Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, Trung Quốc càng tìm nhiều cách loay hoay đối phó.
Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lặp lại tuyên bố nước này không chấp nhận vai trò và phán quyết của PCA, không tham gia vụ kiện, đòi Philippines rút đơn và quay vào bàn đàm phán song phương (tất nhiên với nguyên tắc đầu tiên phải thừa nhận, chủ quyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc, sau đó đàm phán gì thì đàm phán!).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chủ trì buổi họp báo ngày 8/6 ra bản tuyên bố thứ 3 về vụ kiện, ảnh: SCMP. |
South China Morning Post ngày 9/6 lưu ý, đây là lần thứ 3 Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức ra một tuyên bố về vụ kiện này kể từ khi Philippines chính thức đệ đơn tháng Giêng năm 2013.
Tuyên bố thứ nhất của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra là tháng 12/2014, gần 2 năm sau khi vụ kiện bắt đầu, với lập luận "cơ sở pháp lý" để Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của PCA.
Tháng Mười năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ra tuyên bố công kích Philippines sau khi PCA ra phán quyết đầu tiên về thẩm quyền thụ lý vụ án. Trong đó Tòa quyết định sẽ thụ lý và ra phán quyết 7/15 nội dung Philippines khởi kiện. Các nội dung còn lại Tòa có thẩm quyền hay không sẽ được xem xét tiếp trong quá trình xét xử.
Mặc dù Bắc Kinh khăng khăng không tham gia, không chấp nhận phán quyết của PCA, nhưng theo Điều 288 UNCLOS, chỉ cơ quan tài phán mới có quyền quyết định mình có thẩm quyền thụ lý, xét xử một vụ tranh chấp hay không.
Điều 296 UNCLOS quy định, bất kỳ phán quyết nào do cơ quan tài phán có thẩm quyền đưa ra đều là quyết định cuối cùng và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ.
Chính tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần thứ nhất tháng 12/2014 đã đưa ra một số "căn cứ pháp lý" để Bắc Kinh bác bỏ vai trò, thẩm quyền và phán quyết của PCA vô hình chung lại cung cấp cho Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán mà PCA thành lập thụ lý vụ kiện các lập luận pháp lý của Trung Quốc về nội dung vụ kiện.
Nói cách khác là gậy ông đập lưng ông.
Nay bộ máy ngoại giao và tuyên truyền Trung Quốc dường như đang hoạt động hết công suất chỉ với một luận điệu duy nhất: Không tham gia! Không chấp nhận! PCA không có quyền phán quyết tranh chấp lãnh thổ! Phillippines phải quay về đàm phán song phương!...Tất nhiên lập luận, lý lẽ của Trung Quốc chẳng có gì mới.
Áp lực không khuất phục, mưu mô không lừa nổi Philippines
Trong tuyên bố ngày hôm qua, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Philippines vì khởi kiện, yêu cầu Manila rút đơn, một mặt tuyên bổ "để ngỏ cánh cửa đàm phán song phương" chờ tân Tổng thống Rodrigo Duterte "quay đầu trở lại".
Hai tuần trước ông Tập Cận Bình gửi điện mừng ông Duterte đắc cử Tổng thống với hy vọng quan hệ hai nước có thể "quay trở lại con đường đúng đắn".
Giáo sư Trương Minh Lượng, Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: walmtus.fwangyamei.cn. |
Tuy nhiên Giáo sư Trương Minh Lượng, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu nhận định, có rất ít cơ hội chính phủ Duterte từ bỏ vụ kiện và phán quyết của PCA.
"Philippines không thể thách thức Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng họ có thể theo đuổi thế thượng phong về mặt đạo đức và pháp lý", Giáo sư Lượng lưu ý. Ông cho rằng, nhiều khả năng phán quyết của PCA sẽ nghiêng về phía Philippines.
Xie Yanmei, một nhà phân tích từ Trung tâm Phân tích khủng hoảng quốc tế Trung Quốc nhận định, thực ra Bắc Kinh chỉ đặt hy vọng ông Duterte sẽ không sử dụng phán quyết của PCA mà có khả năng nghiêng về Philippines, để chỉ trích Trung Quốc.
