Truyền thông quốc tế đưa tin, sáng sớm ngày Chủ nhật 16/4 Triều Tiên bắn thử một quả tên lửa ở bờ biển phía Đông bán đảo, nhưng đã "nổ gần như ngay lập tức sau khi rời bệ phóng".
Động thái này đã dấy lên nhiều đồn đoán và bình luận khác nhau về năng lực quân sự thực tế của Bình Nhưỡng.
Có cố vấn ngoại giao Mỹ tháp tùng Phó Tổng thống Pence đi Seoul bình luận:
"Trong vụ này, nếu như Triều Tiên đã bỏ thời gian và nguồn lực để phóng 1 quả tên lửa nhưng lại thất bại, thì chúng tôi chả việc gì phải lãng phí thời gian với nó.
Chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy ngạc nhiên, vốn dĩ chúng tôi đã có thể dự liệu được điều này.
Nó không phải câu chuyện có hay không, mà là lúc nào. Tin tốt lành là chỉ 5 giây sau khi rời bệ phóng, nó phát nổ". [1]
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Ở chiều ngược lại, Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liêu Ninh nhận xét với tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 17/4:
Mặc dù vụ thử tên lửa hôm qua thất bại, nhưng nó có thể mang theo thông điệp từ Bình Nhưỡng rằng:
Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn của họ cho đến khi nào vẫn còn phải đối mặt với các mối đe dọa hành động quân sự từ Hoa Kỳ. [2]
Quả tên lửa "xịt" là phép thử chủ động của ông Kim Jong-un
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm với nhau sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa sáng hôm qua, theo Tân Hoa Xã.
Ông Trì kêu gọi hai bên cần tiếp tục đối thoại để củng cố quan hệ Trung - Mỹ, trong khi Tân Hoa Xã không tiết lộ thông tin nào về trao đổi giữa họ xung quanh vụ phóng tên lửa "thất bại" của Triều Tiên.
Còn Tổng thống Donald Trump thì viết trên Twitter hôm Chủ nhật sau sự kiện mới nhất này, vẫn cách phát thông điệp phi truyền thống quen thuộc của tân chủ nhân Nhà Trắng, rằng:
"Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là một tay thao túng tiền tệ trong khi họ đang hợp tác với chúng tôi về Bắc Triều Tiên? Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra!".
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì lên tiếng chỉ trích vụ thử tên lửa sau duyệt binh mà Triều Tiên tiến hành đang "đe dọa cả thế giới".
Theo Lu Chao, vụ thử tên lửa này có thể đẩy Trung Quốc vào thế bí, đặt Bắc Kinh vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.
Trung Quốc đang phải chịu áp lực từ Mỹ để răn đe Bình Nhưỡng, nhưng hành động mạnh tay thì sợ "láng giềng sụp đổ".
Donald Trump - Tập Cận Bình cùng thắng, phần thua thuộc về ai? |
Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng thừa nhận rằng ông đã đánh giá nhầm khả năng kiềm chế láng giềng của Bắc Kinh.
Ông nói mình đã thay đổi quan điểm sau 10 phút nói chuyện với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago.
Liu Ming từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải được South China Morning Post dẫn lời cho rằng, có thể Bắc Kinh sẽ không hành động thêm trong giai đoạn này, trừ phi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6.
Trong khi đó Li Lifan, một chuyên gia về Nga từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải được tờ báo Hồng Kông dẫn lời cho biết, Bắc Kinh và Moscow đang chuẩn bị các kịch bản đối đầu với Bình Nhưỡng. [2]
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Trung tướng lục quân HR McMaster cảnh báo sau vụ phóng tên lửa: Donald Trump là người dám ra các quyết định mạo hiểm. Hiện tại phía Mỹ đang nghiên cứu các tùy chọn.
Phát biểu này của tướng McMaster theo Financial Times, là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trump sẽ không có phản ứng chính thức về quân sự lẫn ngoại giao với vụ thử tên lửa của Triều Tiên hôm qua.
Nhưng nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6, Washington sẽ có hành động. [1]
Từ phản ứng của Hoa Kỳ, Trung Quốc và có thể bao gồm cả Nga với vụ thử tên lửa "xịt" sáng hôm qua mà Bắc Triều Tiên tiến hành, cá nhân người viết cho rằng nhiều khả năng đây là một phép thử chủ động của ông Kim Jong-un hơn là một lỗi kỹ thuật.
Bắn một quả tên lửa "không rõ chủng loại" rồi cho nó tự phát nổ chỉ 5 giây sau khi rời bệ phóng giữa thanh thiên bạch nhật có lẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất để thăm dò phản ứng của Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Đây chính là 3 siêu cường hạt nhân đang ép Bình Nhưỡng phải "tự phế võ công" của mình trước khi ngồi vào bàn đàm phán, trong khi đối phương lại đang củng cố năng lực răn đe hạt nhân lẫn quân sự.
Đặc biệt là nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn kiểm tra xem, những tuyên bố cứng rắn từ vị "Tổng thống doanh nhân" kia là thật, hay chỉ là những lời dọa dẫm.
Bình Nhưỡng đã có câu trả lời mà họ mong đợi.
Lính Triều Tiên trong lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành hôm 15/4, ảnh: news.com.au. |
Theo cá nhân người viết, Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của họ tới khi nào đạt được một thỏa thuận công bằng, sòng phẳng và cùng có lợi với 3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga.
