Xếp loại viên chức, xét thi đua cuối năm ở trường rất khó làm hài lòng tất cả

21/04/2024 06:42
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Lãnh đạo nhà trường cần công bằng, phát huy dân chủ, tránh định kiến, thiên vị khi nhận xét, đánh giá giáo viên.

Việc xếp loại viên chức, xét thi đua cuối năm học trong các cơ sở giáo dục vô cùng quan trọng, ghi nhận hiệu quả công việc của người lao động nói chung, giáo viên nói riêng, là động lực thúc đẩy giáo viên vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để phù hợp với thực tế, các cơ sở giáo dục hiện nay đều có nội quy cơ quan, quy chế thi đua nội bộ được xây dựng trên các quy định chung và cụ thể gắn với tình hình thực tế của đơn vị. Tuy nhiên, thực tế, việc xếp loại viên chức, xét thi đua cuối năm ở đơn vị nào cũng rất khó làm hài lòng tất cả thầy cô.

Thầy giáo Hồ Đông - giáo viên Trường Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ: “Tôi thấy ở một số trường học thường căn cứ vào việc hoàn thành chỉ tiêu đăng ký bộ môn của giáo viên từ đầu năm để xếp loại viên chức và thi đua. Theo tôi, điều này không phù hợp.

Thực tế, có ai không đạt chỉ tiêu đăng ký đầu năm đâu, gần như 100% giáo viên đều có điểm tổng kết bộ môn đạt hoặc vượt chỉ tiêu đã đăng ký.

Ngoài ra, trong trường học có đặc thù riêng, giáo viên này có thể kiêm nhiệm làm giáo viên chủ nhiệm … ngược lại giáo viên khác chỉ đơn thuần dạy bộ môn của mình thôi.

Giáo viên chỉ đơn thuần dạy bộ môn không có kiêm nhiệm việc khác sẽ thuận lợi vì chỉ có duy nhất xét theo một chỉ tiêu đăng ký chất lượng bộ môn đầu năm, không bị các chỉ tiêu khác trừ điểm.

Giáo viên kiêm nhiệm phải xét thêm kết quả công việc kiêm nhiệm. Trong giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp lại thiệt thòi hơn. Thầy cô phải phải xét nhiều tiêu chí, từ thu tiền học phí, tiền quỹ phụ huynh, tiền vận động xã hội hóa, số học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm …

Làm giáo viên chủ nhiệm, thầy cô cũng hên xui trong bốc thăm lớp. Thầy cô nào gặp được lớp học sinh ngoan, học tốt, phụ huynh quan tâm thì rất dễ hoàn thành các chỉ tiêu thu tiền, nhưng ngược lại, có lớp dù giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm nhưng học sinh vẫn lười học, phụ huynh không đóng góp … Vì vậy, giáo viên càng kiêm nhiệm càng khổ, càng khó đạt chỉ tiêu.

Hay khi xét thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, những giáo viên dạy lớp 6, lớp 7, lớp 8 và các môn không tổ chức thi học sinh giỏi sẽ thiệt thòi, vì họ có được bồi dưỡng học sinh giỏi đâu. Dù nhiều giáo viên có năng lực tốt hơn cả giáo viên đang dạy lớp 9 … Vì thế, tôi thấy rất khó công bằng khi xét thi đua trong trường học”.

gdvn-minh-hoa-536.jpg

Thầy giáo Nguyễn Đình Huyến – Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Thực tế, khi xét thi đua hay xếp mức độ hoàn thành công việc trong trường học khó công bằng, vì giáo dục không có sản phẩm cụ thể để phân định.

Ví dụ, một giáo viên lớn tuổi, sức khỏe không tốt, dù chuyên môn tốt hơn giáo viên trẻ, nhưng khó mà phân định giáo viên nào chất lượng chuyên môn tốt hơn.

Mà thực tế, chính giáo viên trẻ khi tham dự các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh đều nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn của những giáo viên lớn tuổi, nhưng khi xếp loại, giáo viên già chỉ hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên trẻ đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài ra, giáo viên già thường không đủ sức khỏe để hiến máu, không thể tham gia đội bóng đá, bóng chuyền hay thi văn nghệ … nên thua hẳn giáo viên trẻ khỏe về mảng hoạt động phong trào.

Như vậy, khi xét thi đua, giáo viên lớn tuổi chắc chắn sẽ thua thiệt hơn giáo viên trẻ, nên rất khó có sự công bằng khi xếp loại cuối năm hay xếp loại thi đua trong trường học”.

Làm sao xếp loại viên chức, xếp loại thi đua công bằng, phát khuyến khích được giáo viên cố gắng, nâng cao chất lượng giáo dục?

Từ thực tế, người viết thấy khi thực hiện xếp loại viên chức, xếp loại thi đua cuối năm rất dễ mất đoàn kết nội bộ, gây bè phái, dẫn đến kết quả xếp loại viên chức, xếp loại thi đua khó khuyến khích được thầy cô hết lòng vì học sinh.

Để xếp loại viên chức, xếp loại thi đua công bằng, không gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè phái trong trường học, người viết đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất, các đơn vị cần dân chủ thật sự trong đóng góp quy chế thi đua của đơn vị, các tiêu chí được đánh giá bằng điểm số cụ thể. Giáo viên phải đọc kĩ nội dung dự thảo quy chế thi đua của đơn vị, góp ý kiến mang tính xây dựng, tuyệt đối không nhận xét đánh giá bên lề theo kiểu xì xào, to nhỏ.

Thứ hai, quy chế thi đua của đơn vị phải cụ thể, chi tiết, minh bạch, phổ biến đến người lao động trong trường học, có in sẵn trên bảng công khai, ai cũng có thể đọc được.

Thứ ba, cần xếp loại viên chức, xếp loại thi đua thực hiện hàng tuần, hàng tháng, để làm cơ sở cho xếp loại viên chức, xếp loại thi đua hàng năm.

Thứ tư, kết quả xếp loại viên chức, xếp loại thi đua hàng tuần, hàng tháng, phải công khai minh bạch trên bảng, ai cũng có thể thấy và giám sát.

Thứ năm, khi thực hiện xếp loại viên chức, xếp loại thi đua nếu có trường hợp cùng điểm số nhưng phải loại bỏ bớt đối tượng cho đảm bảo số lượng quy định, nên công khai, không bỏ phiếu kín, phải nêu rõ ưu điểm, nhược điểm của từng người để so sánh, chọn đúng đối tượng.

Minh bạch kết quả công tác, kết quả thi đua khi so sánh, dù bị loại khỏi chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người bị loại mới tâm phục, khẩu phục, không ấm ức, không gây mất đoàn kết, dẫn đến thưa kiện.

Thứ sáu, thực hiện xếp loại viên chức, xếp loại thi đua phải được công khai, minh bạch trước cuộc họp hội đồng nhà trường, cho giáo viên và người lao động phát biểu ý kiến. Những ý kiến không đồng tình phải được công khai trả lời, giải thích đầy đủ để giáo viên hiểu.

Thứ bảy, lãnh đạo nhà trường cần công bằng, phát huy dân chủ, tránh định kiến, thiên vị khi nhận xét, đánh giá giáo viên.

Nếu lãnh đạo nhà trường thiên vị, rất dễ có những ý kiến nhận xét bênh vực người này, trù dập người khác, định hướng ý kiến của các thành viên hội đồng thi đua, lúc đó phong trào thi đua của nhà trường sẽ dễ rơi vào hình thức, người chịu thiệt thòi đầu tiên là học sinh.

Giáo viên, người lao động trong trường nên dũng cảm bày tỏ ý kiến của mình trong cuộc họp hội đồng, tuyệt đối không có ý kiến đánh giá, bàn tán về kết quả xếp loại viên chức, xếp loại thi đua sau cuộc họp hội đồng, vì rất dễ gây mất đoàn kết nội bộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh