Reuters ngày 28/4 đưa tin, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết:
"Rốt cục thì rồi chúng tôi có khả năng cũng sẽ xảy ra xung đột nghiêm trọng, rất nghiêm trọng với Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết mọi thứ qua con đường ngoại giao, nhưng nó rất khó khăn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người tốt. Tôi tin rằng ông ấy đang rất cố gắng, nỗ lực. Tôi biết ông muốn làm một điều gì đó.
Có lẽ là khả năng ông ấy không thể làm được. Nhưng dù sao tôi nghĩ ông ấy thực sự muốn làm một điều gì đó".
Khi được Reuters hỏi, liệu ông Trump có xem ông Kim Jong-un là người "tỉnh táo" hay không, Tổng thống Mỹ trả lời:
"Câu hỏi ông ta có tỉnh táo không, tôi không có ý kiến về điều này. Tôi hy vọng là ông ta tỉnh táo". [1]
Cùng đưa tin về buổi trả lời phỏng vấn này, The New York Times bản chữ Hán ngày 28/4 dẫn lời ông Donald Trump nói về ông Tập Cận Bình:
"Tôi tin ông ấy sẽ cố hết sức. Đương nhiên ông ấy không mong mốn nhìn thấy loạn lạc và thương vong. Ông ấy không mong muốn kết cục như thế.
Ông ấy là người tốt, một người rất tốt. Tôi khá hiểu ông ấy".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SF Gate. |
Còn về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chủ nhân Nhà Trắng đánh giá:
"Ông ta 27 tuổi thì bố mất, phải tiếp quản chính quyền. Nói gì thì nói, đấy là việc không dễ dàng gì, đặc biệt là ở lứa tuổi đó".
Xung quanh thông tin nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đề cập khả năng sẽ có cuộc điện đàm tiếp theo với Tổng thống Mỹ khi bà trả lời phỏng vấn hôm thứ Năm 27/4, ông Trump nói:
"Vấn đề của tôi là, tôi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thiết lập quan hệ cá nhân rất tốt.
Tôi thực sự cho rằng ông ấy đang cố hết sức để giúp tôi ứng phó với một vấn đề lớn. Vì thế hiện tại tôi không muốn làm phiền ông ấy". [2]
Thời báo Hoàn Cầu dọn đường dư luận: quan hệ Trung - Triều ngày càng tệ, Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng
Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản chữ Hán, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 28/4 viết:
"Trung Quốc nghiêm túc chấp hành các chế tài trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã là một sự thật hiển nhiên.
Nếu Bình Nhưỡng còn tiếp tục các hoạt động thử tên lửa hay hạt nhân, Trung Quốc tất yếu phải xiết chặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Quan hệ Trung - Triều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, nguyên thủ hai nước chưa từng gặp mặt.
Mặc dù quan hệ ngoại giao vẫn thông, nhưng sự tin cậy chiến lược vào nhau ngày càng thưa thớt, liên hệ hai bên gặp khó khăn nghiêm trọng.
Cục diện bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi, quan hệ Trung - Triều rất có khả năng sẽ còn tồi tệ hơn hiện tại.
Có thể Bình Nhưỡng sẽ công khai chỉ trích Bắc Kinh, thậm chí có cả những hành động bất hảo. Trung Quốc cần phải có sự chuẩn bị.
Trung - Triều từng có tình hữu nghị được viết nên bằng máu. Nó phản ánh logic địa chính tị Đông Bắc Á của thế kỷ trước, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích của mỗi bên khi đó.
Quan hệ Trung - Triều ngày nay, trước tiên phải là quan hệ bình thường giữa các quốc gia, hai nước cũng có thể xây dựng tình bằng hữu thân mật hơn trên nền tảng ấy.
Nhưng tiền đề tất yếu cho điều đó phải không được trái với lợi ích quốc gia chiến lược của Trung Quốc, không được để Bắc Kinh phải gánh nợ vì những chính sách cực đoan của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là trái với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hơn nữa bị Hội đồng Bảo an nhất loạt phản đối.
Bình Nhưỡng hy vọng Bắc Kinh dung túng cho họ theo đuổi chương trình hạt nhân, yêu cầu Trung Quốc cự tuyệt thực hiện các chế tài trừng phạt của Hội đồng Bảo an, đây là điều Trung Quốc tuyệt đối không thể đồng ý.
Vấn đề bán đảo về cơ bản là sự thể hiện mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Triều.
Nhưng địa điểm Triều Tiên thử hạt nhân chỉ cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 100 km, uy hiếp trực tiếp an ninh vùng Đông Bắc Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc không thể ngồi ngoài.
