Triều Tiên: đừng lấy viện trợ kinh tế ra làm điều kiện ép Bình Nhưỡng

23/04/2017 06:10
Hồng Thủy
(GDVN) - KCNA không công khai nêu tên "nước làng giềng" ấy là ai, nhưng toàn bộ bài viết thể hiện sự bất mãn trước việc Bắc Kinh bắt tay với Washington.

Đa Chiều ngày 22/4 đưa tin, xã luận Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 21/4 viết rằng, "có nước láng giềng" đang áp đặt trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng, đó là mối uy hiếp công khai với Triều Tiên.

Mặc dù bài xã luận KCNA không công khai nêu tên "nước làng giềng" ấy là ai, nhưng toàn bộ bài viết thể hiện sự bất mãn trước việc Bắc Kinh bắt tay với Washington, đồng thời cho thấy sự mất lòng tin của Bình Nhưỡng vào người Trung Quốc.

KCNA viết: "nếu họ (Trung Quốc) tiếp tục tích cực thực hiện trừng phạt kinh tế với Triều Tiên, thì họ cũng nên nhận thức rõ, quan hệ song phương đang đối mặt với sự đổ vỡ.

Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là việc hệ trọng sống còn với quốc gia, dân tộc, quyết không vì bất cái gọi là điều kiện tiền đề nào để mang ra trao đổi.

Hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ (Donald Trump - Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ) là dấu hiệu bất thường khi Bắc Kinh hưởng ứng chính sách trừng phạt kinh tế Triều Tiên của chính phủ Donald Trump".

Một quan chức cấp cao Triều Tiên sang Nga hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, ảnh: Reuters.
Một quan chức cấp cao Triều Tiên sang Nga hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, ảnh: Reuters.

Đa Chiều cho rằng, mặc dù không phải lần đầu tiên bóng gió lên án Trung Quốc, nhưng lần này Bình Nhưỡng nói thẳng, quan hệ Trung - Triều có thể bị phá hoại, cho thấy sự thất vọng của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh đã lớn hơn trước.

Nhưng mặt khác, điều này cũng cho thấy ông Kim Jong-un thực sự cảm thấy nguy cơ lớn khi Trung - Mỹ bắt tay ép Triều Tiên. [1]

Trung Quốc dường như gây áp lực quân sự, Điện Kremlin sẵn sàng đỡ đầu Kim Jong-un?

Đa Chiều ngày 21/4 tổng hợp các nguồn tin báo chí về bán đảo Triều Tiên cho biết, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italia, Paolo Gentiloni hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói mình tuyệt đối tin tưởng ông Tập Cận Bình sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tờ Asahi, Nhật Bản dẫn lời ông Trump nói trong cuộc họp báo này, Bắc Kinh đã có hành động "phi thường" trong 2 đến 3 giờ với Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ không giải thích rõ, hành động "phi thường" ấy là gì.

Tuy nhiên, nguồn tin từ quân đội Mỹ cho hay, quân đội Trung Quốc đã nâng cao báo động lực lượng máy bay ném bom của họ, đó có thể là một đòn gây sức ép bằng quân sự của Bắc Kinh lên đầu Bình Nhưỡng. [2]

Trong cùng khoảng thời gian này, ngày 21/4 xuất hiện thông tin Nga điều động quân đến gần biên giới Triều Tiên tập trận.

Tất nhiên, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không phải ưu tiên giải quyết của Moscow, nhưng Điện Kremlin cũng không mong muốn bị gạt ra ngoài lề vấn đề bán đảo, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình.

Thậm chí trên bình diện ngoại giao, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn có thể muốn trở thành "người đỡ đầu" cho Bình Nhưỡng.

Ngày 21/4, Reuters cùng nhiều tờ báo châu Âu khác đưa tin rằng, quân khu Viễn Đông của Nga đã điều động lực lượng xuống phía Nam tập trận hôm 15, 16/4. Moscow sau đó xác nhận thông tin này.

Động thái của Nga gần bán đảo Triều Tiên là khá rõ ràng, tuy nhiên nguồn lực của Nga ở Viễn Đông có hạn, trong khi lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nóng ở Ukraine, Syria.

Nhưng sau sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, Moscow đang đứng trước cơ hội tăng ảnh hưởng trên bán đảo. 

Hôm 19/4 Mỹ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết lên án Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm 16/4, Nga phủ quyết.

Từ năm 2012 Nga tuyên bố cắt giảm 90% nợ cho Triều Tiên, Moscow đã bắt đầu đặt mục tiêu quay trở lại bán đảo.

Ngày 17/4 khi Bắc Kinh tuyên bố cắt giảm các chuyến bay hàng ngày đi Bình Nhưỡng, Triều Tiên và Nga lập tức tăng cường các chuyến bay giữa Bình Nhưỡng với Moscow, cũng như hoạt động của tàu hàng hải Triều Tiên tại cảng Vladivostok của Nga.

Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy, một khi thời cơ chín muồi, Điện Kremlin có thể trở thành người bảo trợ của Bình Nhưỡng. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://global.dwnews.com/news/2017-04-22/59811803.html

[2]http://global.dwnews.com/news/2017-04-21/59811739.html

[3]http://global.dwnews.com/news/2017-04-22/59811805.html

Hồng Thủy