Phẫu thuật cứu sống bé mới sinh lộ nội tạng ra ngoài

08/08/2016 15:07
Lê Phương
(GDVN) - Dù mới sinh được 1 giờ tuổi, nhưng do bị khối thoát vị rốn, ruột và các tạng trong bọc lộ ra ngoài nên các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật ngay.

Theo đó, ngày 6/8, Khoa Ngoại và Chuyên Khoa - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bé Vũ Đặng Thùy Vân, 01 giờ tuổi thường trú tại Tổ 1, Khu Diêm Thủy, Phường Cẩm Bình, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Bé được chuyển đến từ Bệnh viện Đa Khoa khu vực Cẩm Phả trong tình trạng khối thoát vị rốn, ruột và các tạng trong bọc lộ ra ngoài thành bụng, sau ca sinh thường tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả.

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ. Ảnh: LP.
Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ. Ảnh: LP.

Sau sinh, bé được chuyển thẳng đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Qua hội chẩn, các Bác sỹ chỉ định mổ cấp cứu phẫu thuật phục hồi thành bụng, tiên lượng bệnh nhân rất nặng.

Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ và đến hơn 1h sáng ngày 7/8 thì kết thúc. Kíp mổ cấp cứu do BS Nguyễn Quốc Hùng - GĐ Bệnh viện và BS Nguyễn Kim Hiếu cùng kíp mổ tiến hành. BS Hùng cho biết, khi mổ trẻ bị hạ thân nhiệt do vận chuyển, hiện tại sau ca phẫu thuật hiện sức khỏe của bé đã tạm ổn định.

BS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thoát vị chân rốn sơ sinh có thể chẩn đoán được trong thời kì tiền sản khi mẹ siêu âm thai. Nếu không cũng sẽ được chẩn đoán dễ dàng khi bé chào đời.

Khác với thoát vị chân rốn, những thoát vị rốn muộn xuất hiện từ từ, to dần và thường được chẩn đoán khi thấy rõ bằng mắt. Điều quan trọng là phải chẩn đoán được thoát vị rốn nghẹt với các triệu chứng đã nêu, vì trường hợp này cần phải phẫu thuật cấp cứu".

Bé Vũ Đặng Thùy Vân sau khi phẫu thuật. Ảnh: LP.
Bé Vũ Đặng Thùy Vân sau khi phẫu thuật. Ảnh: LP.

Thoát vị rốn là hiện tượng một phần của cơ quan trong ổ bụng lồi ra ngoài ổ bụng tại lỗ rốn (ví dụ ruột, mạc nối …). Các cơ quan này vẫn còn được che phủ bởi một màng rốn mỏng (trẻ sơ sinh) hay màng da mỏng (trẻ lớn hơn). Nguyên nhân thường là do bẩm sinh khi cơ thành bụng tại lỗ rốn bị khiếm khuyết và không đủ sức giữ các tạng dưới áp lực của ổ bụng.

Có thể phân thoát vị rốn thành 2 nhóm: thoát vị chân (cuống) rốn ở trẻ sơ sinh phát hiện ngay sau sinh và thoát vị rốn “muộn” xuất hiện ở những trẻ lớn hơn.

Triệu chứng thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non tháng (75-80% trẻ).Thoát vị chân rốn ở sơ sinh thường rất rõ ràng, trẻ sinh ra có túi thoát vị to ở rốn, trong túi thoát vị có các tạng trong ổ bụng như ruột non, ruột già, dạ dày, gan... khoảng 15% số trường hợp bị vỡ túi thoát bị khi sanh làm ruột và các tạng lộ hẳn ra ngoài.

Lê Phương