Ngô Sỹ Tồn. |
Thời báo Đài Bắc ngày 5/9 đưa tin, sự hiện diện của Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra tại triển lãm "Lịch sử Trung Hoa dân quốc với các vùng lãnh thổ phía Nam" tổ chức tại Đài Loan tuần này đã thu hút sự quan tâm của các học giả Đài Loan. Họ cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng cơ hội này để thu thập thông tin có thể được sử dụng để biện minh cho yêu sách của mình trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã tham gia (gây ra) một loạt các xung đột chủ quyền lãnh thổ với các đảo ở Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines. Manila đã phản ứng bằng cách khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển và đã cung cấp hơn 4000 trang tài liệu chứng cứ và phân tích chống lại yêu sách của Bắc Kinh.
Đài Loan cũng tuyên bố "chủ quyền" với Biển Đông. Lâm Đình Huy, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Luật quốc tế Đài Loan cho biết, cộng đồng quốc tế từ lâu đã rất quan tâm về việc đường chữ U (tức đường lưỡi bò) ra đời như thế nào. Đường chữ U là lý thuyết đề cập đến tuyên bố chính thức của Trung Hoa Dân quốc về (cái gọi là) chủ quyền ở Biển Đông sau Chiến tranh Thế giới II "theo thỏa thuận trong Tuyên bố Cairo ngày 27/11/1943 và Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945. Tuy nhiên luận điệu này đã được học giả quốc tế vạch trần TẠI ĐÂY.
Một số học giả Mỹ đã kêu gọi Đài Loan, tức Trung Hoa Dân quốc xuất bản các nghiên cứu và chứng minh đường lưỡi bò được thành lập như thế nào và tình trạng của nó dưới góc độ luật pháp quốc tế.
Trong khi Trung Quốc đang nắm các dữ liệu "có niên đại từ thời nhà Minh và nhà Thanh", họ thiếu dữ liệu thời Trung Hoa Dân quốc đang kiểm soát Trung Quốc đại lục. Những dữ liệu này là cái cơ bản hỗ trợ cho yêu sách của Đài Loan ở Biển Đông, và chúng không nên được sử dụng để bảo vệ yêu sách của Trung Quốc trong khu vực, Lâm Đình Huy cho biết.
Nếu người Trung Quốc có thể kiếm được bất kỳ thông tin nào từ triển lãm này để bảo vệ lập trường của họ vào tháng 12, nó sẽ hỗ trợ rất lớn cho lợi ích của Bắc Kinh.
Tuy nhiên Lâm Đình Huy cũng tỏ ra bối rối về việc tại sao Việt Nam và Philippines không cử đại diện tới triển lãm mở cửa hôm Thứ Hai vừa qua. Theo ông Huy, 3 quốc gia Việt Nam, Philippines và Trung Quốc nên cử đại diện tham dự, hoặc không có gì cả. Ngô Sỹ Tồn không cần phải là người duy nhất có mặt tại triển lãm.
Ông Huy cho rằng Đài Loan nên tránh nguyên tắc "1 Trung Quốc" và tránh trích dẫn lý thuyết đường lưỡi bò vì nó sẽ cung cấp "sự tin tưởng lịch sử" cho Trung Quốc khi Bắc Kinh đã được xem là đại diện hợp pháp duy nhất cho toàn Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế theo Nghị quyết 2758 của Liên Hợp Quốc.
Đài Loan nên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và nó trực thuộc thành phố Cao Hùng. Chỉ khi đó, Đài Loan mới có thể tiếp tục khiếu nại theo quy định của Luật Biển quốc tế và tránh sự chi phối của nguyên tắc "1 Trung Quốc".
Ngô Sỹ Tồn đã đến Đài Loan vào ngày Thứ Bảy tuần trước, dẫn đầu một đoàn đại biểu các nhà nghiên cứu tham dự một cuộc họp kín về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và ảnh hưởng của nó đối với an ninh khu vực cũng như quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan. Hội nghị được tổ chức bởi Đại học Chính trị quốc gia Đài Loan.