Triều Tiên thông báo ông Ban Ki-moon tới thăm, Liên Hợp Quốc phủ nhận

18/11/2015 14:52
Nguyễn Hường
(GDVN) - Xuất hiện những báo cáo trái chiều giữa Triều Tiên và Liên Hợp Quốc về báo cáo rằng ông Ban Ki-moon sẽ thăm Bình Nhưỡng vào tuần tới.

Tân Hoa Xã ngày 18/11 dẫn báo cáo của Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ đến thăm Triều Tiên 4 ngày từ ngày 13/11.

Trước đó, Yonhap dẫn nguồn tin trong Liên Hợp Quốc nói rằng ông Ban dự định đến thăm Triều Tiên trong tuần này theo lời mời của chính phủ Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, RIA Novosti ngày 18/11 dẫn lời đại diện của Tổng thư Ký Liên Hợp Quốc Stefan Dyuzharrik cho biết, ông Ban Ki-moon sẽ dành phần lớn tuần tới tại New York, sau đó đi đến Malta để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của Khối thịnh vượng chung và đến Pháp dự hội nghị về khí hậu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh News Week
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh News Week

Tuyên bố này đã phủ nhận báo cáo trước đó của KCNA và Tân Hoa Xã, RIA Novosti cho biết.

Văn phòng báo chí của Liên Hợp Quốc cũng không xác nhận báo cáo trên, nhưng cho biết ông Ban Ki-moon sẵn sàng góp phần thúc đẩy bình thường hóa quan hệ trên bán đảo Triều Tiên.

KCNA là một hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên. Những tin tức được KCNA đưa ra thường rất đáng tin cậy. Hiện chưa rõ lý do tại sao KCNA lại cho công bố thông tin trái ngược với tuyên bố của Liên Hợp Quốc về chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Ban Ki-moon vốn chỉ xảy ra khi đã có sự thống nhất từ hai phía.

RIA Novosti trước đó dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Lee Hong-sik cho biết, Bộ này không có thông tin về chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới Bình Nhưỡng, nhưng gợi mở rằng một chuyến thăm như vậy có thể góp phần cải thiện tình hình trong khu vực.

Thông tin ông Ban Ki-moon thăm Bình Nhưỡng xuất hiện trong sáng nay đã thu hút sự chú ý khá mạnh mẽ và tích cực từ dư luận với hy vọng có thể giúp cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên. 

Một nguồn tin ngoại giao ở Moscow nói với RIA Novosti rằng Nga xem chuyến thăm này là một động thái tích cực dù nó "có dẫn đến sự tái khởi động" các cuộc đàm phán sáu bên hay không. 

Chuyến thăm của ông Ban Ki-moon nếu diễn ra sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới Triều Tiên kể từ năm 1993 và là chuyến thăm thứ ba trong lịch sử quan hệ của hai bên. 

Một số nguồn tin nói với Korea Times rằng ông cũng thúc đẩy chuyến thăm này trong nỗ lực tìm kiếm một di sản cho 4 năm lãnh đạo Liên Hợp Quốc của mình. Ảnh Reuters.
Một số nguồn tin nói với Korea Times rằng ông cũng thúc đẩy chuyến thăm này trong nỗ lực tìm kiếm một di sản cho 4 năm lãnh đạo Liên Hợp Quốc của mình. Ảnh Reuters.

Lực lượng của Liên Hợp Quốc đã hiện diện ở Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ năm 1950 cho đến năm 1953. Ông Ban Ki-moon đã cố gắng tới thăm Kaesong trong tháng 5, nhưng phía Triều Tiên bất ngờ hủy bỏ kế hoạch này chỉ một ngày trước thời điểm diễn ra như dự định. 

Bình luận về sự kiện mới nhất, tờ Korea Times dẫn nguồn tin ngoại giao hôm 17/11 cho biết, Bình Nhưỡng đã chủ động mời ông Ban Ki-moon tới thăm nhằm để tăng tốc nỗ lực thoát khỏi sự cô lập quốc tế sau khi có dấu hiệu tan băng trong quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Ngoài ra, nhiệm kỳ của ông Ban Ki-moon cũng sẽ hết vào tháng 12/2016. Một số nguồn tin nói với Korea Times rằng ông cũng thúc đẩy chuyến thăm này trong nỗ lực tìm kiếm một di sản cho 4 năm lãnh đạo Liên Hợp Quốc của mình. 

Tuy nhiên, tờ báo cảnh báo rằng chuyến thăm này có thể sẽ thu hút chỉ trích ở Hàn Quốc nếu ông Ban Ki-moon không thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un hợp tác với Liên Hợp Quốc về phi hạt nhân hóa và cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Ông Ban Ki-moon, một cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc và đang được đánh giá cao về khả năng có thể trở thành Tổng thống nước này trong năm 2017.

"Cũng có khả năng Triều Tiên sẽ tận dụng chuyến thăm của ông Ban Ki-moon để nhấn mạnh vị thế của Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo quốc tế", Yang Moo-jin, một Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên cho hay. 

Kim Jong-un chưa từng tiếp đón bất kỳ nhà lãnh đạo quốc tế nào kể từ khi lên nắm quyền trong tháng 12 năm 2011. Kim Jong-un cũng từ chối quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

Việc mời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới thăm có thể là nhằm để gây ấn tượng rằng Triều Tiên sẵn sàng hợp tác với phần còn lại của thế giới ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, Park Won-gon, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Handong nói.

Ông Park Won-gon lưu ý thêm rằng cuộc họp giữa ông Ban Ki-moon và Kim Jong-un sẽ không đem lại kết quả "hữu hình"./.

Nguyễn Hường