Nikkei Asian Review ngày 11/12 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi một hành động cân bằng tinh tế trong ngoại giao với Nhật Bản.
Trong khi tiếp tục cảnh báo Thủ tướng Shinzo Abe về những gì ông Bình gọi là "vấn đề nhạy cảm" giữa hai nước, ông Bình giờ đây đang cố gắng thu hút sự chú ý của nước láng giềng Đông Bắc Á vì lo sợ Trung Quốc bị cô lập quốc tế bởi các hành vi leo thang của mình ở Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc, ảnh: SCMP. |
Ngày 30/11 ông Tập Cận Bình đã có cuộc tiếp xúc song phương lần thứ 3 với Thủ tướng Shinzo Abe bên lề hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris. Hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau khoảng 4 phút mà không cần tổ chức hội đàm chính thức, trong thời gian đó ông Tập Cận Bình đã cố gắng làm ấm mối quan hệ với ông Shinzo Abe và thu hút sự chú ý của Nhật Bản.
Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Nhật: Cần chú ý rằng hai nước có "lợi ích chung". "Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục làm sâu sắc thêm bầu không khí thuận lợi, và cuối cùng tôi hy vọng sẽ cùng nhìn thấy các vấn đề nhạy cảm được giải quyết một cách đúng đắn và quan hệ Trung - Nhật có hy vọng".
Chủ tịch nước Trung Quốc cũng nói với Thủ tướng Nhật rằng, ông Abe có thể nhìn thấy "dấu hiệu" quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản đang thay đổi. Trung Quốc đã đơn phương cắt đứt các chuyến thăm ngoại giao với Nhật Bản vào cuối năm 2012 khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku ở Hoa Đông.
Các cử chỉ làm thân với Nhật Bản
Tháng 10 năm ngoái, 2 nước bắt đầu hàn gắn lại quan hệ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh. Giữa tháng 10 năm nay, Bắc Kinh lại phái ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại sang Nhật Bản. Trong tháng 11, Tăng Bồi Viêm, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc dẫn theo 50 lãnh đạo các công ty lớn của Trung Quốc sang thăm Nhật Bản.
Một thời gian ngắn trước đó, Trung Quốc cử một phái đoàn xúc tiến du lịch đến Nhật Bản thay vì Hoa Kỳ và châu Âu như kế hoạch ban đầu. Trung Quốc đã thay đổi quyết liệt thái độ của họ đối với du khách Nhật Bản. Họ đang trải thảm đỏ để đón những du khách Nhật mang đến cho họ nhiều giá trị.
Đầu tháng 10, Chủ tịch Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản Sadayuki Sakakibara đã đưa lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật sang thăm Trung Quốc và có cuộc hội kiến với ông Lý Khắc Cường. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua một số lãnh đạo nghiệp đoàn Nhật Bản được Thủ tướng Trung Quốc tiếp.
Cũng trong tháng 11, Thống đốc tỉnh Nagasaki, Hodo Nakamura thăm Bắc Kinh và Thượng Hải theo lời mời của phía Trung Quốc. Ông đã hội đàm với Lưu Diên Đông, một Phó Thủ tướng. Điều này là khá bất thường, ít nhất là dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khi cho một Phó Thủ tướng hội đàm với một Thống đốc tỉnh của Nhật Bản.
Đầu tháng này, Sadakazu Tanigaki, Tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ cầm quyền ở Nhật Bản và các chính trị gia khác đến thăm Trung Quốc để hội đàm với các quan chức cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc. Các cuộc đàm phán đánh dấu sự trở lại của hoạt động tham vấn thường xuyên giữa đảng cầm quyền 2 nước lần đầu tiên suốt 6 năm qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất, tích cực nhất trong việc tố cáo các hành vi Trung Quốc leo thang, vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ảnh: EPA. |
Sự thay đổi đột ngột trong thái độ của Trung Quốc đối với Nhật Bản được thực hiện theo chỉ thị của Tập Cận Bình. Một nhân tố khác thúc đẩy điều này là hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình - Obama đã thất bại vì Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo (phi pháp) ở Biển Đông.
Lo sợ hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo có thể khiến Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, Tập Cận Bình đã bắt đầu có động thái thay đổi để sửa chữa mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có cả Bắc Triều Tiên. Việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản rất quan trọng, vì Nhật không chỉ là đồng minh của Mỹ mà còn có ảnh hưởng với các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc ít bạn bè
Nikkei Asian Review dẫn lời một quan chức cấp cao Trung Quốc nói rằng: "Trung Quốc không có nhiều bạn bè thật sự. Nhiều nước chỉ đến với Trung Quốc vì tiền bạc" (?!). Để sửa chữa điều này, Tập Cận Bình đã quay sang tham vấn Trịnh Tất Kiên, một trí thức 83 tuổi, thư ký của cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang.
Ông Hồ Diệu Bang bị thanh trừng năm 1987 vì cách xử lý mềm mỏng của ông đối với các cuộc biểu tình sinh viên nổ ra khắp Trung Quốc thời điểm đó. Thuật ngữ "lợi ích chung" mà ông Tập Cận Bình nói với ông Shinzo Abe trong 4 phút trao đổi bên lề hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris phù hợp với khái niệm "lợi ích cộng đồng" mà ông Kiên đề xuất.
Trịnh Tất Kiên được xem như một "quân sư" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong các vấn đề quan hệ hợp tác quốc tế. Một bài viết của ông đã được xuất bản trên tờ Nhân Dân nhật báo giữa tháng 11, một dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Tập Cận Bình chứng thực vai trò của Trịnh Tất Kiên.
Thời ông Hồ Cẩm Đào, Trịnh Tất Kiên là Phó Giám đốc Trường Đảng trung ương. Trong nửa đầu thập niên 2000, Trịnh Tất Kiên đã khiến dư luận quốc tế chú ý khi ủng hộ chính sách "trối dậy hòa bình". Nhưng Trung Quốc đã ngừng sử dụng thuật ngữ này vì phe quân sự từ thời Giang Trạch Dân vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ.
Tương tự như vậy, một đề xuất công khai cải thiện quan hệ Trung - Nhật được coi là "tư duy mới" ở Trung Quốc cũng không thành công. Trịnh Tất Biên hiện nay là Chủ tịch Viện Chiến lược Đổi mới và phát triển Trung Quốc, thành lập năm 2010.
Nikkei Asian Review bình luận, chính vì việc từ bỏ chính sách giấu mình chờ thời và leo thang trên Biển Đông, Trung Quốc đã làm cho quan hệ nước này với Hoa Kỳ và một số nước láng giềng châu Á trở nên căng thẳng. Nhất là những phản ứng gay gắt việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Trường Sa khiến ông Tập Cận Bình phải đổi chiến thuật.
Tuy nhiên rõ ràng Tập Cận Bình vẫn cảnh giác với ông Shinzo Abe, người tố cáo mạnh mẽ nhất các hoạt động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Bởi vậy những cử chỉ mang tính thiện chí nêu trên có phải sự thay đổi thực sự lập trường, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc hay chỉ là chiến thuật nhất thời còn phải xem những hành động tiếp theo của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông.