe/statement/201809/_00005.html

[2]https://www.japantimes.co.jp/news/2018/10/21/national/politics-diplomacy/abe-xi-summit-comes-chinese-leader-looks-create-united-front-amid-u-s-trade-war/#.W8001GgzaM8

[3]https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/japan-vows-to-boost-quality-infrastructure-in-mekong-area

Hồng Thủy