Triều Tiên thêm áp lực, Trung Quốc thêm cơ hội

28/06/2017 15:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Không có gì là miễn phí. Để Bắc Kinh buộc Bình Nhưỡng điều chỉnh hành vi thì đổi lại, Trung Quốc muốn Mỹ để yên cho họ thống trị khu vực Đông Nam Á.

Channel News Asia ngày 28/6 dẫn nguồn tin hãng thông tấn Reuters cho biết, tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã tạm dừng xuất khẩu xăng dầu sang Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Động thái này dựa trên mối quan tâm của CNPC rằng họ không nhận được thanh toán, đồng thời gắn với sức ép của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng để kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Khả năng Bắc Kinh gây sức ép

3 nguồn tin riêng nói với Reuters điều này, nhưng hiện chưa rõ việc dừng xuất khẩu nhiên liệu sang Triều Tiên của CNPC sẽ kéo dài trong bao lâu.

Việc cắt nguồn cung nhiên liệu hàng đầu trong thời gian dài có thể buộc Triều Tiên phải tìm kiếm giải pháp thay thế, trong lúc quan hệ thương mại Triều - Trung ngày càng bị cô lập.

CNPC, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận thông tin này. Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh cũng vậy.

Lô-gô tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc tại một cây xăng ở Bắc Kinh, ảnh minh họa: Reuters.
Lô-gô tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc tại một cây xăng ở Bắc Kinh, ảnh minh họa: Reuters.

Một nguồn tin hiểu biết trực tiếp về vấn đề này nói rằng, CNPC đã quyết định tạm dừng cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên từ một đến hai tháng trước đây.

Đó là một quyết định thương mại.

Tuy nhiên nó được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc, quốc tế bị kiểm tra gắt gao hơn, trong việc tuân thủ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc với Bắc Triều Tiên do Mỹ đề xuất.

Nguồn tin cho hay, CNPC thường đòi Triều Tiên trả tiền trước, trong khi thời gian gần đây các đại lý xăng dầu Triều Tiên không có tiền để trả trước tiền mua.

Hai nguồn tin khác thông báo tóm tắt với Reuters về quyết định của CNPC, khẳng định việc tạm dừng bán dầu diesel cho Triều Tiên, nhưng không biết có quyết định dừng bán xăng hay không.

Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu hơn 96 ngàn tấn xăng và gần 45 ngàn tấn dầu diesel, trị giá tổng cộng 64 triệu USD sang Bắc Triều Tiên.

Lượng xăng dầu này được dùng để phục vụ cho nền kinh tế nước này, từ ngư dân, nông dân, giao thông vận tải cho đến quân đội.

Hầu hết số nhiên liệu này do CNPC cung cấp.

Dữ liệu tháng Năm vừa qua được công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, khối lượng dầu diesel và xăng Trung Quốc bán cho Triều Tiên giảm đáng kể so với 1 tháng trước đó, mặc dù số liệu hàng tháng có thể rất khác nhau.

Số liệu về kim ngạch thương mại Trung - Triều tháng Sáu này sẽ được công bố vào cuối tháng Bảy.

Trong khi giá nhiên liệu ở Triều Tiên đã tăng mạnh trong những tháng gần đây cho thấy nguồn cung cấp bị thắt chặt.

Tốc độ chưa từng thấy của Triều Tiên trong việc thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân đã thúc đẩy Trung Quốc tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.

Triều Tiên thêm áp lực, Trung Quốc thêm cơ hội ảnh 2

Triều Tiên đang đổi thay và ẩn ý của Tổng thống Mỹ

Nước láng giềng này chiếm tới 90% khối lượng thương mại của Triều Tiên. Tháng Hai năm nay, Bắc Kinh đã ngừng mua than của Triều Tiên cho đến hết năm 2017.

Năm 2016, Triều Tiên đã bán 22,6 triệu tấn than sang Trung Quốc, trị giá khoảng 1,9 tỉ USD.

Tuy nhiên các nguồn tin ở Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu Bắc Kinh cắt giảm lượng dầu thô bán cho Bình Nhưỡng.

Nhiều năm nay Trung Quốc không tiết lộ số liệu xuất khẩu dầu thô của mình cho Triều Tiên.

Nhưng nguồn tin trong ngành nói rằng, việc cung cấp được thực hiện bằng một đường ống đã lão hóa với khoảng 520 ngàn tấn mỗi năm, trị giá khoảng 170 triệu USD.

Gần như toàn bộ nhu cầu xăng dầu Triều Tiên đều do Trung Quốc cung cấp, Nga chiếm một lượng nhỏ hơn nhiều. [1]

Ép được Trung Quốc, Mỹ lại phải canh chừng Nga thế chỗ

Cũng trong một bản tin khác của Reuters hôm nay, trong khi gây áp lực lên Trung Quốc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, Washington cũng đang hướng con mắt về Nga.

