Ứng xử với Trung Quốc nên thiện chí, tỉnh táo

30/10/2015 07:26
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Chúng ta đang tích cực đối thoại, thì hãy hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng để mở đường cho đối thoại, thay vì tiếp tục hun nóng thêm.

LTS: Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 5, 6/11 tuần tới, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm này bởi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang nóng lên trên Biển Đông vì những hành vi leo thang xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Trường Sa, xây dựng đèn biển phi pháp ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh những quan điểm hoan nghênh, chào đón ông Tập Cận Bình sang thăm, một cơ hội tốt để hai bên có thể ngồi lại với nhau, đối thoại sòng phẳng tìm cách thu hẹp giải quyết mâu thuẫn bất đồng thì vẫn có những quan điểm phản ứng khá gay gắt về chuyến thăm này.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích thể hiện góc nhìn, trăn trở của ông về cách Việt Nam chúng ta nên ứng xử với Trung Quốc như thế nào và bản thân người Việt Nam chúng ta nên nhìn nhận nó ra sao, để bảo vệ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đồng thời giữ cho được hòa bình, ổn định và phát triển.

Để rộng đường dư luận, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài phân tích này của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Việc dư luận bức xúc trước những hành động leo thang của Trung Quốc ngoài Biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa, xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam, đe dọa không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam khiến dư luận lo ngại và bức xúc là điều dễ hiểu và có thể chia sẻ.

Nhưng quan trọng hơn là làm thế nào bảo vệ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng vẫn giữ vững được hòa bình, ổn định và phát triển, tránh cho người dân không phải rơi vào cảnh chiến tranh khói lửa mới là điều chúng ta nên bàn, nên tập trung suy nghĩ.

Cha ông chúng ta dạy con cháu ứng xử với nước lớn như thế nào?

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ các thế lực phong kiến phương Bắc cũng như cường quốc thực dân phương Tây đã hun đúc nên phẩm chất anh hùng bất khuất, không sợ bất cứ kẻ thù nào dù có mạnh đến đâu.

Đồng thời ông cha ta cũng rút ra cho mình và con cháu những bài học ứng xử, ngoại giao với nước lớn, cường quyền sao cho giữ được hòa bình, ổn định, tránh phải để chiến tranh đổ máu. Chúng ta không sợ chiến tranh chống xâm lược, nhưng đồng thời chúng ta cũng không muốn chiến tranh, tìm mọi cách bảo vệ hòa bình chính nghĩa.

Cha ông chúng ta dạy rằng, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" và tôi chắc rằng hầu hết người Việt đều đã được học và còn nhớ câu chuyện "bóp nát quả cam" của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Nhưng còn một bài học khác không kém phần quan trọng mà ông cha để lại cho chúng ta trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Ở tư thế chiến thắng giặc Minh xâm lược, Đại Việt ta đã ứng xử thế nào: 

"Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay"

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, các tướng sĩ cho đến nhân dân Đại Việt đều phẫn nộ trước sự ngang tàn bạo ngược của giặc nên khi đánh thắng bắt được hàng binh muốn triều đình giết hết. Khi đó vua Lê Lợi đáp rằng:

"Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?"

Ngay cả khi chúng ta bị buộc phải đứng lên chống chiến tranh xâm lược và giành thắng lợi vẻ vang, ứng xử của cha ông ta không những rất nhân văn, lấy đức báo oán, mà còn mang tầm nhìn lâu dài, giữ thể diện cho nước lớn là giữ hòa bình, yên ổn cho cháu con. Chưa bao giờ người Việt ta hiếu chiến, thích gây thù chuốc oán với láng giềng nhưng cũng không bao giờ người Việt tỏ ra hèn yếu, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trong lịch sử cha ông ta có nhiều bậc nhân tài về đối ngoại, vừa bảo vệ được khí tiết - thể diện quốc gia dân tộc, vừa tránh được chiến tranh và khiến các hoàng đế Trung Quốc phải tâm phục, khẩu phục.