Chưa có thông tin nào cho thấy có bàn tay "đạo diễn nước ngoài" trong lựa chọn này của ông Kim Jong-un, nhưng cái cách hành động của Bắc Triều Tiên giống như kế "hoa nở trên cây" của người Tàu, nghi binh hư hư thực thực khiến đối phương không biết thế nào mà lần.
Một quả tên lửa "xịt", cứu danh dự mấy nước
Không thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 trong thời điểm căng thẳng leo thang trên bán đảo như tuyên bố đe dọa suốt mấy tháng qua, đã là cách Bình Nhưỡng chủ động "tháo ngòi nổ chiến tranh".
Tuy nhiên cho dù Washington bắn đi thông điệp, chỉ cần Bình Nhưỡng bỏ vũ khí hạt nhân là có thể đàm phán với Mỹ, Hoa Kỳ không còn theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Bắc Triều Tiên, nhưng lịch sử đã có quá nhiều bài học về cảnh giác.
Do đó, không thử vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên cũng sẽ tìm cách cho đối phương thấy rằng, thiện chí không có nghĩa là nhu nhược, đứng thấy được đằng chân mà đòi lân đằng đầu.
Họ không ngây thơ tin vào những lời hứa của các siêu cường: cứ "tự phế võ công" trước cái đã, các anh sẽ đền đáp xứng đáng cho chú về kinh tế, thương mại, đầu tư...!
Vả lại, 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó 3 nước gây áp lực lớn nhất với Bình Nhưỡng. Mỹ - Trung - Nga đều tự cho mình quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và đang có xu hướng củng cố kho vũ khí hủy diệt hàng loạt ấy.
Nhưng cả 3 nước này lại ép quốc gia khác phải từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân trong bối cảnh mình đang bị đe dọa, để đổi lấy những lời hứa, cam kết hòa bình và hợp tác.
Bài học lịch sử Ukraine giao nộp vũ khí hạt nhân cho Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, để rồi cuối cùng để tuột bán đảo Crimea vào tay Nga mà lực bất tòng tâm có lẽ còn nguyên giá trị đối với Bình Nhưỡng.
Nói như vậy không phải là cổ súy cho Bình Nhưỡng hay bất kỳ quốc gia nào sở hữu những thứ vũ khí hủy diệt, mà người viết muốn nhấn mạnh đến thách thức thực sự đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nằm ở tính công bằng.
Hiến chương Liên Hợp Quốc đã ghi rõ, mọi thành viên dưới mái nhà tổ chức quốc tế này đều bình đẳng như nhau, thì không có lý gì 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an vẫn giữ thứ vũ khí giết người hàng loạt ấy, rồi đi cấm đoán các nước khác.
Chừng nào tư duy cá lớn nuốt cá bé vẫn còn thống trị đội ngũ chính trị gia các nước siêu cường, chừng đó sẽ còn những phản kháng tương tự như Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Khi Donald Trump - Tập Cận Bình tâm đầu ý hợp |
Cũng giống như trên Biển Đông, Trung Quốc không ngừng quân sự hóa bất hợp pháp, bành trướng sức mạnh quân sự và uy hiếp trực tiếp đến an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông.
Nhưng họ luôn lớn tiếng rằng mình đại diện cho hòa bình và ổn định, một thứ ổn định đảm bảo bởi nòng súng chĩa vào các nước nhỏ.
Mặt khác, so với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga thì Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên gần như ở thế “không có gì để mất”.
Trong khi đối phương thì có quá nhiều thứ để mất, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Vụ bắn quả tên lửa “xịt” sáng hôm qua vừa là một đòn thăm dò hiệu quả.
Đồng thời nó cũng là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân cho đến khi nào tìm được một giải pháp công bằng, thỏa đáng cho các bên, chứ không phải bị Mỹ - Trung - Nga ép vào chân tường phải nhượng bộ họ trước.
Hơn nữa, người viết cho rằng rất có khả năng quả tên lửa Triều Tiên bắn đi sáng hôm qua đã được cố ý cho nổ tung chỉ 5 giây sau khi rời bệ phóng.
Bởi lẽ liều thuốc thử Washington, Bắc Kinh và Moscow chỉ bấy nhiêu là đủ. Quá liều sẽ dẫn đến rủi ro không lường trước được, hoặc tự đẩy mình vào thế bí.
Liều thuốc ấy cũng mang ý nghĩa giữ thể diện cho đối thủ, ngay cả khi họ nghĩ rằng quả tên lửa ấy “xịt” vì sự yếu kém về công nghệ cũng không sao.
Nó cho thấy quyết tâm của Triều Tiên tìm một giải pháp công bằng trước sự bắt tay nhau o ép mình từ các nước lớn chứ không cố đi chứng minh công nghệ quân sự, một thứ bí mật quốc gia.
Giả dụ Bình Nhưỡng bất chấp, cứ cho quả tên lửa kia nổ giữa biển khơi, thì Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ chỉ là hổ giấy với Bình Nhưỡng nếu không phản ứng cứng rắn.
Mà đẩy bán đảo Triều Tiên rơi xuống vực chiến tranh thực sự đều không phải mong muốn của bên nào.
Trạng chết chúa cũng băng hà, đối phó với kẻ “không còn gì để mất” sẽ không đơn giản khi người ta có quá nhiều thứ để mất.
Vì vậy, giải pháp rốt ráo nhất cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo vẫn phải xuất phát bởi nỗ lực từ hai phía, dựa trên sự công bằng, thiện chí, khách quan và thượng tôn pháp luật.
Mọi tư tưởng áp đặt cường quyền với những đất nước như Triều Tiên, có thể vấp phải phản lực và hậu quả không hề nhỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.ftchinese.com/story/001072213