Trung Quốc sẽ leo thang sau khi Mỹ đưa tàu sân bay đến Biển Đông

05/03/2016 08:12
Đông Bình
(GDVN) - Đây là đợt tập kết lực lượng quân sự có quy mô nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây, rõ ràng đang cổ vũ cho các đồng minh và đối tác.

Phát đi tín hiệu rõ ràng

Defense News ngày 4/3 cho biết, ngày 1/3/2016, cụm tàu sân bay USS John C. Stennis của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đã đến “vùng biển tranh chấp” Biển Đông. Đây là một đợt khẳng định sức mạnh mới nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông căng thẳng, sẽ phát đi “tín hiệu rõ ràng” cho Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

Cụm tàu sân bay USS John C Stennis, Hải quân Mỹ
Cụm tàu sân bay USS John C Stennis, Hải quân Mỹ

Cụm tàu sân bay này gồm tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis, 2 tàu tuần dương gồm USS Antietam và USS Mobile Bay, 2 tàu khu trục gồm USS Chung-Hoon và USS Stockdale cùng với tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge của Hạm đội 7.

Cụm tàu sân bay USS John C. Stennis sẽ thực hiện nhiệm vụ ở Tây Thái Bình Dương trong vòng 1 tuần. Nó sẽ còn đến khu vực lân cận bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc vin cớ hành động trên, thông qua phát ngôn viên ngoại giao chỉ  trích Mỹ là nước “quân sự hóa” Biển Đông, chứ không phải Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4/3 cho rằng, đây là đợt tập kết lực lượng quân sự có quy mô nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây, rõ ràng đang cổ vũ cho các đồng minh và đối tác của Mỹ, gây sức ép cho Trung Quốc.

Đây cũng là phản ứng mới nhất của Mỹ đối với tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đông hiện nay. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông để áp đặt yêu sách quá mức.

Mỹ đã lên án mạnh mẽ các hoạt động quân sự hóa do Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, cả ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm xây dựng 3 đường băng sân bay, triển khai máy bay chiến đấu J-11B, JH-7, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, radar cao tần…

Cụm tàu sân bay USS John C Stennis, Hải quân Mỹ
Cụm tàu sân bay USS John C Stennis, Hải quân Mỹ

Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể tiến hành quân sự hóa Biển Đông, các hành động cụ thể phải dẫn tới các hậu quả cụ thể”.

Về hậu quả cụ thể, ông Ashton B. Carter cho hay, Quân đội Mỹ đã tăng cường triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ có kế hoạch cấp 425 triệu USD để tăng cường huấn luyện với các nước trong khu vực, chi 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2017 để mở rộng hạm đội tàu ngầm và máy bay không người lái dưới nước.

Ngăn chặn Trung Quốc lập ADIZ

Trở lại với việc Mỹ điều cụm tàu sân bay đến Biển Đông lần này, theo Thời báo Hoàn Cầu, một trong những mục đích của Mỹ là để răn đe, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Báo cáo “Tiến triển mới nhất Vùng nhận dạng phòng không” của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung trực thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố trước (bất hợp pháp) vùng nhận dạng phòng không ở vùng trời quần đảo Hoàng Sa, sau đó mở rộng tới vùng trời quần đảo Trường Sa (nơi Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp 3 đường băng sân bay).

Việc lập ra vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ kèm theo là các hành động như triển khai radar để dò tìm, theo dõi máy bay của các nước, điều máy bay áp sát để tiến hành cảnh cáo.

Động thái này sẽ tạo cớ cho nước lập ra ADIZ tiếp tục quân sự hóa mạnh mẽ Biển Đông thông qua triển khai lực lượng phòng không và xây dựng các công trình hạ tầng tương ứng như trạm radar, sở chỉ huy, máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không và sân bay.

