"Theo dấu chân Bác" thúc đẩy giao lưu văn hóa hữu nghị Việt-Trung

15/12/2018 08:34
Theo TTXVN
(GDVN) - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu coi đây là hoạt động quan trọng trong cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp nối hoạt động giao lưu “Theo dấu chân Bác” được ký kết giữa Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Quảng Đông và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam), Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông đã tổ chức khai mạc triển lãm “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Bảo tàng Lưu niệm Khởi Nghĩa Quảng Châu, trong thời gian từ ngày 5/12/2018-6/1/2019. 

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Trung Quốc, dự lễ khai mạc có Đoàn đại biểu Bảo tàng Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc dẫn đầu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Thế Hùng cùng các cán bộ nhân viên của Tổng Lãnh sự quán, lãnh đạo Sở Văn hóa thành phố Quảng Châu và lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông. 

Triển lãm trưng bày những bức tranh, ảnh sinh động và rõ nét về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. 

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”. Ảnh: BTHCM
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”. Ảnh: BTHCM

Những bức ảnh ghi lại thời gian từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Moskva đặt chân đến Quảng Châu với bí danh Lý Thụy, làm phiên dịch viên cho ông Mikhail Borodin, cố vấn chính trị Chính phủ Tôn Trung Sơn, đến khi thành lập Tổ chức Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội để đào tạo các thế hệ lãnh đạo tiền bối kiệt xuất cho Cách mạng Việt Nam. 

Hai phòng trưng bày trang trọng trên tầng 2 của Bảo tàng Lưu niệm Khởi nghĩa Quảng Châu đã khắc họa quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đặt chân đến khắp nẻo đường trên đất nước Trung Hoa:

Đến Quảng Châu để xây dựng cái nôi đầu tiên của Cách mạng Việt Nam; đến Hong Kong (Trung Quốc) triệu tập hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng và tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đi Quảng Tây hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai, đi Hàng Châu gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông, đi Côn Minh, đi U Lỗ Mộc Tề, Lan Châu, Tây An, Bắc Kinh, Quế Lâm, Nam Kinh, Tô Châu… nhằm tìm hiểu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để dẫn dắt Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

"Theo dấu chân Bác" thúc đẩy giao lưu văn hóa hữu nghị Việt-Trung ảnh 2Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước Việt Nam

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu coi đây là một hoạt động quan trọng trong cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Do đó, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đã tổ chức các buổi thăm quan Triển lãm cho toàn bộ các cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán, cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Quảng Đông, và đặc biệt là cho Chi bộ lưu học sinh, đại diện Đoàn thanh niên lưu học sinh, các lưu học sinh đang theo học trong các trường đại học tại Quảng Châu, kiều bào đang sinh sống tại Quảng Châu cũng như bạn bè Trung Quốc. 

Các buổi thăm quan, tìm hiểu, trao đổi hết sức sinh động và hữu ích về tấm gương đạo đức, tác phong giản dị và trong sáng của Người cũng như quá trình hoạt động cách mạng vô cùng phong phú tại Quảng Đông nói riêng và tại Trung Quốc nói chung đã góp phần nâng cao nhận thức của những người con xa xứ đối với sự nghiệp cách mạng, đối với Bác, với Tổ quốc, với dân tộc và với tình hữu nghị Việt-Trung. 

Đây sẽ là hành trang quý báu cho mỗi người trong quá trình phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sau khi về nước sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đây cũng là hoạt động văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tăng thêm sự hiểu biết, kết nối, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thông tin giữa Việt Nam với Trung Quốc, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong chương trình “Theo dấu chân Bác” đã được ký kết giữa hai bảo tàng.

Theo TTXVN