Thái độ của Trung Quốc phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không dao động. Quan hệ Trung - Triều tổn hại, quan hệ Trung - Hàn cũng vì chuyện THAAD mà xuống cấp.
Trung Quốc đồng thời cứng rắn với cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul, lại còn mang tiếng là đang giúp Mỹ, ra sức lấy lòng, khiến một bộ phận dân chúng Trung Quốc tư tưởng không thông.
Cần phải chỉ ra rằng, Trung - Mỹ mỗi bên có lợi ích chiến lược của riêng mình, sự khác biệt rất lớn. Nhưng phản đối Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân thực sự là lợi ích chung của hai bên.
Đánh giá của Đô đốc Harris về Biển Đông và Triều Tiên lộ toan tính Mỹ-Trung |
Bắc Kinh gây sức ép với Bình Nhưỡng, trước tiên là để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình chứ không phải đang làm thuê cho Mỹ.
Quan hệ Trung - Triều xấu đi làm một bộ phận dân chúng Trung Quốc lo lắng rằng:
Điều này có thể làm Trung Quốc mất đi con bài mặc cả với Mỹ - Hàn, đồng thời mất bình phong chiến lược của Trung Quốc ở Đông Bắc Á.
Nhưng cần phải thấy rõ, ít nhất trước mắt Triều Tiên đang đi ngược lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Về lâu dài, trong quan hệ Trung - Triều thì quyền chủ động vẫn trong tay Trung Quốc.
Chỉ cần Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân, quan hệ Trung - Triều rất dễ dàng quay trở lại quỹ đạo.
Nếu vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục nhức nhối, chiến tranh sẽ nổ ra là điều không thể tránh khỏi.
Rủi ro với Trung Quốc vì chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lớn hơn rất nhiều rủi ro có thể nảy sinh từ các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Bắc Kinh áp đặt với Bình Nhưỡng.
Chỉ cần Triều Tiên còn một chút tỉnh táo, sẽ không dám đối đầu quân sự với Trung Quốc.
Còn khi Bình Nhưỡng bất chấp đến mức mất hết tỉnh táo, thì Bắc Kinh có đủ khả năng kiểm soát cục diện và bảo vệ an ninh quốc gia của mình.
Chỉ cần Trung Quốc triệt để phá tan ảo tưởng của Bình Nhưỡng rằng có thể dùng ngoại giao để thúc Bắc Kinh nới lỏng trừng phạt, tức là sự nghiêm khắc của Trung Quốc đã được thiết lập và phát huy tác dụng.
Triều Tiên sẽ phải lựa chọn lại khi đứng trước tình cảnh bị cô lập lâu dài". [3]
Cá nhân người viết cho rằng, tạm gạt giọng điệu cực đoan, nước lớn thường thấy trên Thời báo Hoàn Cầu sang một bên, thông điệp trên những bài xã luận của tờ báo này về bán đảo Triều Tiên vừa qua có khả năng phản ánh rõ chính sách của Trung Nam Hải hơn cả.
Bài xã luận này dường như dọn đường trong dư luận nội bộ xã hội Trung Quốc, để lỡ có một ngày phải động thủ với nước láng giềng này cũng không có gì bất ngờ.
Mọi sự đã đổi thay. Lời đe dọa nhằm vào Bình Nhưỡng đã quá rõ ràng.
Chính Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận, đến giờ nhiều người dân nước này vẫn xem là phên dậu, là bình phong, thậm chí là đồng chí, đồng minh tình nghĩa viết nên bằng máu, bởi vì lâu nay họ được tuyên truyền, giáo dục như thế.
Tình thế thay đổi, tuyên truyền cũng phải thay đổi.
Đây không phải lần đầu tiên Thời báo Hoàn Cầu đe nẹt Triều Tiên, nhưng lập luận của tờ báo này cho thấy tính hai mặt của các siêu cường, cũng như cách họ nhân danh công lý, núp bóng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thực hiện các lợi ích cá nhân.
Người viết chỉ xin lưu ý đến 2 điều.
Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Trung Quốc, ảnh: cgnpc.com.cn |
Một là, địa điểm Bình Nhưỡng thử hạt nhân cách biên giới Trung - Triều 100 km đã đe dọa an ninh cả vùng Đông Bắc nước này, vậy nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành chỉ cách biên giới Việt - Trung 45 km thì họ nghĩ sao? [4]
Hai là, nếu Trung Quốc thực sự bảo vệ lợi ích chung của nhân loại hay tuân thủ luật pháp quốc tế, thì tại sao lại chống đối Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, do một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền xét xử?
