Tuyển sinh 2012: Học sinh giỏi vẫn đua vào ngành kinh tế

15/03/2012 21:59
Theo TPO
Học sinh giỏi quốc gia cũng bị cuốn vào trào lưu thi các ngành kinh tế, tài chính, công nghệ trong kỳ tuyển sinh ĐH.
Trở thành sinh viên tài chính, kinh tế, công nghệ đang là mong muốn của hầu hết học sinh? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trở thành sinh viên tài chính, kinh tế, công nghệ đang là mong muốn của hầu hết học sinh? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, trường đã có dự kiến tuyển thẳng theo chủ trương của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, các thí sinh được giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi các ngôn ngữ theo quy định sẽ được tuyển thẳng vào học các ngành ngôn ngữ.
Các thí sinh đạt giải khác muốn vào học 6 ngành còn lại như: kinh tế, tài chính ngân hàng, kinh tế quốc tế sẽ phải thi bình thường và được ưu tiên xét tuyển nếu vượt qua điểm sàn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (riêng học sinh đạt giải ba phải đạt điểm bằng sàn + 3, 0 điểm).
Điều đáng nói ở đây là, năm trước, chưa có chủ trương tuyển thẳng, trường này cũng thu hút tới 200 học sinh giỏi các loại vào học các ngành hot hiện nay thuộc khối kinh tế, tài chính.
ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN) chỉ thu hút được 20 học sinh giỏi, trong đó có 2 học sinh đạt giải môn Toán vào học khối A.
Năm nay, Bộ mở lại tuyển thẳng cho các học sinh giỏi nhằm khuyến khích người tài và thu hút họ vào học các ngành sư phạm và các ngành đào tạo khoa học cơ bản - những ngành đang khó tuyển hiện nay, Bộ định ra một “rào chắn” : chỉ tuyển thẳng với những ngành đúng hoặc gần đúng với giải học sinh giỏi.
Theo đó, có thể hiểu: học sinh giỏi môn Toán sẽ vào học ngành Toán cơ bản, sư phạm Toán… Nếu vào học kinh tế, học sinh giỏi này sẽ phải dự thi ĐH và chỉ cần đạt điểm sàn tuyển sinh là có thể học ngành mà mình mong muốn.
Ông Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng đào tạo trường ĐHSP HN nhận xét: Hiện nay, các học sinh định hướng nghề nghiệp phần lớn theo sở thích cá nhân và sở thích của cha mẹ; định hướng nghề nghiệp ở nhà trường không phát huy được tác dụng. Đang tồn tại trào lưu thi vào các ngành kinh tế, tài chính, trong đó có các học sinh giỏi.
Theo ông Hải, để thực sự thu hút được người tài vào học khoa học cơ bản và ngành sư phạm, cần phải định ra một chính sách riêng trong cả đào tạo và sau đào tạo - sử dụng người tài.
Trong đào tạo có thể cấp học bổng, đào tạo ở nước ngoài; sau đào tạo cần có chính sách tuyển dụng riêng biệt cho các đối tượng này ví dụ như các sở ưu tiên bố trí công việc…
Theo TPO