Trung Quốc tán thưởng và cảm ơn ông Hun Sen, quyết không ăn được thì đạp đổ?

22/06/2016 11:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Muốn được phần còn lại của thế giới tôn trọng, tiền bạc và nòng súng không thể thay thế được ý thức thượng tôn pháp luật và công lý.

China News ngày 21/6 đưa tin, hôm qua 21/6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chủ trì họp báo thường kỳ. Bà Oánh ca ngợi phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc, ông sẽ không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS 1982) trên Biển Đông.

Bà Oánh được China News dẫn lời nói rằng:

"Phía Trung Quốc vô cùng cảm ơn và tán thưởng cao độ phát biểu của Thủ tướng Hun Sen tại lễ Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia Campuchia.

Về vụ kiện của Philippines, Trung Quốc đã sớm tuyên bố lập trường không chấp nhận, không tham dự. Vì vậy đừng ai hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận kết quả của một phiên tòa (Bắc Kinh tuyên truyền là) phi pháp, không công bằng.

Bà Hoa Xuân Oánh, ảnh: AP.
Bà Hoa Xuân Oánh, ảnh: AP.

Trung Quốc không chấp nhận, không tham dự cái gọi là vụ kiện chính là vì bảo vệ sự tôn nghiêm và uy tín của luật pháp quốc tế.

Trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ phương án nào áp đặt, không chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua một bên thứ ba bằng việc khởi kiện đơn phương.

Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp với các bên liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, căn cứ vào luật pháp quốc tế".

Xung quanh câu hỏi của phóng viên về việc The Wall Street Journal đưa tin, Trung Quốc rêu rao có 60 quốc gia vùng lãnh thổ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và chống lại phán quyết của PCA, bà Oánh có bình luận gì, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay:

"Trước đây chúng tôi đã được biết, hãng thông tấn cá biệt của phương Tây có lúc đổi trắng thành đen, bây giờ mới thấy họ còn liên kết các con số giản đơn, sau đó gia giảm để thành vấn đề.

Ngày càng có nhiều quốc gia hiểu rõ bản chất vấn đề Biển Đông và thực chất vụ kiện Biển Đông và đều bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Có nước công khai ủng hộ bằng văn bản, có nước ngầm ủng hộ bằng tuyên bố miệng.

Có nước ủng hộ bằng cách đưa tin qua báo chí, có nước không đưa tin, nhưng quý vị đã nghe thấy, đã nhìn thấy cũng không dưới vài chục quốc gia rồi. Gần đây Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Cameroon, Ethiopia và Malawi đã bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong nhiều diễn đàn khác nhau.

Trong Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Serbia mới ký gần đây cũng đề cập, Trung Quốc và Serbia nhất trí cho rằng:

Trong vấn đề Biển Đông cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi hàng hải một cách hòa bình thông qua đàm phán hiệp thương hữu nghị giữa các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở các hiệp định song phương và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Có khả năng hãng thông tấn cá biệt này không chú ý đến nội dung trên, trừ phi họ cố bỏ qua điều này một cách có chủ ý. Không biết họ có tính toán kỹ không, có bao nhiêu nước công khai phản đối chính thức hay phản đối bằng văn bản lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?"

Trung Quốc tán thưởng và cảm ơn ông Hun Sen, quyết không ăn được thì đạp đổ? ảnh 2

Trung Quốc dọa ASEAN: Sẽ rút khỏi UNCLOS 1982 nếu PCA hủy "lưỡi bò"

(GDVN) - Nếu điều này xảy ra, Bắc Kinh đã đẩy các nước còn lại trong khu vực vào thế phải đoàn kết lại chống tham vọng bành trướng phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Không muốn tranh cãi với bà Oánh, nhưng bà đã nói thì cũng nên nói cho rõ và cho hết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã né tránh không giải thích tại sao lại ngụy tạo tuyên bố chung và áp đặt quan điểm của Trung Quốc lên Fiji, Ba Lan và Slovenia như The Wall Street Journal đề cập ngày 17/6.

Còn nước nào công khai phản đối chính thức lập trường của Trung Quốc chống lại PCA và phán quyết của Tòa, chống lại yêu cầu làm rõ căn cứ pháp lý của đường lưỡi bò có thể kể ra là 7 nước thành viên G-7 mà mạnh mẽ nhất là Mỹ, Nhật Bản và Anh. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA và làm rõ yêu sách đường lưỡi bò.