Đấy là còn chưa kể bản thân Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, nhưng lại ép nước khác không được làm điều tương tự, dù chỉ để tự vệ.
Mỹ - Trung và phương án “thay” lãnh đạo Triều Tiên
Từ phát biểu mới nhất của Donald Trump cũng như bài xã luận trên đây của Thời báo Hoàn Cầu, cá nhân người viết cho rằng áp lực phải giải quyết dứt điểm vấn đề bán đảo Triều Tiên theo ý đồ Trung - Mỹ đè lên vai hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump ngày càng lớn.
Không phải ngẫu nhiên thời điểm này Ngoại trưởng Tillerson lại thông báo với báo giới, họ được người Trung Quốc bảo đảm rằng:
Nếu Triều Tiên còn thử hạt nhân lần nữa, thì không đợi Mỹ, Trung Quốc sẽ đơn phương trừng phạt nặng. [5]
Bắc Kinh cũng đã có những bước dọn đường dư luận cho các biện pháp tạo áp lực lớn chưa từng thấy với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không để thể chế hiện thời ở Bắc Triều Tiên sụp đổ bằng cách xiết chặt hoặc cắt đứt nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là dầu mỏ, thực phẩm.
Bởi như vậy, đất nước láng giềng này có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.
Toan tính này của ông Tập Cận Bình được ông Donald Trump gọi với cái tên: tốt bụng! Ông ấy là người tốt, ông ấy không muốn Triều Tiên sụp đổ, dân chúng lầm than…
Khi Donald Trump - Tập Cận Bình tâm đầu ý hợp |
Trong bối cảnh này, khả năng gần như duy nhất để Trung - Mỹ làm Triều Tiên “thay đổi trong hòa bình” là thay người, một phương án đã được học giả, truyền thông hai nước này bàn tính.
Về phía Trung Quốc, phương án “thay người” được công khai đưa ra bởi Tào Tân, thành viên Hiệp hội Giao lưu phát triển Trung Quốc - Á - Phi có trụ sở tại Bắc Kinh trên Financial Times bản chữ Hán, ngày 12/4. [6],[7]
Về phía Hoa Kỳ, phương án “thay người” được công khai bàn bạc trên The National Interest ngày 25/4 bởi Dennis Halpin, cựu cố vấn về các vấn đề châu Á cho Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, hiện là một học giả của Viện Johns Hopkins, chuyên gia tư vấn Nhóm phân tích Poblete.
Xin được lưu ý rằng, gần đây Donald Trump và Rex Tilleson đều công khai tuyên bố, Mỹ chỉ muốn Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân chứ không có ý định lật đổ chính quyền, thay người lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.
Nhưng ngày 14/4, tờ JongAng Ilbo xuất bản tại Seoul đã đưa tin: lực lượng đặc nhiệm SEAL từng được giao nhiệm vụ tìm diệt Osama bin Laden sẽ tham gia tập trận tại Hàn Quốc trong việc mô phỏng việc "thay" nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Dennis Halpin cho rằng, âm mưu loại bỏ ông Kim Jong-un khỏi quyền lực dù sao chỉ là sự bắt đầu, chứ không phải kết thúc, bởi 3 lý do:
Thứ nhất, các thế hệ người Triều Tiên được tuyên truyền ăn sâu vào tiềm thức về sự trung thành cuồng nhiệt, tuyệt đối với gia tộc ông Kim Nhật Thành (với tên gọi dòng máu Baekedu thiêng liêng).
Thứ hai, ông Kim Jong-un đã cho thấy mình được bảo vệ bởi một đơn vị đặc nhiệm ưu tú trong cuộc duyệt binh hôm 15/4 vừa qua.
Thứ ba, việc bất ngờ loại bỏ ông Kim Jong-un khỏi quyền lực có thể gây ra một cơn ác mộng vì tranh giành nội bộ, trong khi kho vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học có thể mất kiểm soát.
Do đó một khoảng trống quyền lực bất ngờ ở Bình Nhưỡng phải nhanh chóng được lấp đầy, ngăn chặn hỗn loạn. Vì thế cần phải chuẩn bị "nhân sự thay thế" ông Kim Jong-un.
Một cuộc thao túng chính trị mạo hiểm như vậy sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của Bắc Kinh, như Donald Trump đã nói.
Và điều này đáp ứng đúng những cái Thời báo Hoàn Cầu gọi là lợi ích quốc gia của Trung Quốc, trong việc duy trì một nhà nước vùng đệm biên giới Đông Bắc, ít nhất là trong một thời gian, đồng thời ngăn chặn dòng người tị nạn có thể đổ sang Trung Quốc.