Washington sợ rằng Moscow có thể trở thành nguồn cung cấp thay thế cho Bình Nhưỡng, lấp đầy khoảng trống Bắc Kinh bỏ lại.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm thứ Ba (giờ Mỹ) nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ:

"Tôi lo ngại rằng Nga có thể lấp chỗ trống ở Triều Tiên.

Chúng tôi chưa có bằng chứng về điều đó, nhưng chúng tôi đang theo dõi một cách cẩn thận.

Chúng ta vừa phải giữ áp lực đối với Trung Quốc, đồng thời cũng phải canh chừng Nga.

Chúng ta cần phải tiếp tục cho chế độ Bắc Triều Tiên thấy, chúng ta không tìm kiếm mục tiêu thay đổi chế độ.

Chúng ta chỉ muốn ngăn chặn hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của họ.

Áp lực đối với Trung Quốc không thể dừng lại. Chúng ta phải buộc Trung Quốc làm những gì họ có thể làm.

Đồng thời, tất cả các nước khác cần phải chắc chắn rằng, họ đang thực thi các mệnh lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra.".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, ảnh: Reuters.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, ảnh: Reuters.

Trong khi Washington kêu gọi các nước hạ cấp quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng vì chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, một dịch vụ phà qua biên giới Nga - Triều đã được đưa vào hoạt động từ tháng Năm vừa qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, thế giới nên nói chuyện với Triều Tiên, chứ không phải đe dọa họ. [2]

Theo hãng thông tấn Kyodo, Nhật Bản được South China Morning Post ngày 28/6 dẫn lại, một nguồn tin từ Triều Tiên đào thoát cho biết, nước này vẫn mua được nhiên liệu từ Nga thông qua các đại lý ở Singapore.

Sẽ là sai lầm nếu tin rằng Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Triều Tiên vẫn mua được 300 ngàn tấn xăng dầu từ Nga mỗi năm, nguồn tin cho hay.

Ri Jong-ho, 59 tuổi, một cựu quan chức cấp cao của Văn phòng 39 Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết điều này trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với truyền thông kể từ khi chạy trốn năm 2014.

Nhân vật này khẳng định, Triều Tiên phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Trung Quốc về nguồn cung nhiên liệu để duy trì nền kinh tế.

Xăng dầu Nga bán cho Triều Tiên được vận chuyển bằng tàu thủy từ cảng Vladivostok và Nakhodka ở Viễn Đông.

Ri Jong-ho cho hay, Bình Nhưỡng đã cố gắng giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh mở rộng quan hệ thương mại với Nga và các nước Đông Nam Á từ tháng Tám 2014, sau khi ông Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc.

Ông Kim Jong-un được cho là đã rất "tức giận" sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới miền Nam bán đảo, ông gọi Trung Quốc là "kẻ thù" và xúc tiến các biện pháp thúc đẩy thương mại với Nga.

Ông Ri Jong-ho, cựu quan chức Văn phòng 39 Đảng Lao động Triều Tiên, ảnh: Kyodo / SCMP.
Ông Ri Jong-ho, cựu quan chức Văn phòng 39 Đảng Lao động Triều Tiên, ảnh: Kyodo / SCMP.

Theo ông Ri Jong-ho, Văn phòng 39 có 5 nhóm hoạt động cấp trung ương và hệ thống mua lại ngoại tệ từ những lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, khai thác và xuất khẩu vàng, kim cương.

Cơ quan này sử dụng một số tên và địa chỉ liên lạc của người Trung Quốc và Nga để mở tài khoản ngân hàng dùng trong các giao dịch thương mại. [3]

Với Trung Quốc, đây là cơ hội

Nhà bình luận Tom Rogan ngày 28/6 có bài phân tích trên tờ Washington Examiner: "Trung Quốc muốn đổi lại điều gì (từ Mỹ) sau khi gây sức ép lên Triều Tiên?"

Tom Rogan viết:

"Con đường đến Bình Nhưỡng chạy qua Bắc Kinh.

Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng thừa nhận, Trung Quốc là chìa khóa để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.

Và hành động của Trung Quốc là cấp bách.

Mỗi ngày trôi qua, Triều Tiên lại tiến gần hơn mục tiêu có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân bắn tới Hawaii hay Bờ Tây Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ không thể yêu cầu người dân bất kỳ bang nào tăng sức chịu đựng trước sự đe dọa từ Bình Nhưỡng, có thể bắn vũ khí hạt nhân vào họ.

Hành động là cần thiết.

Trung Quốc thừa nhận họ có đòn bẩy lớn, họ chiếm khoảng 75% hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên.

Nếu họ nói với Bắc Triều Tiên phải làm điều gì đó, các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng sẽ có lợi nếu biết lắng nghe.

Quan trọng hơn, Trung Quốc cũng biết rằng chính phủ Hoa Kỳ nhận thức được sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Nam Hải.