Nếu chịu khó theo dõi báo chí hằng ngày, bà Oánh chắc chắn sẽ biết rõ điều này và tự tìm cho mình được câu trả lời. Bởi lẽ không ai hiểu rõ hơn Trung Quốc về việc nước nào đang phản đối Trung Quốc chống phán quyết của PCA, hành xử kiểu một mình một chiếu.

Ngụy biện cũng không tránh được PCA ra phán quyết

Người viết cho rằng, việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố tẩy chay phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông hay Serbia vừa ký Tuyên bố chung với Trung Quốc đòi hỏi các bên liên quan phải giải quyết tranh chấp "lãnh thổ và quyền lợi hàng hải" qua đàm phán trực tiếp bộc lộ mâu thuẫn gay gắt, câu trước lật câu sau trong lập trường của Trung Quốc.

Thứ nhất, Campuchia hay Serbia không phải một bên có yêu sách ở Biển Đông mà Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp, bao gồm tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ, tranh chấp vận dụng và giải thích UNCLOS 1982, tranh chấp vi phạm UNCLOS 1982, tranh chấp vùng chồng lấn, tranh chấp về đảm bảo tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.

Như vậy thì những tiếng nói của Campuchia và Serbia chỉ thể hiện lập trường và nhận thức của họ xung quanh vấn đề Biển Đông và luật pháp quốc tế, chẳng có ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA.

Quan trọng hơn nữa là PCA đã thụ lý và ra phán quyết rõ ràng về THẨM QUYỀN của Tòa đối với 7/15 nội dung Philippines khởi kiện, liên quan đến việc áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông ngày 29/10/2015. Mọi tiếng nói trái chiều đều không thay đổi được điều gì.

Thứ hai, cho đến giờ Trung Quốc vẫn cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân gây căng thẳng Biển Đông, thậm chí có tờ báo Trung Quốc dùng ngôn từ chợ búa để nói Hoa Kỳ đừng "chõ mũi" vào Biển Đông, phản đối quốc tế hóa Biển Đông thì bản thân Trung Quốc lại đang làm điều ngược lại:

Tìm mọi cách vận động, mua chuộc, lôi kéo dụ dỗ các nước mãi châu Phi, Trung Á, Mỹ - Latinh cùng Trung Quốc đòi hỏi, bắt ép các bên liên quan phải "giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng đàm phán song phương, trực tiếp.

Những việc làm này tự nó mâu thuẫn nhau và chỉ chứng tỏ một điều, thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Trung Quốc đã và đang bẻ cong luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình, tìm mọi cách bảo vệ yêu sách bành trướng, vô lý và phi pháp của họ ở Biển Đông, bất chấp uy tín và danh dự, bất chấp công luận và công lý.

Vậy mà bà Hoa Xuân Oánh đăng đàn hùng hồn tuyên bố: "Trung Quốc không chấp nhận, không tham dự cái gọi là vụ kiện chính là vì bảo vệ sự tôn nghiêm và uy tín của luật pháp quốc tế." Nghe mới thật khôi hài: Chà đạp lên luật pháp quốc tế để "bảo vệ sự tôn nghiêm và uy tín của luật pháp quốc tế"!

UNCLOS 1982 là thành quả nhân loại đạt được sau một quá trình dài mất bao nhiêu công sức, thời gian, trí tuệ, tiền bạc và cả đấu tranh để xây dựng nên nhằm đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định, thực thi công lý và giữ công bằng trên các vùng biển và các đại dương.

Trung Quốc tán thưởng và cảm ơn ông Hun Sen, quyết không ăn được thì đạp đổ? ảnh 3

Đừng trách Hun Sen, hãy tiếp tục ủng hộ PCA ra phán quyết hủy "lưỡi bò"

(GDVN) - Trung Quốc lo sợ nhất, muốn tìm cách lôi kéo, chia rẽ và phân hóa nhất trong vấn đề Biển Đông, xung quanh vụ kiện của Philippines chính là Việt Nam.

Mấy ngày gần đây đã xuất hiện thông tin, Trung Quốc manh nha đe dọa ASEAN rằng, nếu PCA ra phán quyết hủy đường lưỡi bò thì họ sẽ rút khỏi UNCLOS 1982.

Nếu điều này là thật thì chứng tỏ, Bắc Kinh cứ nhân danh công lý và luật pháp quốc tế nhưng hành động của họ đang xem công lý và công pháp quốc tế chẳng khác gì mớ giấy lộn và quẳng vào sọt rác!

Nhiều bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi, sao Trung Quốc không rút khỏi Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc luôn đi? Điều này thể hiện sự bất bình sâu sắc của nhiều người trước thái độ khôn lỏi của Trung Quốc trong hành xử: Không ăn được thì đạp đổ.