Chân dung vị anh hùng dân tộc, nhà ngoại giao và tham mưu chiến lược lỗi lạc Nguyễn Trãi.
Chân dung vị anh hùng dân tộc, nhà ngoại giao và tham mưu chiến lược lỗi lạc Nguyễn Trãi.

Ví dụ điển hình như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Thám hoa Giang Văn Minh, thậm chí ngay cả phụ nữ Việt Nam thời phong kiến cũng có những nữ sĩ tài ba như Đoàn Thị Điểm khiến sứ thần phương Bắc phải nể phục. Đó là những tấm gương sáng bên cạnh các vị anh hùng dân tộc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và là các thiên tài quân sự như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo mà chúng ta luôn ghi nhớ.

Ứng xử với Trung Quốc hiện nay cần thiện chí, tỉnh táo thay vì dựa vào cảm xúc

Quay trở lại với câu chuyện ông Tập Cận Bình sắp sang thăm Việt Nam và thái độ ứng xử của người Việt chúng ta, cá nhân tôi cho rằng với tinh thần yêu chuộng hòa bình và công lý, thiện chí đối thoại tránh đối đầu, dù khó khăn đến đâu, mâu thuẫn đến đâu nhưng có thể bình tĩnh ngồi lại nói chuyện với nhau thì đó vẫn là cơ hội chúng ta nên trân quý.

Chỉ khi nào chúng ta đã thiện chí hết mức, nỗ lực hết sức để đàm phán hòa bình tránh xung đột mà đối phương vẫn lấn tới xâm phạm, khi đó chúng ta sẽ đáp trả xứng đáng.

Trong bài viết trước trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi "nguyện làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý" và phân tích về các ứng xử của chúng ta với Trung Quốc để làm sao kéo đối phương vào bàn đàm phán giải quyết từng bước vấn đề Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa. Chúng ta hãy cứ thể hiện hết thiện chí của mình một cách chân thành và tỉnh táo đến cơ hội cuối cùng.

Mặt khác ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam không phải với tư cách cá nhân, mà đại diện cho một quốc gia, dân tộc, một nền văn hóa, trong khi cha ông chúng ta luôn có truyền thống hiếu khách. Dù hai nước từng có chiến tranh xung đột, dù ngày nay còn những bất đồng mâu thuẫn ngoài Biển Đông, nhưng tôi tin rằng chiến tranh xung đột hay tranh chấp lãnh thổ không phải mong muốn của đại bộ phận người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam. 

Người dân Trung Quốc cũng như người dân Việt Nam và nhân loại nói chung, không ai muốn chiến tranh, chỉ mong cầu hòa bình, yên ổn làm ăn. Trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chúng ta không thể phủ nhận thực tế là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, dù ngày nay có "oán" nhưng chúng ta cũng không thể quên "ơn", phân minh rạch ròi trong ứng xử là việc nên làm.

Thiện chí đón tiếp ông Tập Cận Bình và phái đoàn cấp cao Trung Quốc, cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến cũng như quá trình đổi mới, phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời nêu bật mối lo ngại chính đáng khi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đang bị xâm phạm là việc chúng ta cần làm.

Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng máu thịt, mà còn là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam và là sân chơi chung của khu vực và thế giới. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục nói với Trung Quốc về điều đó ở mọi cấp độ, mọi hoàn cảnh.

Việt Nam sẵn sàng lắng nghe Trung Quốc và cũng yêu cầu Trung Quốc lắng nghe mình. Chỉ có đối thoại một cách hòa bình, thiện chí và cầu thị trên cơ sở luật pháp quốc tế mới giúp hai bên giải quyết được vấn đề tận gốc, tránh xung đột chiến tranh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 4/2015, và chuyến thăm Việt Nam tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chí ít cũng là một hành động đáp lễ bình thường về mặt đối ngoại.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 4/2015, và chuyến thăm Việt Nam tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chí ít cũng là một hành động đáp lễ bình thường về mặt đối ngoại.

