The Straits Times ngày 12/4 đưa tin, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình nghị sự xúc tiến vận động chính phủ Malaysia cho gói thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Kula Lumpur của Malaysia với Singapore.
Trong khi đó Malaysia và Singapore vẫn chưa đưa ra các tiêu chí chính thức định hình dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên quốc gia trị giá nhiều tỉ USD. Tuy nhiên điều này không ngăn cản chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản tìm cách gây ảnh hưởng đến 2 nước Đông Nam Á để giành được gói thầu quan trọng này.
Nhà thầu Trung Quốc giới thiệu công nghệ đường sắt cao tốc tại Jakarta, Indonesia tháng 8 năm ngoái, ảnh: The Straits Times. |
Những tuần gần đây các quan chức chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc cùng với giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc ngành đường sắt 2 nước đã thực hiện các chiến dịch vận động hành lang đối với chính phủ Malaysia và các cơ quan giám sát dự án cơ sở hạ tầng giao thông nước này.
Giám đốc điều hành công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) và các quan chức đại sứ quán Nhật tại Kuala Lumpur đã gặp gỡ các quan chức Bộ Giao thông Vận tải Malaysia vào tháng trước để giới thiệu về năng lực phát triển tuyến đường sắt cao tốc này.
Trung Quốc tỏ ra "cơ bắp" hơn trong vận động hành lang. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi một bức thư cá nhân đến người đồng cấp Najib Razak vào tháng trước, nhắc lại cam kết của Bắc Kinh với các khoản đầu tư tại Malaysia, bao gồm các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đặc biệt quan tâm trong việc giành được hợp đồng dự án đường sắt cao tốc. Dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Kuala Lumpur đến Singapore từ 6 giờ hiện nay bằng tàu hỏa thông thường xuống còn 1,5 giờ.
Sự chân thành đáng sợ |
Dự án này đã bị tạm hoãn năm ngoái do Malaysia lo ngại về khả năng bố trí nguồn ngân sách thực hiện, nay được tái khởi động với việc thành lập các tổ chuyên gia tư vấn cho chính phủ 2 nước về các thông số của dự án này.
Các chuyên gia tư vấn đến từ McKinsey & Co và Systra của Pháp, Minco của Malaysia đã được chính phủ Malaysia thuê tư vấn gói thầu ước tính có tổng trị giá khoảng 10 tỉ USD.
Tập đoàn Siemens của Đức và Talgo của Tây Ban Nha đã báo hiệu sự quan tâm của họ đến dự án này. Nhưng các chuyên gia tư vấn về giao thông vận tải cho rằng, cuộc chiến thực sự tranh gói thầu này sẽ diễn ra giữa các công ty Trung Quốc với Nhật Bản.
Nhật Bản từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là ở Malaysia trong 22 năm cầm quyền của Thủ tướng Tun Dr Mahathir Mohamad. Chính sách hướng Đông của ông ưu đãi các nhà đầu tư và công nghệ Nhật Bản, đặc biệt là trong ngành chế tạo xe hơi.
Nhưng dưới thời Thủ tướng Najib Razak, vai trò của Tokyo đã bị thay thế bởi Bắc Kinh, ví dụ như Trung Quốc đã trúng thầu xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, như cây cầu Penang thứ 2 trị giá 1,1 tỉ USD.
Bây giờ ngành đường sắt cao tốc đang nổi lên như mộ yếu tố quan trọng để Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế lớn. Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy xây dựng một mạng lưới đường sắt xuyên Á, bắt đầu từ Côn Minh, Vân Nam cho đến Singapore.
Đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore sẽ khiến cho kế hoạch của Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên Á trở thành hiện thực. Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy Thái Lan xây dựng tuyến đường sắt kết nối Bangkok với Kuala Lumpur.
Các "tuyệt chiêu" giành thắng lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài |
Quan trọng hơn là Trung Quốc hy vọng sẽ xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc "cây nhà lá vườn" của mình vào các dự án này và các dự án khác trên quy mô toàn cầu.
Với rất nhiều khó khăn thách thức đặt ra, các chiến dịch vận động hành lang đã diễn ra mạnh mẽ. Trong khi hồ sơ dự thầu đối với rất nhiều hạng mục quan trọng sẽ được công bố trong vòng 12 tháng tới, các chuyên gia tư vấn tin rằng lúc này là thời điểm quan trọng cho các công ty quốc tế tìm cách chiếm được các gói thầu trọng điểm, xác định lợi thế trong quá trình đấu thầu.
HIện tại 2 đơn vị tham gia đấu thầu cạnh tranh gay gắt nhất chính là JR East Nhật Bản và Tập đoàn Công trình Đường sắt Trung Quốc (CREC).
Các quan chức chính phủ Malaysia tin rằng Singapore sẽ nghiêng về Nhật Bản khi lựa chọn nhà cung cấp hệ thống toa tàu vì ưu điểm công nghệ đã được kiểm chứng.
Trong khi Malaysia phải chịu phần lớn chi phí xây dựng và đang được Trung Quốc hứa sẽ tài trợ "dễ dàng" cho dự án này và giới thiệu công nghệ Trung Quốc rẻ hơn Nhật Bản.
Hơn 80% tổng chiều dài hệ thống đường sắt Malaysia là do Trung Quốc xây dựng. Bắc Kinh cũng đã gắn việc đấu thầu dự án này với một khoản đầu tư quan trọng những tháng gần đây, giúp ông Najib Razak giải cứu quỹ quốc doanh 1MDB trước nguy cơ sụp đổ.
Trung Quốc bắt đầu xây đường sắt xuyên Lào, hướng mắt tới "chân trời xa" |
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã chi hơn 2,3 tỉ USD mua lại một công ty thuộc sở hữu của quỹ 1MDB giúp ngăn chặn nguy cơ phá sản cho quỹ này. Tháng 2 năm nay, CREC lại đầu tư phát triển một dự án bất động sản của 1MDB ở ngoại ô Kuala Lumpur mà sẽ trở thành nhà ga cuối của dự án đường sắt cao tốc.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động lâu năm tại Malaysia thừa nhận rằng họ lép vế so với doanh nghiệp Trung Quốc trong các cuộc chạy đua đấu thầu dự án này.
Nhưng họ vẫn hy vọng Singapore sẽ có tiếng nói thúc đẩy sử dụng công nghệ Nhật và dành cho doanh nghiệp Nhật một cơ hội đấu thầu công bằng.
Ngoài ra, Trung Quốc đang thống trị trong việc "sửa chữa mạng lưới đường sắt đổ nát và chấp vá của ASEAN" bằng việc giành được các gói thầu xây dựng đường sắt cao tốc ở Indonesia, Thái Lan và Lào.
Tuy nhiên vẫn có nhiều trở ngại khi triển khai thực hiện các dự án này vì bất đồng kinh phí, trong khi Trung Quốc hay đưa ra các đỏi hỏi quá mức, cộng với các trở ngại do quan liêu của bộ máy hành chính nước sở tại.