Trung Quốc tăng tốc chế tạo tàu tiếp tế, vừa xuất xưởng siêu tàu Type 901

17/12/2015 16:11
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc tiến hành hộ tống biển xa thường xuyên, đang tăng cường tập trận ở Tây Thái Bình Dương, đang chế tạo tàu sân bay, nên nhu cầu tàu tiếp tế tăng nhanh

Tàu tiếp tế Type 901 xuất xưởng

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 16/12 đưa tin, gần đây, dân mạng chụp được hình ảnh xuất xưởng của một chiếc tàu mặt nước cỡ lớn do Trung Quốc tự chế tạo. Về bề ngoài, tàu này là một tàu tiếp tế mặt nước cỡ lớn Type 901, trọng tải lên tới 40.000 tấn trở lên.

Hình ảnh tàu tiếp tế Type 901 trên mạng sina Trung Quốc
Hình ảnh tàu tiếp tế Type 901 trên mạng sina Trung Quốc

Nhiệm vụ chính của tàu tiếp tế tổng hợp siêu lớn là cùng tiến hành hành động tác chiến trên biển với hạm đội tàu sân bay, cung cấp nhiên liệu, đạn dược, lương thực, vật tư dự phòng cho các tàu chiến chủ yếu của biên đội tàu sân bay, giúp cho hạm đội tàu sân bay có thể tác chiến trên biển xa trong thời gian dài.

Hiện nay, Hải quân Mỹ sở hữu tổng cộng 10 biên đội tàu sân bay động cơ hạt nhân, nhưng chỉ trang bị 4 tàu tiếp tế tổng hợp Sacramento lượng giãn nước 50.000 tấn. Có thể thấy, năng lực tiếp tế của tàu tiếp tế tổng hợp siêu lớn là đáng kinh ngạc.

Sự tồn tại của tàu tiếp tế tổng hợp siêu lớn phần lớn là để đáp ứng nhu cầu tiếp tế trên biển trong chiến đấu thực tế.

Trong môi trường tác chiến cường độ cao, cần tiếp tế kịp thời lượng lớn vật tư bảo đảm hậu cần đáng tin cậy cho biên đội tác chiến trên biển, giúp cho các loại tàu tác chiến mặt nước trong đó có tàu sân bay phát huy tối đa hiệu quả tác chiến tổng thể, tăng cường năng lực tác chiến biển xa của hạm đội.

Sự xuất hiện của tàu tiếp tế tổng hợp siêu lớn Type 901 chắc chắn là một việc lớn trong lịch sử phát triển của Hải quân Trung Quốc.

Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A Trung Quốc đang chế tạo (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A Trung Quốc đang chế tạo (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Mặc dù tàu tiếp tế không nổi tiếng như tàu khu trục cỡ lớn và tàu sân bay, cũng không uy lực như các tàu chiến chủ yếu, nhưng sự xuất hiện của tàu tiếp tế tổng hợp siêu lớn Type 901 lại trực tiếp phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược biển xa của Hải quân Trung Quốc.

Trang Sina Trung Quốc ngày 9/12 cũng cho hay, hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo tàu tiếp tế siêu lớn lượng giãn nước đạt 40.000 tấn. Loại tàu tiếp tế này là Type 901. Một khi loại tàu này đưa vào hoạt động thì hoạt động tuần tra của tàu sân bay Trung Quốc sẽ được bảo đảm hậu cần đầy đủ.

Trước khi chế tạo tàu tiếp tế Type 901, tàu tiếp tế lớn nhất do Trung Quốc tự chế là tàu tiếp tế Type 903. Trung Quốc hiện có 4 chiếc loại này, đang chế tạo 2 chiếc, có kế hoạch chế tạo tổng cộng 8 chiếc. Trong đó, tàu tiếp tế Type 903 có lượng giãn nước là 25.000 tấn, tàu tiếp tế Type 903A có lượng giãn nước là 23.000 tấn.

Các nhà quan sát chỉ ra, chiếc tàu tiếp tế Type 903 đầu tiên đặt tên là Thiên Đảo Hồ, hạ thủy tháng 7/2003. Sau khi chiếc Type 903 thứ hai có tên là Vi Sơn Hồ biên chế, tàu tiếp tế Type 903 đã được nâng cấp lên thành Type 903A, lượng giãn nước là 23.000 tấn, dài 178,5 m, rộng 24,8 m, mớm nước 8,7 m.

Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc

Loại tàu này có tốc độ cao nhất là 19 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 10.000 hải lý với tốc độ 14 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 130 người, có thể chở 2 máy bay trực thăng Z-8.  

Mặc dù tham khảo tàu tiếp tế Type 903, nhưng tàu tiếp tế Type 901 vẫn lớn hơn khoảng 40%. Việc chế tạo loại tàu như vậy rõ ràng không hề dễ dàng.

Tiếp thu công nghệ của Ukraine

Trên thực tế, tàu tiếp tế lớp nhất hiện có của Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phải là Type 903, mà là một chiếc tàu tiếp tế mua của Ukraine. Tàu tiếp tế loại này là Type 908, hiện nay có tên là Thanh Hải Hồ, lượng giãn nước đạt 37.000 tấn.

Tiền thân của tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ là một tàu thương mại của Liên Xô. Hải quân Liên Xô vốn muốn sử dụng nó làm tàu tiếp tế của hạm đội tàu sân bay. Sau đó do Liên Xô tan rã, Ukraine đã kế thừa chiếc tàu này.

Vào đầu thập niên 1990, tổ chuyên gia Trung Quốc đã đến Ukraine tiến hành khảo sát thực địa, sau đó đưa ra kiến nghị mua chiếc tàu này.

Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ số hiệu 885 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ số hiệu 885 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Ngày 1/5/1993, tàu này được kéo đến Đại Liên, sau đó nó được cải tạo trong thời gian 3 năm, nhờ vậy, Trung Quốc đã có được rất nhiều thông số và tài liệu về tàu tiếp tế này, đặt nền tảng cho Trung Quốc chế tạo tàu tiếp tế 40.000 tấn hiện nay.

Năm 1996, tàu này chính thức biên chế cho Hạm đội Nam Hải – triển khai ở Biển Đông, đặt tên là Nam Xương, sau đó đổi tên thành Thanh Hải Hồ.

Sau khi đi vào hoạt động, tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ đã cung cấp bảo đảm hậu cần quan trọng cho rất nhiều hoạt động biển xa của Hải quân Trung Quốc. Mặt khác, nó giúp cho Trung Quốc có được kinh nghiệm thực tế sử dụng tàu tiếp tế cỡ lớn cho biên đội tàu sân bay. Những kinh nghiệm này lại hỗ trợ nhiều cho công tác thiết kế tàu tiếp tế của Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là, kiến trúc sư trưởng của tàu tiếp tế Type 903 chính là Trương Văn Đức – người kiến nghị mua tàu Thanh Hải Hồ từ Ukraine. 

Tàu tiếp tế tổng hợp Sào Hồ số hiệu 890 Type 903A, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Sào Hồ số hiệu 890 Type 903A, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc

Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ mặc dù trọng tải tương đối lớn, nhưng tốc độ khá chậm, chỉ có 16 hải lý/giờ, không thể đuổi kịp các tàu chiến khác của biên đội tàu sân bay.

Do đó, Trung Quốc không hoàn toàn dựa vào thiết kế của tàu Thanh Hải Hồ, mà đã kết hợp với kinh nghiệm của mình, thiết kế lại một loại tàu tiếp tế mới. Nhưng kinh nghiệm từ tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ đương nhiên cũng được sử dụng cho thiết kế tàu mới.

Nhìn vào hình ảnh được tiết lộ trên báo chí, bố cục tổng thể của tàu tiếp tế Type 901 có sự khác biệt quan trọng với tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ, đã cho thấy Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu tác chiến của biên đội tàu sân bay, tốc độ của tàu tiếp tế Type 901 đã được tăng lên.

Như vậy, vấn đề động cơ đã được giải quyết. Sự phát triển của động cơ tàu chiến Trung Quốc cũng không tách rời sự giúp đỡ công nghệ của Ukraine.

Trên thực tế, tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ còn có một “tàu chị em”, đó là tàu A58 của Hải quân Ấn Độ, mua của Ukraine, lượng giãn nước 35.900 tấn, được sử dụng để tiếp tế cho biên đội tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ.

Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tăng tốc chế tạo tàu tiếp tế

Sina ngày 28/11 cũng cho rằng, nhìn vào các hình ảnh mới nhất, hình dáng đài chỉ huy của tàu tiếp tế Type 901 khác hoàn toàn tàu tiếp tế Type 903/903A. Nghe nói, tàu Type 901 là công trình đồng bộ quan trọng của cụm chiến đấu tàu sân bay nội địa Trung Quốc.

Tháng 6/2014, chiếc tàu tiếp tế Type 903A thứ 5 Trung Quốc hạ thủy. Nửa đầu năm 2015, Trung Quốc đồng thời chế tạo 4 tàu tiếp tế, đây là điều hiếm gặp ở bất cứ nước nào trong thời bình. Như vậy, 2 năm qua, Trung Quốc luôn tăng tốc chế tạo tàu tiếp tế quy mô lớn.

Hiện nay, Trung Quốc thường xuyên điều tàu tiếp tế đi biển xa chi viện cho biên đội hộ tống ở vùng biển Somalia. Trung Quốc cần nhiều tàu tiếp tế hơn để chi viện cho nhiệm vụ huấn luyện biển xa ngày càng thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương.

Đồng thời, từ thập niên 1990 đến nay, Hải quân Trung Quốc cũng không ngừng tiến hành huấn luyện tiếp tế trên biển. Hiện nay, ở Tây Thái Bình Dương thường nhìn thấy một chiếc tàu tiếp tế đồng thời cung cấp tiếp tế cho hai tàu chiến. Theo bài báo thì cách tiếp tế như vậy có độ khó rất lớn.

Khi cùng lực lượng quân sự quốc tế tìm kiếm máy bay mất tích MH370 vào năm 2014, Trung Quốc nhận thức sâu sắc được tàu tiếp tế quan trọng như thế nào. Họ thấy không có đủ tàu tiếp tế, nếu không được đến cảng của nước ngoài tiếp tế thì Hải quân Trung Quốc không thể duy trì được hoạt động của lượng lớn tàu chiến ở vùng biển cách xa lãnh thổ.

Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành tiếp tế trên biển khi hộ tống ở vịnh Aden
Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành tiếp tế trên biển khi hộ tống ở vịnh Aden

Do được cảnh báo, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc đã coi trọng hơn đối với vấn đề này. Kết quả, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo nhiều tàu tiếp tế hơn cho hải quân.

Yếu kém về hậu cần của Hải quân Trung Quốc đã không còn là một bí mật. Kéo theo, khả năng răn đe của Hải quân Trung Quốc cũng hạn chế.

Hiện nay, ngoài cử biên đội hộ tống đến vùng biển Somalia, Hải quân Trung Quốc cũng thường điều hạm đội quy mô nhỏ (gồm tàu đổ bộ, tàu khu trục và tàu hộ vệ) đến các vùng biển xung quanh như biển Hoa Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian 10 – 20 ngày, làm cho nhu cầu tàu tiếp tế tăng mạnh. 

Đông Bình