Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ phát biểu tại một hội thảo về quan hệ Trung - Mỹ thời kỳ mới. |
The Economist ngày 1/5 đưa tin, Trung Quốc đang cố tăng cường sức mạnh quân sự của mình trong một cuộc tranh chấp nguy hiểm ở Biển Đông. Tháng 11 năm ngoái sau một thời gian xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) rầm rộ ở Biển Đông nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của nó, Trung Quốc đã cố gắng tiếp cận một cách tinh vi hơn.
Bắc Kinh đã lập ra một trung tâm nghiên cứu ở Arlington bang Virginia, Hoa Kỳ làm "tiền đồn" cho Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) đặt trụ sở trên đảo Hải Nam. Vai trò của tổ chức tuyên truyền hải ngoại này là tìm kiếm hậu thuẫn cho sự khẳng định một cách mơ hồ của Trung Quốc rằng gần như toàn bộ Biển Đông "thuộc về" họ.
Ngày 16/4 vừa qua Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ đặt trụ sở tại Virginia đã tổ chức cuộc hội thảo tại một khách sạn ở Washington. Dấu hiệu chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau đã quá lộ liễu. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và được nhiều lãnh đạo Trung Quốc tôn kính đã nói trong một video được ghi hình trước đó và phát tại hội thảo về tầm quan trọng của quan hệ Trung - Mỹ.
Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ nói với các học giả rằng Bắc Kinh sẽ hành động với (cái gọi là) sự kiềm chế ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng tuyên bố sẽ "bảo vệ mạnh mẽ (cái gọi là) lợi ích" của họ ở đó. Những nỗ lực của Trung Quốc để tạo ra một cái bóng học thuật cho tuyên bố của mình bao gồm đường lưỡi bò không có khả năng thuyết phục nhiều người Mỹ hay Đông Nam Á.
Trong khi đó Bắc Kinh đã "bạo tay" xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá và rặng san hô ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã gây ra báo động rộng rãi với các bên tranh chấp khác. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 28/4 đã ra tuyên bố chung mạnh mẽ khác thường khi lần đầu tiên nói rằng hành vi xây dựng của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Tại Washington khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Obama cũng tỏ ra quan ngại trước hoạt động "khai hoang" của Trung Quốc ở Biển Đông và phô diễn "cơ bắp quân sự". Các bên yêu sách ở Biển Đông đều củng cố lực lượng đồn trú của mình, nhưng không bên nào có tốc độ và quy mô xây dựng lớn như Trung Quốc. Hiện có 3 sân bay Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp) ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp trên đá Tư Nghĩa được CSIS chụp lại trong tháng 11/2014. |
Hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông khá mâu thuẫn với xu hướng đối ngoại của Bắc Kinh. Xu hướng này bao gồm nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nhật Bản từ cuối năm ngoái, chào đón nồng nhiệt Thủ tướng Ấn Độ thăm Bắc Kinh tháng tới. Trung Quốc đều tranh chấp lãnh thổ với cả 2 quốc gia này - PV. Trong vấn đề Biển Đông thì truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục kích động chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) trực tuyến.
Cơ quan tuyên truyền Bắc Kinh mới lập ở Virginia là một phần nỗ lực để làm tăng sức thuyết phục cho yêu sách (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở nước ngoài. Tháng 9 năm ngoái, Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc đại học Nam Kinh, Trung Quốc đã hợp tác với nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên theo các đề tài tìm kiếm tài liệu hỗ trợ cho tuyên bố "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thẩm Định Lực, một học giả đại học Phúc Đán tham dự hội nghị gần đây ở Washington nói rằng chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đầu tư nghiên cứu liên quan đến Biển Đông. Ông Lực cho biết, mục đích của hoạt động này là Trung Quốc muốn "kể câu chuyện Biển Đông một cách hiệu quả hơn, để giúp người nghe nghe Trung Quốc".
The Economist bình luận, đây là điều không hề dễ dàng. Một thách thức với ngay các học giả Trung Quốc phải đối mặt chính làn hững hành vi bí mật của lực lượng vũ trang nước này, ngay cả các nhà lãnh đạo dân sự không phải lúc nào cũng nhận thức được những gì họ đang làm. Chỉ nhờ vào những bức ảnh chụp bằng vệ tinh gần đây nên hoạt động xây dựng (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông mới được lôi ra ánh sáng.
Hong Nong, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu ở Virginia thừa nhận rằng chính bà cũng cảm thấy "ngạc nhiên" bởi bức ảnh gần đây cho thấy tốc độ xây dựng quá nhanh của Trung Quốc ở Trường Sa. Bà nói rằng mình hiểu mối quan ngại của các nước láng giềng, và Trung Quốc nên "trấn an" họ bằng cách giải thích nhiều hơn và minh bạch nhiều hơn?!
Có một thông điệp lớn mà Trung Quốc đang cố gắng truyền đạt. Theo giáo sư Carl Thayer từ Úc thì bắc Kinh đang thông qua sức mạnh mềm và các phương tiện khác để thuyết phục các nước láng giềng dần dần chấp nhận vai trò chi phối của Trung Quốc trong trật tự Đông Á. Thẩm Định Lực cơ bản thừa nhận điều này, theo ông Bắc Kinh muốn "tất cả các bên đều thắng, nhưng Trung Quốc thắng nhiều hơn".