Mỹ không đánh đổi lợi ích an ninh của đồng minh, đối tác châu Á với Trung Quốc

15/06/2017 12:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoa Kỳ không bao giờ đem lợi ích an ninh quốc gia của các đồng minh châu Á ra làm con bài đánh đổi với Trung Quốc để họ mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ.

The Asahi Shimbun, Nhật Bản ngày 14/6 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon đang công du Tokyo cho biết:

"Hoa Kỳ không bao giờ đem lợi ích an ninh quốc gia của các đồng minh châu Á ra làm con bài đánh đổi với Trung Quốc để họ mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ.

Mối quan hệ của chúng tôi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và các nước ASEAN khác không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ không bỏ các đối tác của mình.".

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon, ảnh: Atsushi Okudera / The Asahi Shimbun.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon, ảnh: Atsushi Okudera / The Asahi Shimbun.

Ông nhắc lại rằng, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc với Biển Đông.

Phát biểu mới nhất của ông Thomas Shannon với báo giới hôm 13/6 xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh cơ bắp ở Thái Bình Dương, quân sự hóa Biển Đông.

Trong khi đó, chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump với nhiệm vụ giải quyết việc làm cho người lao động Mỹ được đặt lên hàng đầu, đã khiến các đối tác và đồng minh trong khu vực lo ngại, lợi ích an ninh của họ có thể bị ảnh hưởng.

Thomas Shannon là Thứ trưởng Ngoại giao từ tháng 2/2016, khi Tổng thống Barack Obama vẫn đang tại vị.

Trong vài tuần đầu tiên khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ông giữ vị trí Quyền Ngoại trưởng cho đến khi đề cử ông Rex Tillerson chính thức được Quốc hội Mỹ phê duyệt. [1]

Cùng ngày 14/6, tờ Washington Examiner đưa tin, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm qua, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với các nhà lập pháp:

Ông đã cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng, chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh sẽ đưa 2 nước vào một cuộc xung đột.

Tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cho biết:

"Chúng tôi đã nói với họ: các ngài đang tạo ra bất ổn trên toàn khu vực Thái Bình Dương, nó sẽ đẩy chúng ta vào xung đột. Xin đừng làm điều đó.

Mỹ không đánh đổi lợi ích an ninh của đồng minh, đối tác châu Á với Trung Quốc ảnh 2

Tổng thống Donald Trump "chữa" chính sách với Biển Đông và vai trò Việt Nam

Chúng ta đang ở trên một điểm nén trong quan hệ Mỹ - Trung. Họ thấy điều này, và chúng ta cũng thấy điều này.

Chúng ta và họ đang đối thoại với nhau về cách làm thế nào duy trì quan hệ Mỹ - Trung ổn định trong 50 năm tới.

Chúng ta không thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế của họ. Chúng ta phải thích ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ.

Nhưng một khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chuyển thành ảnh hưởng của họ trong khu vực, là sẽ bắt đầu đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng ta.

Nó phá vỡ môi trường hòa bình, không xung đột tại khu vực, trong vòng 50 năm trở lại đây.

Chính sách của chúng ta là, cho dù thương mại và nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có quan trọng đi nữa, chúng ta cũng không thể cho phép Trung Quốc sử dụng nó như một thứ vũ khí.

Không thể để họ (tiếp tục) lấy thương mại làm vũ khí. Họ đang làm điều đó hiện nay. Thông điệp chúng tôi nói với họ là:

Các ngài sẽ không thể giải quyết được vấn đề khó khăn như Triều Tiên hay Biển Đông bằng sử dụng đòn bẩy thương mại.". [2]

Trong một động thái khác có liên quan tới Biển Đông, Đa Chiều ngày 14/6 cho biết:

Cùng ngày 14/6 có nhà quan sát đã phát hiện thông tin Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở 7 đảo nhân tạo ngoài Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) lên cấp sư đoàn.

Thông tin này được một bài báo trên tờ Quân Giải phóng Trung Quốc đề cập.

Bài báo này cho biết, Hạm đội Nam Hải đã thiết lập một "thủy cảnh khu", tiếng Anh gọi là "coast garrison division", tạm dịch là đồn / khu phòng thủ bờ biển trên 7 đảo nhân tạo.

"Thủy cảnh khu" là một cấp biên chế trong hải quân Trung Quốc, tương đương sư đoàn, trực thuộc hạm đội, phụ trách các hoạt động cảnh giới, bảo vệ (cái gọi là) lãnh hải, bảo đảm hậu cần cho binh lính đồn trú trong khu vực.

Biên chế một "thủy cảnh khu" có bộ tư lệnh, phòng chính trị, phòng hậu cần, phòng trang bị, đại đội tàu hộ vệ trực thuộc, đại đội săn ngầm trực thuộc, đại đội tên lửa - xuồng cao tốc.

Ngoài ra cấp "thủy cảnh khu" còn được biên chế các lực lượng tuần tra bờ biển, phòng không, thông tin liên lạc, hậu cần.

Diễn tập của một đơn vị cấp "thủy cảnh khu", Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc trên Biển Đông, ảnh: Tân Hoa Xã.
Diễn tập của một đơn vị cấp "thủy cảnh khu", Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc trên Biển Đông, ảnh: Tân Hoa Xã.

Hiện tại ngoài "thủy cảnh khu" mới thành lập, Hạm đội Nam Hải có các "thủy cảnh khu":

Trạm Giang, Bắc Hải, Quảng Châu, Hoàng Phố, Sán Đầu, căn cứ Du Lâm, Hải Khẩu và Hoàng Sa (đặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974, lập "thủy cảnh khu" năm 1976).

Bản tin trên tờ Quân Giải phóng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã bố trí một đơn vị lựu pháo (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở Gạc Ma và diễn tập phòng ngự (trái phép) trên đảo nhân tạo ở Chữ Thập.

Đa Chiều bình luận, việc nâng cấp lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở Trường Sa lên tương đương một sư đoàn, có khả năng là sự chuẩn bị của Bắc Kinh cho một "hành động lớn". [3]

Cá nhân người viết cho rằng, Trung Quốc đã tạo ra một "trạng thái bình thường mới" bằng cách bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp 7 cấu trúc địa lý ở Trường Sa thành 7 pháo đài khổng lồ.

Việc Trung Quốc nâng cấp biên chế lực lượng quân sự đồn trú trái phép tại đây lên sư đoàn, thậm chí không chỉ 1 sư đoàn, sẽ là bước đi tất yếu tiếp theo trong toan tính của họ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay chiến đấu bất hợp pháp ở Trường Sa, đủ phục vụ 2 trung đoàn không quân.

"Hành động lớn" như nhận định của Đa Chiều thì khó có khả năng xảy ra theo cách một sự kiện có thể dẫn đến xung đột, khi Hoa Kỳ vẫn đang hiện diện tại đây và tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động vơ vét tài nguyên ở những vùng biển lân cận khi có 7 pháo đài này chống lưng, đồng thời làm căn cứ hậu cần, kỹ thuật.

Hình ảnh giới thiệu về khoan thăm dò băng cháy ở Biển Đông", nguồn: Tân Hoa Xã.
Hình ảnh giới thiệu về khoan thăm dò băng cháy ở Biển Đông", nguồn: Tân Hoa Xã.

Những ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục loan báo về các "thành tựu" khoan thăm dò khai thác băng cháy trên Biển Đông.

Đây là một nguồn năng lượng sạch, nhưng lại đòi hỏi công nghệ cao và chi phí lớn. Hiện nay, ngay cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada cũng chưa thể áp dụng đại trà vào sản xuất thương mại. [4] [5]

Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc phải "chờ" Mỹ - Nhật - Canada về mặt công nghệ.

Nếu những "thành tựu" kia là có thật và Trung Quốc có thể triển khai khai thác đại trà băng cháy, thì đó là một nguy cơ lớn cho Biển Đông.

Tìm cách khai thác năng lượng và các nguồn tài nguyên ở những vùng biển Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp trên Biển Đông rất có thể nằm trong tính toán, chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, khi Trung Quốc không chỉ thiết lập một sự hiện diện quân sự trên mặt biển và bầu trời Biển Đông.

Họ còn thiết lập cả một hệ thống thu thập tin tức tình báo, đặc biệt là quan sát, phát hiện và theo dõi tàu ngầm, tàu chiến đối phương từ đáy biển Biển Đông.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201706140024.html

[2]http://www.washingtonexaminer.com/rex-tillerson-warns-of-potential-conflict-with-china/article/2626009

[3]http://china.dwnews.com/news/2017-06-14/59820181.html

[4]http://china.dwnews.com/news/2017-06-10/59819451.html

[5]http://www.globaltimes.cn/content/1051042.shtml

Hồng Thủy