Tập Cận Bình vốn chẳng ưa gì ông Kim Jong-un, trong khi quan chức thân thiện nhất với Trung Quốc là Jang Song-thaek và người anh Kim Jong-nam đã bị thanh trừng.
Cháu đích tôn Kim Jong-il ước mơ thống nhất 2 miền Triều Tiên |
Bởi vậy, không loại trừ khả năng là Trung - Mỹ sẽ bắt tay nhau tìm cách "thay người" lãnh đạo Triều Tiên, và Kim Han-sol, cháu gọi ông Kim Jong-un bằng chú ruột có thể được lựa chọn.
Kim Han-sol còn rất trẻ để ngồi vào ghế lãnh đạo quốc gia, khi giờ đây anh ta mới 21 tuổi.
Nhưng chính người chú anh ta, ông Kim Jong-un đã lên đỉnh cao quyền lực khi mới chỉ 27 tuổi sau khi ông Kim Jong-il qua đời năm 2011.
Ngoài yếu tố hậu duệ trực hệ đời thứ 4 của ông Kim Nhật Thành, Kim Han-sol luôn duy trì quan hệ thân mật với Trung Quốc, từng đưa ra ý tưởng liên minh với Hàn Quốc thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu cậu nắm quyền.
Khác với người chú từng du học ở Thụy Sĩ, Kim Han-sol không bộc lộ thiên hướng gia đình trị. Kim Han-sol được giáo dục ở Paris, Pháp quốc.
Ngày 18/2, tờ Daily Mail của Anh đưa tin, sau cái chết của người cha, Kim Han-sol đã phải từ bỏ giấc mơ học tập tại Oxford vì được các quan chức an ninh Trung Quốc cảnh báo, anh ta có thể trở thành mục tiêu tiếp theo. [8]
Trong một đoạn video xuất hiện vào tháng Ba vừa qua, Kim Han-sol đã cảm ơn các chính phủ Hà Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và một quốc gia không tên thứ tư đã bảo vệ anh và gia đình.
Dennis Halpin hy vọng Kim Han-sol, mẹ và em gái cậu đang ẩn náu ở Trung Quốc. Nếu như vậy, Mỹ có thể muốn thảo luận kín với Trung Quốc về một kế hoạch thay người. [9]
Cá nhân người viết cho rằng, thật khó có thể xác minh hoặc đưa ra bằng chứng rõ ràng về một âm mưu chính trị được che dấu.
Nhưng dù sao những dấu hiệu bộc lộ qua phát biểu của Donald Trump, Tập Cận Bình, Rex Tilleson cho đến Thời báo Hoàn Cầu, Tào Tân và Dennis Halpin, âm mưu lật đổ từ bên trong và "thay người" lãnh đạo Triều Tiên không thể loại trừ.
Gia đình ông Kim Jong-nam nhận được sự bao bọc, nuôi dưỡng, che chở của Trung Quốc là điều được các phương tiện truyền thông quốc tế vẫn nhắc tới lâu nay.
Có điều họ nuôi dưỡng và bảo vệ những con bài này vì mục đích nhân đạo hay còn mục đích khác, chỉ họ mới biết.
Vì thế, cái chết của ông Kim Jong-nam có lẽ không phải là một điều bất ngờ, càng không thể ngẫu nhiên một khi âm mưu thay người lãnh đạo ở Bình Nhưỡng từ 2 siêu cường bị bại lộ.
Như vậy, việc các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của một số siêu cường mà đứng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải không có cơ sở.
Cái mà những siêu cường này gọi là thiện chí, điều kiện đàm phán...thực tế có thể chỉ là những cạm bẫy chết người hòng kiềm tỏa bằng được những chính khách như ông Kim Jong-un và những đất nước như Triều Tiên mà thôi.
Người viết xin không bàn về nội trị của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền tự quyết.
Nhưng trong quan hệ quốc tế, Triều Tiên hoàn toàn có quyền, có lý khi phải tìm cách tự vệ chống lại sự áp bức, áp đặt của các siêu cường, cho dù đó là đồng minh hay đối thủ.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://uk.reuters.com/article/uk-northkorea-usa-idUKKBN17T0BZ
[2]https://cn.nytimes.com/asia-pacific/20170428/trump-north-korea-kim-jong-un/
[3]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-04/10555354.html
[6]http://www.ftchinese.com/story/001072164?full=y
[7]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Khi-Donald-Trump--Tap-Can-Binh-tam-dau-y-hop-post175813.gd
[9]http://nationalinterest.org/feature/north-korea-after-regime-change-who-takes-over-20349?page=2