Nhân viên Ngân hàng: “Chưa năm nào ăn Tết thảm hại như năm nay”

19/02/2013 06:49
Vũ Vũ
(GDVN) - Với số tiền hỗ trợ cho dịp Tết là 2 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như mọi năm, chị H - nhân viên ngân hàng SHB than thở: Chưa năm nào ăn Tết thảm hại như năm nay.

Tết ảm đạm của nhân viên ngân hàng
Những năm trước đây, thưởng Tết của ngân hàng luôn nằm trong top đầu các doanh nghiệp. Nhưng năm nay, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều ngân hàng thờ ơ với thưởng Tết, vì vậy, không khí Tết của cán bộ công nhân viên nhiều ngân hàng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Ngay cả Tổng giám đốc Simon Morris của Techcombank khi gửi thư đến toàn bộ nhân viên ngân hàng thông báo Tết này sẽ không có thưởng cũng gọi đây là một "quyết định khó khăn".
Chị Thu H.- nhân viên của ngân hàng Habubank cũ, nay đã sáp nhập vào SHB cho biết, thay vì được thưởng Tết hơn 10 triệu đồng như mọi năm, năm nay chị chỉ được thưởng 2 triệu đồng (tính theo doanh số).

Với số tiền hỗ trợ cho dịp Tết là 2 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như mọi năm, nhân viên ngân hàng Habubank (nay nhập về SHB) than thở: Chưa năm nào ăn Tết thảm hại như năm nay. (Ảnh minh họa)
Với số tiền hỗ trợ cho dịp Tết là 2 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như mọi năm, nhân viên ngân hàng Habubank (nay nhập về SHB) than thở: Chưa năm nào ăn Tết thảm hại như năm nay. (Ảnh minh họa)

“Ở SHB, tiền thưởng Tết nhiều nhất là 1 tháng lương đối với những chi nhánh làm ăn có lãi, nhưng hầu hết những chi nhánh của Habubank sáp nhập về đều đang phải còng lưng trả nợ, vì vậy, việc thưởng 1 tháng lương rất xa vời. Hầu hết tháng lương đó chỉ có nhân viên của SHB được hưởng” – chị H nói.
Theo thông tin từ người của Habubank, ngoài việc thu nhập của nhân viên Habubank giảm xuống sau khi về SHB thì việc thưởng Tết cũng có sự “phân biệt” rõ rệt giữa “người cũ” và “người mới”.
“Ngày xưa ở Habubank dù kinh doanh có thua lỗ nhưng ăn Tết vẫn ấm hơn bây giờ, chứ không tới mức thảm hại như năm nay” – chị H chia sẻ.
Nhưng dù ít thì SHB cũng còn gọi là có thưởng Tết, chứ như nhiều ngân hàng khác còn không có một đồng tiền thưởng nào.
Cô V, nhân viên phụ trách khối doanh nghiệp của một nhà băng được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm một, chi nhánh tại Ninh Bình cho hay, năm nay, ngân hàng cô không có thưởng Tết.  
“Anh em ở cơ quan đều mang một tâm trạng khá chán nản. Trước đó, mọi người đã rất kỳ vọng, bởi so với tình trạng chung “sống dở chết dở” của không ít các ngân hàng, chúng tôi vẫn làm ăn khá tốt. Tuy nhiên, gần tới lúc nghỉ Tết, cách Tết Nguyên đán khoảng gần 1 tuần, sếp thông báo không có tiền thưởng Tết khiến ai nấy đều rất bất ngờ” – cô V tâm sự.
Một nhân viên của Vietcombank cũng cho biết: “Năm nay, chúng tôi ăn Tết thấp hơn so với mọi năm rất nhiều. Ngân hàng năm nay không thưởng mà chỉ là công đoàn hỗ trợ, số tiền cũng rải rác chứ không nhiều”.

Mua đào, quất giá rẻ, hạn chế lì xì 

Có thể nói, những thán từ như “chán lắm”, “buồn lắm”,… là câu mở miệng của không ít nhân viên ngân hàng khi phóng viên hỏi về chuyện mua, sắm Tết.
Thậm chí, một cán bộ tín dụng của Sacombank tại Hà Nội còn quyết định: “Có lẽ năm sau phải chuyển sang nghề khác”.
Với việc không có thưởng Tết hoặc thưởng Tết không đáng là bao, mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày cũng như các chi phí cho việc đón Tết của nhân viên ngân hàng đều bị ảnh hưởng một cách nặng nề.
Anh Toản, nhân viên phòng công nghệ của một nhà băng cổ phần ở nhóm G9 có trụ sở tại Hà Nội cho hay: Mọi năm, anh luôn dành vài triệu đồng để mua một cây quất thế thật đẹp để biếu các cụ ở quê, tuy nhiên, năm nay, do không có tiền thưởng Tết nên việc mua quất “xịn” cũng trở thành thú chơi xa xỉ.
“Tôi chỉ mua một cành đào với giá 50.000 đồng gọi là cho có không khí Tết thôi, còn lại cố gắng tích góp biếu tiền cho các cụ” – anh Toản nói.
Cũng “ứng phó” với số tiền thưởng Tết ít ỏi, chị H - nhân viên của SHB chia sẻ: Mọi mua sắm cho việc đón Tết trong nhà đều cắt giảm tới mức tối thiếu, chỉ mua những thức ăn, đồ uống thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày trong mấy ngày Tết.
Ngoài ra, mệnh giá tiền lì xì cũng được nhiều nhân viên ngân hàng xem xét trước khi rút tiền biếu, tặng trong ngày Tết. Nếu như một số năm trước đây, dân ngân hàng đổ xô đổi mệnh giá 20.000, 50.000 đồng, không chịu lấy 10.000 đồng, nhưng năm nay, mọi người lại chuộng tiền 10.000 đồng hơn.
“Lì xì là điều không thể thiếu trong ngày Tết, tuy nhiên, thay vì mùng tuổi trong diện rộng, năm nay, tôi “quy hoạch”, lên danh sách chỉ lì xì những người anh em thân cận, người thân trong gia đình, chứ không “thoáng” như mọi năm” – một nhân viên ngân hàng cổ phần nhỏ tại Hà Nội tâm sự.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Vũ Vũ