Philstar ngày 11/4 đưa tin, sau khi truyền thông quốc tế đưa tin Bắc Kinh đã triển khai các thiết bị quân sự (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), một quan chức quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận thông tin này.
Ông Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc lại luận điệu sai trái rằng: quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, "là một phần lãnh thổ Trung Quốc".
"Đó là quyền tự nhiên của một quốc gia có chủ quyền để Trung Quốc điều động quân đội và triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết cho các đảo và đá liên quan ở quần đảo Trường Sa."
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường, ảnh: Philstar. |
Ông Nhậm Quốc Cường ngụy biện rằng, việc lắp đặt các thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo không phải chống lại bất kỳ quốc gia nào:
"Nó có lợi cho việc bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền và an ninh quốc gia, đảm bảo sự tự do và an ninh của các tuyến đường hàng hải ở Biển Đông, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực."
Đầu tuần này tờ The Wall Street Journal đưa tin, Trung Quốc đã cài đặt các thiết bị gây nhiễu, tác chiến điện tử mới trên đá Chữ Thập và bãi Vành Khăn.
Các thiết bị này có khả năng làm nhiễu hệ thống truyền thông và ra đa, thúc đẩy yêu sách lãnh thổ (bành trướng vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh với Biển Đông (mà họ nhảy vào) tranh chấp. [1]
Ngày 29/5/2015 The Wall Street Journal cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai cam kết không quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp (bất hợp pháp) trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập trường sai trái của Trung Quốc rằng họ có (cái gọi là) "chủ quyền" với các đảo ở Biển Đông "từ thời cổ đại". Ông Tập Cận Bình nói:
"Các hoạt động xây dựng liên quan mà Trung Quốc đang thực hiện trên các đảo ở Trường Sa không nhằm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa." [2]
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa các cấu trúc địa lý (Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp) ở Biển Đông khi thăm Mỹ năm 2015, ảnh: CNBC. |
Tuy nhiên, với tuyên bố của ông Nhậm Quốc Cường cũng như những gì Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ đó đến nay đã chứng minh cho dư luận thấy, đừng nghe những gì Trung Quốc nói, hãy xem những gì họ làm.
Phát biểu của ông Nhậm Quốc Cường chỉ cho thấy sự giả dối và tính hai mặt trong các cam kết của Trung Quốc đối với việc bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Trong một động thái khác có liên quan, Philippines Daily Inquirer ngày 11/4 đưa tin, tàu chiến Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đã hiện diện trên các cảng chiến lược của Philippines ở Biển Đông tuần này, giữa lúc căng thẳng đang leo thang.
Cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Manila hôm thứ Tư 11/4 sau khi cơ động qua "vùng biển tranh chấp" trên Biển Đông từ Singapore.
USS Theodore Roosevelt và các chiến hạm hộ tống sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động theo kế hoạch thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương sau khi rời khỏi Manila.
Cụm tàu sân bay này sẽ tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm việc "giải quyết mối quan ngại về an ninh hàng hải, chia sẻ và xây dựng mối quan hệ hợp tác hải quân với đối tác, đồng minh".
Trong khi đó tàu hải quân Anzac (FFH150) và tàu hậu cần Success (OR304) của Hoàng gia Australia sẽ cập cảng Subic ngày hôm nay 12/4 trong chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày.
Tàu tuần dương JS Akizuki (DD-15) cùng với trực thăng tuần tra SH-60J của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản sẽ cập bến Alava vào ngày mai 13/4 và sẽ ở lại Philippines cho đến thứ Hai tuần tới. [3]
Chiến đấu cơ F/A-18E cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông, ảnh: Philippines Daily Inquirer. |
Nikkei Asia Review ngày 12/4 cho biết, Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường hợp tác với các đồng minh nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Mặc dù cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã thống trị các cuộc tranh luận về an ninh Đông Bắc Á suốt những năm qua, nhưng Tokyo không thể không bị phân tâm trước thách thức lâu dài và lớn hơn rất nhiều.
Đó chính là việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, họ ngày càng hung hăng do chính sách đối ngoại hiếu chiến và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tác giả bài viết trên Nikkei Asia Review nhấn mạnh.
Nhật Bản sẽ đối phó như thế nào với các thách thức an ninh nói trên?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược dài hạn về vai trò của Lực lượng Phòng vệ, sự hợp tác với Mỹ và nguồn tài chính phù hợp, sự xác định các lĩnh vực cần duy trì.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề này và chuẩn bị Hướng dẫn chương trình quốc phòng sửa đổi cũng như một chương trình quốc phòng mới, dự kiến sẽ công bố vào cuối năm nay.
Chiến lược này có thể bao gồm việc mua máy bay F-35B của Hoa Kỳ, từ 20 đến 40 chiếc. Chúng có thể được sử dụng để đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhật Bản cũng có thể mua thêm các máy bay giám sát không người lái bổ sung cho lực lượng RQ-4 Golbal Hawk dự kiến sẽ được bàn giao và vận hành trong năm nay.
Mỹ sẵn sàng dùng quân sự buộc Trung Quốc tuân thủ luật chơi? |
Ngoài ra, Tokyo đã thành lập Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh đầu tiên ở Nagasaki.
Một yếu tố quan trọng nữa là tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong khu vực theo khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Tokyo đã nỗ lực đa phương hóa mối quan tâm về tham vọng hàng hải của Trung Quốc, phục hồi các nỗ lực đối thoại về tứ giác kim cương.
Nội các Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy việc tăng chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng Nhật Bản là 46 tỉ USD, chỉ chiếm khoảng 1% GDP.
Con số này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, ước tính khoảng 152 tỉ USD năm ngoái và sẽ tăng thêm 8% trong năm 2018.
Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản mong muốn tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
J. Berkshire Miller, tác giả bài viết và là thành viên cấp cao từ Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản tại Tokyo, cho biết các cuộc thăm dò cho thấy dư luận Nhật Bản vẫn hoài nghi về tăng chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên theo ông, việc bảo vệ công dân là trách nhiệm đầu tiên của bất kỳ quốc gia nào, ngay cả đất nước thận trọng với hoạt động quân sự như Nhật Bản. Tokyo cần phản ứng khẩn cấp với mối đe dọa từ Trung Quốc. [4]
Nguồn:
[4]https://asia.nikkei.com/Opinion/Japan-must-respond-to-China-s-growing-naval-power2