"Trung Quốc muốn ép Philippines hạ thấp vai trò phán quyết của PCA trong tương lai. Điểm mấu chốt còn lại là đối phó với các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, làm sao để các nước này không can thiệp", nhà nghiên cứu Xie Yanmei bình luận.
Khiêu khích với Nhật - Mỹ, kéo Nga vào cuộc nhằm pha loãng áp lực quốc tế trước phán quyết của PCA
Bloomberg ngày 9/6 cho biết, sau động thái cho máy bay quân sự tạt đầu nguy hiểm máy bay trinh sát Hoa Kỳ trên biển Hoa Đông, 2 giờ sáng hôm nay 9/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu kiến Đại sứ Trung Quốc tại nước này Trình Vĩnh Hoa.
Ông Hoa bị triệu kiến đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản để nghe phản đối vì một tàu khu trục mang tên lửa Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải nhóm đảo Senkaku, một động thái chưa từng có tiền lệ.
"Đây là một hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. Tôi lo ngại nghiêm trọng về vụ việc", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói với các phóng viên. Ông Hoa nói không chấp nhận phản đối này, nhưng sẽ báo cáo phản ứng của Tokyo về Trung Nam Hải.
Ngày hôm trước 3 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã tiến vào lãnh hải nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS, củng cố vị thế ở Biển Đông |
Những động thái này diễn ra ngay trước thềm phán quyết của PCA, trong đó Hoa Kỳ và Nhật Bản đang là hai nước ủng hộ mạnh mẽ nhất phán quyết của Tòa và vận động các nước khác, bao gồm G-7 tỏ rõ lập trường bảo vệ UNCLOS, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông. Anh và Pháp đã lên tiếng ủng hộ.
Thiếu tướng Nhật Bản về hưu, Giáo sư danh dự Đại học Takushoku ở Tokyo, Ikuo Kayahara cho biết, 3 tàu hải quân Nga đã di chuyển qua khu vực gần Senkaku cùng lúc tàu quân sự Trung Quốc xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải.
Theo Nikkei Asian Review, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản đã phản ánh mối lo ngại với Điện Kremlin thông qua một kênh ngoại giao vì sự có mặt của 3 tàu quân sự Nga gần Senkaku lúc tàu Trung Quốc xâm nhập.
Phán quyết của PCA đã cận kề
Theo cá nhân người viết, những động thái lu loa về mặt ngoại giao - tuyên truyền tăng hết công suất gần đây, cùng với các hành vi leo thang nguy hiểm, phiêu lưu, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông những ngày qua cho thấy, rất có thể PCA sắp ra phán quyết mà Bắc Kinh tin là bất lợi cho họ, nhất là đường lưỡi bò.
Trung Quốc càng vật vã chống đối, chống trả quyết liệt phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chỉ càng chứng tỏ trước dư luận quốc tế rằng, họ là một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vô trách nhiệm, ăn trên ngồi trốc luật pháp quốc tế, chà đạp UNCLOS, sẵn sàng dùng nắm đấm với bất kỳ ai Bắc Kinh không hài lòng.
Thói hành xử luật rừng ấy cần được ngăn chặn. Điều đó chỉ càng củng cố quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông là bảo vệ hòa bình, ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên trên Biển Đông trong vụ kiện này.
Khi PCA ra phán quyết, cần có tiếng nói mạnh mẽ từ các bên liên quan để bảo vệ phán quyết của Tòa.
Có lẽ phán quyết của PCA sẽ sớm được đưa ra, thậm chí chỉ trong nay mai. Nhưng cá nhân người viết cho rằng, đây chỉ là nhát cuốc pháp lý đầu tiên bổ vào tham vọng bành trướng, biến Biển Đông thành ao nhà mà các nhà cầm quyền Bắc Kinh đang theo đuổi.
Đấu tranh với Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, tác động ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng tăng quả thực không phải chuyện dễ dàng.
Nhưng phán quyết của PCA có thể làm nên một chất keo gắn kết các bên để buộc Bắc Kinh phải quay trở lại với nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Nếu họ tiếp tục càn quấy, bất chấp tất cả thì đó chính là hành vi tự cô lập, tự tẩy chay khỏi đời sống quốc tế và nhân loại văn minh.