11 bài thuốc trị mụn nhọt cho trẻ nhỏ

26/09/2013 09:40
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Mụn nhọt ban đầu là các nốt sưng đỏ trên da, sau vài hôm thành mủ, thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Nếu có kèm theo sốt là bệnh nặng. Bệnh để lâu kéo dài có thể biến chứng nặng ở máu, thận và khớp...
Theo các kinh văn của y học cổ truyền, trẻ em hiếu động, nghịch ngợm được xếp vào loại huyết nhiệt. Huyết nhiệt sẽ dễ sinh các bệnh mụn nhọt, mẩn ngứa, khiến trẻ hay quấy khóc, ít chịu chơi, đêm khó ngủ vì ngứa, gãi nhiều. Mụn thường nhỏ và nhiều, tổn thương thành mủ. Nhọt là tổn thương to, sâu hơn, thường xuất hiện ít, tổn thương thành mủ có thể gây sốt. Bị mụn nhọt nhiều có thể dẫn tới viêm thận, thấp khớp, nhiễm trùng máu. Càng để lâu càng khó chữa.

Dưới đây là một số bài thuốc trị mụn nhọt tham khảo theo báo Khoa học đời sống và báo Tiền phong:

1. Bồ công anh, kim ngân hoa, tô mộc, sài đất mỗi vị 16g; huyền sâm, hoàng bá, rau má mỗi vị 12g; sắc uống ngày 1 thang. Trẻ em tùy tuổi dùng liều bằng 1/2 hay 1/3 liều của người lớn.

2. Cũng có thể lấy sài đất nấu canh cho các cháu ăn để phòng mụn nhọt.

3. Trường hợp chỉ có một hai mụn to, có thể chữa như sau: Khi còn đang sưng tấy đỏ, chưa thành mủ dùng hạt gấc mài trong giấm bôi hằng ngày hoặc giã lá táo, đắp.

4. Cũng có thể cho uống thêm: bồ công anh, sài đất mỗi thứ 50g.

Cây sài đất có tác dụng chữa mụn nhọt.
Cây sài đất có tác dụng chữa mụn nhọt.

5. Khi đã thành mủ, cần chích nặn mủ rồi rửa sạch bằng nước muối nhạt. Sau đó giã lá bồ công anh 50g (tươi), đắp lên và băng lại. Ngày thay băng 1 lần. Lưu ý, lá bồ công anh cần rửa sạch, loại bỏ lá già, lá sâu mới giã đắp.

6. Kim ngân hoa dùng tươi hoặc khô. Liều tươi gấp 3 hay 5 lần liều khô). Trung bình mỗi vị thuốc 4-10 g khô, sắc uống hằng ngày.

7. Thổ phục linh 6 g, tô mộc 6 g, đun uống.

8. Lá táo tươi giã đắp vào nhọt đang sưng, nóng đỏ, chưa thành mủ.

9. Củ hành tươi giã đắp vào nhọt khi đang sưng, nóng đỏ.

10. Rau má tươi nấu nước uống để chữa rôm sảy.

11.  Đun nước tô mộc uống hằng ngày chữa rôm sảy.

Ngoài ra cũng cần chú ý tới việc phòng bệnh: giữ vệ sinh ngoài da, tắm rửa hằng ngày không để xây xát da.

Liễu Phạm (Tổng hợp)