Sao lại cấp phép dạy thêm cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng?

10/10/2017 06:45
Bùi Nam
(GDVN) - Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trực tiếp dạy thêm sẽ tạo những hệ lụy vô cùng lớn. Điều này tạo ra bức xúc trong tập thể nhà trường, phụ huynh học sinh...

LTS: Vấn đề dạy thêm học thêm đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt khi hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng được cấp phép dạy thêm.

Thầy giáo Bùi Nam đưa ra những phân tích để chứng minh việc cấp phép cho lãnh đạo nhà trường dạy thêm sẽ tạo ra những bất công trong đánh giá học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc cấp giấy phép dạy thêm là thẩm quyền của Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với giáo viên bậc trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với giáo viên bậc trung học phổ thông) theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên khi cấp phép không biết Sở, Phòng Giáo dục có thẩm định, kiểm tra hay dựa vào quy định nào mà có nhiều giấy phép dạy thêm không chỉ cấp cho giáo viên trực tiếp giảng dạy mà còn có nhiều giấy phép dạy thêm được cấp cho cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Ảnh minh họa về vấn đề dạy thêm học thêm trên Báo Lao động
Ảnh minh họa về vấn đề dạy thêm học thêm trên Báo Lao động

Điều này tạo ra bức xúc trong tập thể nhà trường, phụ huynh học sinh, tạo nên những bất công trong đánh giá học sinh và những bất cập trong quản lý giáo viên dạy thêm vì các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người làm việc giờ hành chính (8 giờ/ ngày).

Hiệu trưởng chỉ tham gia giảng dạy 2 tiết/ tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/ tuần để nắm kiến thức chuyên môn, chương trình và để được nhận phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp thâm niên.

Thời gian còn lại thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm công tác chỉ đạo, quản lý toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Như vậy nếu Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép dạy thêm cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì sẽ cấp phép cho họ dạy thêm vào thời gian nào?

Sao lại cấp phép dạy thêm cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng? ảnh 2

Khi hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán

Chỉ còn lại chủ nhật và buổi tối nhưng nếu dạy vào thời gian trên thì trái Thông tư 17 của Bộ, quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về dạy thêm học thêm.

Và nếu dạy vào các thời gian trên cũng không hợp lý, bất tiện và không phù hợp làm cho học thêm quá tải, mệt mỏi.

Thứ hai: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp có thẩm quyền giao quyền quản lý dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh.

Cho nên, khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm sẽ không quản lý được các vi phạm của giáo viên trong dạy thêm học thêm.

Bên cạnh đó, khi dạy thêm uy tín của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong mắt giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng sụt giảm.

Có trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lộng quyền o ép học sinh học thêm cũng như các giáo viên dạy thêm khác dựa vào việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có dạy thêm nên cố tình vi phạm dạy thêm, học thêm vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng dạy thêm cơ mà!

Do đó, ngôi trường nào mà có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm sẽ vi phạm dạy thêm học thêm tràn lan, không thể quản lý.

Thứ ba: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người quản lý đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ.

Một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm lợi dụng việc trên nên có tình trạng đề kiểm tra bị “rò rỉ”, có tình trạng “mớm đề” không chỉ ở môn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy mà còn ở các môn khác (vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng quản lý tất cả các đề kiểm tra).

Sao lại cấp phép dạy thêm cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng? ảnh 3

Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường?

Dù không làm “lộ đề” nhưng nếu dạy thêm, lãnh đạo nhà trường cũng không thể không tạo nên những điều tiếng, dị nghị, nghi ngờ trong tập thể.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải dạy ở trung tâm dạy thêm hoặc ở một địa điểm có giáo viên khác dạy vô hình trung họ tạo nên những liên minh “ma quỷ” thao túng dạy thêm, học thêm đôi khi cạnh tranh, nói xấu nhau để lôi kéo học sinh vào học thêm do mình dạy.

Thiết nghĩ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa là quản lý, vừa là lãnh đạo của nhà trường nên tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Các lãnh đạo nhà trường cần quản lý tốt công tác dạy thêm để việc học thêm của học sinh là tự nguyện, việc dạy thêm của giáo viên mang lại hiệu quả thiết thực chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng nâng cao.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải giữ tầm, phải có tâm trong sáng, không vụ lợi vì kiếm thêm thu nhập mà làm mất đi uy tín, vai trò lãnh đạo của mình, mất đi hình ảnh cao quý của người giữ vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo dục là yếu tố quyết định sự thành bại của giáo dục, quyết định sự thành công trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trực tiếp dạy thêm sẽ tạo những hệ lụy vô cùng lớn.

Tôi mong các cấp các ngành cho kiểm tra, rà soát và thu hồi lại toàn bộ giấy phép đã cấp cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

Kiên quyết xử lý cho thôi giữ nhiệm vụ lãnh đạo các trường hợp cố tình vi phạm hay bao che cho dạy thêm, học thêm.

Bùi Nam