Báo động nhiều trường hợp mất mạng vì ăn tiết canh lợn

18/12/2018 06:25
Vũ Phương
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, ăn tiết canh từ lợn dù gia đình nuôi hay được cho là an toàn cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn rất cao.

Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu cũng như tử vong do món khoái khẩu của không ít người là tiết canh lợn. Đã đến lúc đáng báo động về những nguy cơ, cũng như nguy hiểm chết người từ món ăn này.

Thực tế cho thấy nhiều người xem tiết canh lợn là món ăn hấp dẫn, lạ miệng, được nhiều người ưu chuộng không chỉ nông thôn mà còn cả thành phố. Đáng lo ngại đó là không ít người chưa hiểu rõ những mối nguy hại từ món ăn này.

Nguy hại hơn, đó là nhiều người dân có suy nghĩ lợn do gia đình nuôi, lợn thả rông là lợn sạch. Bởi vậy, tiết canh từ những con lợn có nguồn gốc an toàn này có thể yên tâm ăn tiết canh.

Song thực tế, loại lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Theo công bố của các cơ quan chức năng, tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn rất cao khoảng 60%-100%. Bằng mắt thường quan sát sẽ không thể phát hiện.

Đáng chú ý, ở nhiều vùng nông thôn phần lớn các gia đình đều nuôi lợn. Thường những dịp như hội hè, lễ tết, giỗ chạp người dân thường giết lợn và không thiếu món tiết canh.

Không chỉ người hay nhậu nhẹt thích ăn tiết canh, nhiều người không biết uống rượu, thậm chí phụ nữ, trẻ em, người già cũng ưa thích món ăn này. Đây là món ăn hình thành rất lâu trong dân ta, nhưng lại là căn nguyên gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm..

Vào tháng 6/2018, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên tiếp xảy ra hai vụ nhiễm khuẩn liên cầu lợn làm hai người tử vong. Đáng chú ý, một trong hai trường hợp tử vong ăn tiết canh dê, một người ăn tiết canh lợn.

Còn vào đầu năm 2018, hơn một tháng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 9 bệnh nhân vào viện cấp cứu vì bệnh liên cầu lợn, trong đó, 5 ca nhiễm trùng máu, 4 ca viêm màng não mủ.

Đáng lưu ý, trong số những ca này, hầu hết tham gia giết mổ, ăn thịt lợn ốm, ăn tiết canh, các sản phẩm sống từ lợn.

Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo: “Người dân không nên ăn thịt còn sống, tiết canh của động vật. Thịt động vật cần được chế biến, nấu chín để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ăn chín, uống sôi để đề phòng bệnh tật nguy hiểm xâm nhập cơ thể. Hiện nay, khuẩn liên cầu lợn có diễn biến gia tăng nên chúng ta cần phải tự phòng tránh cho mình sẽ tốt hơn”.

Một trường hợp người dân ăn tiết canh lợn bị mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Một trường hợp người dân ăn tiết canh lợn bị mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Còn theo Cục An toàn thực phẩm, người dân ăn phải tiết sống từ những con lợn bị bệnh rất nguy hiểm. Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của loài lợn có thể lây từ lợn ốm sang người qua thịt, lòng chưa nấu chín kỹ và máu tươi của con vật. Nguy hiểm hơn, trong đó có bệnh liên cầu khuẩn lợn và bệnh giun xoắn đây là hai bệnh rất nặng, gây tử vong cao.

Cục An toàn thực cũng cảnh báo tỷ lệ tử vong do liên cầu lợn gây ra khoảng 7%. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh. hoặc qua đường ăn uống.

Đây là bệnh nguy hiểm, nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Ở miền Nam Việt Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường bị viêm màng não.

Điều đáng ngại là bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây từ lợn sang người, gây bệnh nặng dẫn đến tử vong. Người bị lây bệnh này do tiếp xúc với lợn bị bệnh, với thịt lợn và sản phẩm của lợn bị bệnh, do ăn phải thực phẩm nhiễm streptococcus suis, đặc biệt là món tiết canh lợn.

Trong số những người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn vào điều trị tại các bệnh viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia vừa qua có nhiều người đã ăn tiết canh lợn, người dân cần nói không với món ăn nguy hiểm này.

Để phòng bệnh, người dân không ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, giết mổ, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiết canh lợn.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiết canh lợn.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại do ăn nem chạo sống, thịt lợn tái hay do tiếp xúc, giết mổ lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn.

Ăn tiết canh, sản phẩm từ lợn chưa nấu chín như nem chạo từ thịt sống dễ mắc liên cầu lợn. Có khi người dân chỉ ăn một bát tiết canh có thể sẽ phải trả giá hàng vài chục triệu đồng cho quá trình điều bị bệnh, thậm chí mất mạng.

Khuẩn liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng, có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.

Đối với nhóm người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc nhóm người mắc bệnh mãn tính, người phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài đều có nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu lợn.

Song song với liên cầu khuẩn, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo bệnh giun xoắn vô cùng nguy hiểm. Giun xoắn rất nhỏ bằng mắt thường khó có thể nhìn thấy. Chúng sống chủ yếu trong ruột non một số súc vật, đặc biệt là loài lợn.

Người mắc bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chưa tín, nhất là món lòng lợn luộc chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non và máu những con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng. 

 Cách phòng tránh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và giun xoắn

-Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

-Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

-Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khi tiếp xúc với thịt sống. Sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn...

- Không ăn, chế biến thịt lợn có dấu hiệu hư hỏng, hoặc heo bệnh. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Vũ Phương