Máy bay chiến đấu trên đường băng tàu sân bay USS John C. Stennis, Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu trên đường băng tàu sân bay USS John C. Stennis, Hải quân Mỹ

Việc Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11 và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) báo hiệu khả năng nước này có thể lập ra bất hợp pháp vùng nhận dạng phòng không ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Mỹ điều động cụm tàu sân bay đến tuần tra Biển Đông thể hiện thực lực rõ ràng xuất phát từ việc Trung Quốc đang đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông nêu trên, răn đe các hành động của Quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.

Jerry Hendrix đến từ Trung tâm an ninh Mỹ mới cho rằng, Hải quân Mỹ đang thể hiện khả năng điều động lực lượng trong phạm vi lợi ích của mình và trên toàn thế giới.

Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu ở 3 sân bay đã và đang xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tranh quyền kiểm soát trên không ở khu vực này với Quân đội Mỹ.

Nếu Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu ở đây sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát thêm 400 km, có đủ thời gian để đối đầu với máy bay trên tàu sân bay Mỹ, yểm trợ cho hành động của các lực lượng khác.

Bài báo cho rằng, Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông đã “nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tăng cường phòng thủ" quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ

Trung Quốc sẽ tiếp tục “quân sự hóa Biển Đông”

Theo Thời báo Hoàn Cầu, cụm tấn công tàu sân bay USS John C Stennis đến Biển Đông lần này đã thể hiện rõ khả năng răn đe của nó, đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông đã mang đậm màu sắc quân sự hơn.

Tàu sân bay là biểu tượng thống trị trên biển của Mỹ, có khả năng gây ảnh hưởng tâm lý rõ rệt. Nhưng trong quan hệ giữa các nước lớn, giá trị quân sự thực sự của nó đang bị suy giảm, nó có ý nghĩa biểu tượng chính trị lớn hơn.

Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông phần lớn là để thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, cho thấy họ muốn chống lại chính sách Biển Đông (yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp) của Trung Quốc, chứ không phải đạt được mục đích quân sự cụ thể nào – Thời báo Hoàn Cầu nhận định.

Bài báo cho rằng, tàu sân bay USS John C. Stennis đến Biển Đông có tác dụng cổ vũ đồng minh lớn hơn là gây sức ép cho Trung Quốc.

Bài báo quay lại nêu tên một loại tên lửa chống hạm mà Trung Quốc từ lâu khoe khoang và thường gọi nó là “sát thủ tàu sân bay”, đó là tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D.

Theo đó, bài viết khẳng định rằng, trong đối đầu quân sự thực tế giữa các nước lớn, tàu sân bay không còn đóng vai trò chủ đạo nữa, mà sẽ đóng “vai trò nhỏ”, thậm chí có thể trở thành “bia ngắm” trên biển.

Các nước lớn phát triển tàu sân bay xuất phát từ nhu cầu tổng hợp về quân sự, chính trị. Nó phát huy vai trò như thế nào và bị đe dọa ra sao tùy thuộc vào khả năng xác định đúng thời gian và địa điểm hoạt động của nó.

Bài viết cho rằng, đối đầu Trung-Mỹ sẽ mang tính lâu dài và nghiêm trọng, kêu gọi Trung Quốc cần không ngừng tăng cường sức mạnh, từng bước điều chỉnh lại nền tảng của đối thoại giữa Trung-Mỹ.

Mỹ đang thách thức (yêu sách vô lý, phi pháp của) Trung Quốc ở Biển Đông, muốn áp chế vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc, đối đầu giữa hai bên sẽ không thể tránh khỏi – bài báo nhận định.

Tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu tuần dương USS Antietam, Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu tuần dương USS Antietam, Hải quân Mỹ

Điều đáng lưu ý là theo bài báo, tàu sân bay USS John C. Stennis đến tuần tra Biển Đông đã đem lại cho Trung Quốc một cái cớ rõ ràng, đó là triển khai (bất hợp pháp) nhiều hệ thống vũ khí hơn ở các đảo đá trên Biển Đông. Do đó, Trung Quốc tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông sẽ “không quá đáng”.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc không chỉ sẽ ngăn chặn các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, mà còn tiếp tục tăng cường khả năng ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự ở Biển Đông, từng bước làm giảm vai trò ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở Biển Đông. 

Đông Bình