Tờ Financial Review của Úc ngày 14/4 đưa tin, Trung Quốc đã ra đòn phủ đầu cảnh báo ông Malcolm Turnbull ngay khi ông bắt đầu chuyến thăm chính thức lần đầu tiên đến Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng Úc. Bắc Kinh đe dọa, lợi ích kinh tế của Úc sẽ bị tổn hại nếu có những phát biểu hay động thái "làm tổn hại đến vị thế của Bắc Kinh trên Biển Đông".
Thông điệp vuốt mặt không nể mũi ấy được xuất bản trên tờ China Daily đúng ngày hôm nay khi ông Turnbull đặt chân đến Thượng Hải, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Thủ tướng Úc dẫn theo một phái đoàn hùng hậu hơn 1000 doanh nhân sang Trung Quốc, tìm kiếm cơ hội làm ăn sau khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Úc (FTA) có hiệu lực.
Thủ tướng Malcolm Turnbull tại Thượng Hải, ảnh: Andrew Meares / Financial Review. |
China Daily được xem như một cơ quan phát ngôn chính thức của Bắc Kinh hôm nay có bài xã luận cảnh báo Thủ tướng Úc: Hãy cẩn thận và kỹ lưỡng trong lập trường của Canberra trong vấn đề Biển Đông.
Tờ báo này nhắc lại rằng, ông Turnbull đã bình luận hành vi quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành có thể phản tác dụng. Bình luận được đưa ra ngay trước thời điểm chuyến thăm và chỉ 4 tháng sau khi FTA có hiệu lực.
Thủ tướng Úc dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh tối nay, và hội kiến ông Tập Cận Bình trong ngày mai.
China Daily dẫn lời Hàn Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nói, Úc nên đặt lợi ích kinh tế với Trung Quốc lên trên. Ông Phong cho rằng, chuyến thăm sẽ là một thử thách với sự "khôn ngoan chính trị" của nhà lãnh đạo Úc.
Không chỉ gây áp lực cho Thủ tướng Úc bằng báo chí nhà nước, Bắc Kinh còn sử dụng một nhóm người Trung Quốc tại Sydney biểu tình gây sức ép với nước sở tại về lập trường của Úc trên Biển Đông.
Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông |
The Sydney Morning Herald ngày 13/4 cho biết, ngay trước khi ông Malcolm Turnbull rời Úc đi thăm Trung Quốc, khoảng 60 "nhà lãnh đạo cộng đồng Hoa kiều tại Úc" đã tập trung tại Sydney biểu tình, đòi ông Thủ tướng phải xem lại lời nói của mình khi phát biểu về Biển Đông.
Cuộc biểu tình này do Hiệp hội Người Trung Quốc ở nước ngoài kết hợp với Ủy ban Hành động cho hòa bình và công lý Úc tổ chức.
Li Bin, một người Trung Quốc tại Úc tuyên bố: "Giới tinh hoa chính trị của Úc nên có sự hiểu biết rõ ràng. Họ phải cẩn thận khi phát ngôn và hành động trước vấn đề nhạy cảm trên Biển Đông, không được phát đi tín hiệu phi lý hoặc sai trái đến cộng đồng quốc tế"?!
Những cáo buộc của nhóm người này là lặp lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Hoa Kỳ mới là "thủ phạm" quân sự hóa Biển Đông, còn Trung Quốc (leo thang quân sự hóa, kéo súng ống, máy bay, tên lửa ra Biển Đông) thì là "trỗi dậy hòa bình".
The Sydney Morning Herald nhận định, những nhóm người Trung Quốc tại Úc đang được chính phủ Trung Quốc ngầm hỗ trợ để tìm kiếm, nâng cao ảnh hưởng chính trị ở quốc gia sở tại.
Những nhóm này có liên hệ chặt chẽ với đại sứ quán Trung Quốc và một số tổ chức đặt dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh như các phong trào chống độc lập ở Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan.
Nhóm này nắm dưới sự điều phối của Hoang Xiangmo, một nhà tài trợ cho cả hai đảng chính trị lớn ở Úc, đồng thời cũng là nhà tài trợ và sáng lập Viện Quan hệ Trung - Úc tại Đại học Công nghệ Sydney.
Biển Đông: Trung Quốc đã phá thế "ba không", Mỹ cần có chiến lược mới |
Feng Chongyi, một giáo sư nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, có những nhóm người Trung Quốc tương tự ở cả Mỹ, châu Âu có liên kết mạnh mẽ với chính phủ Trung Quốc. Họ thường tập trung biểu tình chống lại hoạt động của các nhóm người Hoa khác như Pháp Luân Công, ủng hộ độc lập cho Tây Tạng, Tân Cương hay Đài Loan.
Nhóm người này liên tục tiếp cận những người Trung Quốc trẻ tuổi tại Úc thông qua các phương tiện truyền thông xã hội do Trung Quốc kiểm soát với nhiều hình thức nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi học sinh sinh viên.
Để tìm kiếm ảnh hưởng nhiều hơn ở nước ngoài trong các vấn đề Trung Quốc xác định là "lợi ích chiến lược, cốt lõi", Bắc Kinh đã sẵn sàng chấp nhận đầu tư vào các tài sản nhà nước của Úc.
Tuy nhiên lực lượng người Trung Quốc trẻ tuổi sinh sống học tập tại Úc nhưng làm việc cho chính phủ Trung Quốc lại đang tạo ra mâu thuẫn với chính những người Trung Quốc di cư đến Úc từ những năm 1980, 1990, đặc biệt là sau sự kiện Thiên An Môn.