Trung Quốc gây áp lực với Singapore - 1 mũi tên nhằm 3 đích

06/12/2016 10:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhưng quan trọng nhất, cách đối phó với sự bắt nạt của Bắc Kinh là thái độ không lùi bước của Singapore. Đây là điều cực kỳ quan trọng.

Nhà nghiên cứu Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế Viện Lowy, Australia ngày 5/12 bình luận trên Nikkei Asian Review: vụ Trung Quốc bắt giữ 9 xe bọc thép Singapore khi quá cảnh Hồng Kông là một động thái Bắc Kinh nhằm "kiểm tra quyết tâm của khu vực".

Ngày 23/11, hải quan Hồng Kông tạm giữ 9 xe bọc thép Singapore cùng với 3 container chứa vũ khí và các thiết bị quân sự từ một con tàu viễn dương trên đường di chuyển từ Cao Hùng, Đài Loan về Singapore.

Trung Quốc nhân cơ hội này để phản đối quan hệ quân sự giữa Singaopore với Đài Loan vốn tồn tại từ thập niên 1970 đến nay, bất chấp việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1990.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Singapore đã nỗ lực làm giảm nhẹ ảnh hưởng của vụ việc, nhưng âm hưởng địa chính trị của nó lại rất rõ ràng. Nó mang dáng dấp của một hoạt động đã được Bắc Kinh lên kế hoạch từ trước, nhắm vào nhiều mục tiêu.

Tác động của sự kiện này vượt ra ngoài ranh giới những "cơn đau đầu" của các nhà chức trách Singapore trong việc làm thế nào lấy lại được 9 xe bọc thép cùng vũ khí, trang bị đang bị Trung Quốc bắt giữ.

Singapore cho hay, quốc đảo Sư tử có thể khởi động các tiến trình pháp lý để đòi lại tài sản của mình. Tuy nhiên Trung Quốc đã chỉ đạo các quan chức Hồng Kông bắt giư con tày này vì "thiếu giấy phép cần thiết để trung chuyển các mặt hàng chiến lược."

Trong khi cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ lời giải thích chính thức nào được đưa ra về việc bắt giữ lô hàng này.

Quan hệ Trung Quốc - Singapore ngày càng trở nên căng thẳng trong năm qua, khi quốc đảo Sư tử theo đuổi mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh với Hoa Kỳ, đồng thời tỏ rõ lập trường thượng tôn pháp luật quốc tế ở Biển Đông.

Nó xấu hơn nữa khi Singapore đưa vấn đề Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết ở Venezuela gần đây.

Thời báo Hoàn Cầu đã "khai hỏa" nhằm vào Singapore, dẫn đến một cuộc chiến truyền thông giữa hai nước.

Tịch thu lô hàng quân sự Singapore là 1 mũi tên trúng 3 đích

Thứ nhất, Bắc Kinh đang tìm cách cô lập hơn nữa Đài Loan nhằm cắt đứt quan hệ hợp tác quốc phòng Singapore - Đài Loan.

Trung Quốc muốn ngăn chặn các nước Đông Nam Á khác hưởng ứng chính sách hướng Nam của nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn.

Trung Quốc gây áp lực với Singapore - 1 mũi tên nhằm 3 đích ảnh 2

Học giả Macau: Trung Quốc giữ 9 xe bọc thép Singapore là trò tiểu xảo

(GDVN) - Tôi được biết, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Singapore đã vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên bởi hành động bắt giữ này.

Tiến sĩ Thái Anh Văn hy vọng, chính sách hướng Nam sẽ tạo thêm sinh lực cho không gian đối ngoại của Đài Loan trong bối cảnh đang bị Trung Hoa đại lục ngày càng xiết chặt.

Thứ hai, con tàu chở lô hàng quân sự Singapore quá cảnh Hạ Môn thì Trung Quốc không bắt, đợi nó sang Hồng Kông mới bắt để nhấn mạnh thông điệp rằng, Bắc Kinh mới là chủ thể phụ trách các vấn đề quốc phòng, an ninh tại Hồng Kông.

Thứ ba, việc bắt giữ các thiết bị quân sự này còn giúp Trung Quốc dễ dàng đánh cắp được nhiều thông tin tình báo quân sự, phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí của quốc gia này.

Nó không chỉ bao gồm phần cứng, mà còn phần mềm hệ thống chỉ huy, quản lý tác chiến cho phép các xe quân sự giao tiếp với bộ phận chỉ huy, các cảm biến và các bộ phận khác.

Australia có thể trở thành phương án thay thế Đài Loan

Sự cố này có thể thúc đẩy quốc đảo Sư tử phải lựa chọn phương án thay thế thuê thao trường Đài Loan để huấn luyện binh lính hàng năm, bằng cách củng cố sự hiện diện tại Australia.

Gần đây hai nước đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương, trong đó có kế hoạch hợp tác quân sự.

Trung Quốc liên tục mời chào Singapore sử dụng căn cứ quân sự của họ ở Hải Nam để diễn tập, và tất nhiên lần nào quốc đảo Sư tử cũng từ chối thẳng thừng.

Singapore phải đối mặt với những khó khăn, thậm chí "đau đớn" nhiều hơn nữa trước khi đòi được các thiết bị quân sự bị Trung Quốc bắt giữ.

Nhưng quan trọng nhất, cách đối phó với sự bắt nạt của Bắc Kinh là thái độ không lùi bước của Singapore. Đây là điều cực kỳ quan trọng để chống lại xu thế khu vực Đông Nam Á trượt về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Tài liệu tham khảo:

http://asia.nikkei.com/Viewpoints/Euan-Graham/China-pressures-Singapore-with-seizure-of-military-hardware

Hồng Thủy