Cá nhân người viết tin rằng thái độ, cách ứng xử như vậy chắc chắn sẽ không được nhân loại văn minh chấp nhận và chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc.

Những thông điệp bộc lộ thủ đoạn mới

Phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh theo cá nhân người viết, còn bộc lộ 2 thủ đoạn mới, thông điệp mới của Trung Quốc về Biển Đông và phán quyết của PCA mà các bên liên quan cần tìm hiểu và có biện pháp phản ứng phù hợp.

Thông điệp thứ nhất, Trung Quốc lần đầu tiên công khai, chính thức đưa thêm "tranh chấp quyền lợi hàng hải" vào lập trường đòi "đàm phán song phương giữa các nước liên quan trực tiếp".

Trước phát biểu hôm qua của bà Oánh, Bắc Kinh vẫn đánh đồng tất cả các loại tranh chấp phức tạp ở Biển Đông vào một mớ và gọi chúng là "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" để tìm cách né tránh phán quyết của PCA.

Thông điệp thứ hai, lấy DOC thay thế vai trò của UNCLOS 1982, nói một cách khác phải chăng là bà Oánh đang gián tiếp thừa nhận thông tin báo chí quốc tế vừa nêu về việc Bắc Kinh có ý đồ rút khỏi UNCLOS 1982 nếu "chẳng may" bị PCA hủy đường lưỡi bò?

Điều này thể hiện rõ trong Tuyên bố chung Trung Quốc - Serbia mà bà Oánh giới thiệu:

"Trung Quốc và Serbia nhất trí cho rằng, trong vấn đề Biển Đông cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi hàng hải một cách hòa bình thông qua đàm phán hiệp thương hữu nghị giữa các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở các hiệp định song phương và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)."

Điều này chứng tỏ Bắc Kinh đang rất hung hăng trên Biển Đông, quyết không ăn được thì đạp đổ. Dù Trung Quốc có đơn phương rút khỏi UNCLOS 1982 thì cũng không tránh được nghĩa vụ pháp lý trong phán quyết của PCA.

Phán quyết của Tòa sẽ đánh thẳng vào uy tín, danh dự của một nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn rao giảng về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trỗi dậy hòa bình, cường quốc trách nhiệm, chia đôi Thái Bình Dương...

Không những tìm cách đạp đổ UNCLOS 1982, Trung Quốc còn hủy bỏ luôn cả hệ thống công pháp quốc tế đang là bộ khung duy trì và bảo vệ hòa bình, công lý, giải quyết các tranh chấp quốc tế nếu cứ xét theo lời văn mô tả trong Tuyên bố chung Trung Quốc - Serbia.

Không chống lại được việc này, hoặc thế giới sẽ hỗn loạn, hoặc sẽ phải chấp nhận trở thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc.

Bất chấp thái độ bất hợp tác, quay lưng với luật pháp quốc tế hiện nay mà Trung Quốc đang thể hiện, cá nhân người viết cho rằng các nước có liên quan ở Biển Đông, cộng đồng khu vực và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ hòa bình và ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là UNCLOS 1982 trên tất cả các diễn đàn quan trọng của khu vực hay quốc tế, song phương hay đa phương.

Đồng thời cần tiếp tục kiên trì vừa đấu tranh vừa giải thích với Trung Quốc, Kiên quyết không chấp nhận "đàm phán song phương" với các tranh chấp đa phương, kiên quyết không chấp nhận lấy DOC thay thế UNCLOS 1982 trong xử lý tranh chấp ứng dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS 1982, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vai trò của luật pháp quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế.

Nếu Trung Quốc bất chấp tất cả, áp đặt ADIZ ở Biển Đông hay rút khỏi UNCLOS 1982 như một số nhà phân tích quốc tế nhận định hoặc như "thông điệp ngầm" trong phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh hôm qua, theo cách hiểu của cá nhân người viết, nó chỉ khiến Trung Quốc tự cô lập mình với phần còn lại của nhân loại văn minh, một động thái tốn công vô ích.

Cái thời của chủ nghĩa "thiên tử - chư hầu", cái thời tự coi mình là trung tâm thiên hạ đã qua rất lâu rồi. Muốn được phần còn lại của thế giới tôn trọng, tiền bạc và nòng súng không thể thay thế được ý thức thượng tôn pháp luật và công lý, gương mẫu chấp hành và bảo vệ luật pháp quốc tế.

Hồng Thủy