Theo quan điểm của Trung Quốc, thì đây là một cơ hội, bởi vì không có gì là miễn phí.

Để Bắc Kinh buộc Bình Nhưỡng điều chỉnh hành vi thì đổi lại, Trung Quốc muốn Mỹ để yên cho họ thống trị khu vực Đông Nam Á.

Đó là một nhiệm vụ với 2 bộ phận chiến lược.

Triều Tiên thêm áp lực, Trung Quốc thêm cơ hội ảnh 5

Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la

Đầu tiên là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á. Định chế tài chính này cung cấp hàng chục tỉ USD viện trợ và cho vay. 

Nó cho phép Trung Quốc mua chuộc, hối lộ, ép buộc các nước nhỏ phải chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc về kinh tế.

Bằng cách lấn án và dần thay thế các hoạt động đầu tư dựa trên quy tắc luật pháp quốc tế mà Mỹ bảo trợ, Trung Quốc sẽ giành được độc quyền ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

Bộ phận thứ hai là sức mạnh quân sự.

Họ liên tục xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng trên các vùng biển tranh chấp. Việc này giúp Trung Quốc kiểm soát mọi tàu thuyền vận tải qua lại khu vực này.

Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát những tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu, nó sẽ gây sức ép rất lớn lên các quốc gia láng giềng trong khu vực, như Philippines hay Việt Nam.

Họ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khốc liệt, hoặc là bị Trung Quốc thống trị, hoặc sẽ phải chịu đựng suy thoái kinh tế...". [4]

Cá nhân người viết cho rằng, những thông tin mới nhất từ Reuters rất đáng chú ý, nó cho thấy sức ép của Hoa Kỳ lên Trung Quốc dường như đã có tác dụng.

Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình với nhận định của nhà bình luận Tom Rogan rằng, Bắc Kinh sẽ tìm cách "có đi có lại" với Washington trên bàn cờ chiến lược châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nhận định rằng Mỹ phải chấp nhận rút ảnh hưởng của mình khỏi Đông Nam Á để nhường sân cho Trung Quốc, nhằm đổi lấy sức ép của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng e rằng khiên cưỡng và thiếu thuyết phục.

Cứ nghe khẩu khí của bà Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc là biết.

Đừng nói lệnh trừng phạt với Triều Tiên, ngay cả lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây với Nga, Trung Quốc cũng không thể cưỡng lại.

Nhận định của Tom Rogan cũng ngược với thực tế rằng, sức ép của Mỹ lên Trung Quốc đang phát huy hiệu quả.

Trung Quốc có chơi trò "không gì là miễn phí" trong đàm phán với Mỹ, thì hai nước có thể đánh đổi một số lợi ích nhất định.

Triều Tiên thêm áp lực, Trung Quốc thêm cơ hội ảnh 6

Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược?

Tuy nhiên thế và lực của Trung Quốc chưa cho phép họ đòi hỏi Hoa Kỳ phải đánh đổi lợi ích chiến lược theo kiểu "tiền trao cháo múc", mà theo đó Mỹ chấp nhận nhường địa vị của mình ở Đông Nam Á cho Trung Quốc.

Cạnh tranh giữa 2 siêu cường này không chỉ đơn thuần là về địa chính trị, địa quân sự hay chiến lược, mà còn là sự cạnh tranh về sức mạnh 2 nền kinh tế và khả năng điều hành, kiểm soát tình hình.

Từ khi doanh nhân, tỉ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông chủ Trung Nam Hải đã phải tìm cách bố trí một cuộc gặp với chủ nhân mới của Nhà Trắng, chứ không phải ông Donald Trump tìm cách gặp ông Tập Cận Bình.

Những nước cờ chiến lược mà ông Donald Trump sử dụng trong quan hệ với Trung Quốc, cho đến nay phần lớn đều phát huy hiệu quả theo tính toán của Hoa Kỳ.

Chúng tôi không phủ nhận tham vọng gây ảnh hưởng thống trị của Trung Quốc lên khu vực Đông Nam Á, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ chư hầu - thiên tử thời phong kiến sẽ được tái lập.

Mỹ sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, hòa bình, ổn định và cân bằng lực lượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đó là một thực tế.

Vấn đề còn lại đối với các quốc gia trong khu vực, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường, muốn giữ được độc lập tự chủ phải tự nâng cao nội lực và đoàn kết trong việc bảo vệ hòa bình, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Đó cũng là cách để bảo vệ chính mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/china-s-cnpc-suspends-fuel-sales-to-north-korea-as-risks-mount-8984064

[2]https://www.reuters.com/article/us-usa-northkorea-russia-idUSKBN19I2E3

[3]http://www.scmp.com/news/asia/east-asia/article/2100310/secrets-office-39-north-korean-leader-kim-gets-russian-fuel

[4]http://www.washingtonexaminer.com/what-china-wants-in-return-for-pressuring-north-korea/article/2627195

Hồng Thủy