Để làm được điều này, trước hết chính người Việt chúng ta với tư cách chủ nhà cần thể hiện rõ tinh thần thiện chí ấy. Thỏa mãn cảm xúc, tâm tư bức xúc của dư luận không giúp Việt Nam lấy lại được Hoàng Sa và ngăn chặn leo thang ở Trường Sa, thậm chí có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trước thái độ ứng xử hết mực nhân nghĩa, văn minh và mang tầm nhìn chiến lược của vua Lê Lợi với bại tướng bại quân nhà Minh, dư luận Đại Việt thời đó không phải ai cũng đồng tình vì có thể chính gia đình, người thân, bạn bè họ đã từng bị sát hại trong chiến tranh. Nhưng chúng ta không ai dám nghĩ đức Lê Lợi, Nguyễn Trãi ứng xử như thế là "hèn với giặc" cả.

Sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Trường Sa và phản ứng của Việt Nam

Sau mấy tháng chuẩn bị, tranh cãi, cuối cùng ngày 27/10 Hoa Kỳ cũng đã thực hiện cam kết bảo vệ tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông bằng cách phái tàu khu trục USS Lassen tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn lúc nổi lúc chìm Xu Bi nay đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo phi pháp với cả đường băng và các công trình quân sự. 

Việc làm này nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rộng rãi của dư luận chính nước Mỹ, khu vực và thế giới, và nó hoàn toàn hợp pháp. Không thể nói Mỹ làm điều này vì Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận hành động hợp pháp này của Mỹ cũng có lợi cho Việt Nam và khu vực.

Cá nhân tôi cho rằng việc làm này của Hoa Kỳ rất đáng hoan nghênh và nên tiếp tục duy trì trrước hành vi ngày càng leo thang ngoài thực địa mà Trung Quốc theo đuổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi ứng xử trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa vốn đang rất phức tạp cần phải hết sức tỉnh táo trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh lợi dụng đục nước béo cò, gây ra chiến tranh xung đột, dù là bất kỳ bên nào.

Ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Hoa Kỳ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: baoapbac.vn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: baoapbac.vn.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Có học giả cho rằng phản ứng như trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là "lờ mờ" hoặc "không phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân Việt Nam". Cá nhân tôi không đồng tình với nhận định này.

Bởi lẽ bức xúc của dư luận Việt Nam, khu vực và thế giới trước các hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, công lý và đạo lý ở Biển Đông mà Trung Quốc gây ra là điều có thật. Nhưng đó là cảm xúc, nó không phải tâm tư, càng không phải nguyện vọng của người Việt Nam cũng như khu vực.

Tôi cho rằng nhân dân Việt Nam và khu vực chắc hẳn đều mong muốn hòa bình, công lý được bảo vệ, tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải đối đầu. Quay trở lại với phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi thấy nội dung đã đề cập vừa đủ các thông điệp cần nói mà không làm nóng thêm tình hình:

Thứ nhất, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là thành viên UNCLOS và tôn trọng các nguyên tắc của UNCLOS, tôn trọng quyền tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của UNCLOS. Tôi tin là Hoa Kỳ và khu vực hiểu được thông điệp này của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải hàng không ở BIển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Điều này cho thấy Việt Nam mong muốn hòa bình, không muốn chiến tranh.

Bản thân Hoa Kỳ cũng vậy, dù chủ động thực hiện quyền tự do hàng không hàng hải được luật pháp cho phép, nhưng Washington cũng tránh tối đa việc làm nóng tình hình bằng lời lẽ. Ông Obama vẫn bỏ ngỏ cánh cửa đối thoại với ông Tập Cận Bình bất chấp những thái độ "giả điếc" của đối phương.

Thực chất hành động quan trọng hơn lời nói. Bởi thế, cá nhân tôi cho rằng Hoa Kỳ hay các bên liên quan cũng sẽ chia sẻ lập trường này của Việt Nam. Chúng ta đang tích cực đối thoại, thì hãy hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng để mở đường cho đối thoại, thay vì tiếp tục hun nóng thêm.


Ts Trần Công Trục