Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, về trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh và các thủ tục đăng ký giấy khai sinh cần quy định cụ thể trong luật “trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi”.
Thời gian qua, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều biết việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà chùa thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên khi đối chiếu với các quy định pháp lý hiện hành thì còn nhiều điều chưa cụ thể. Nhiều nhà chùa chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một cơ sở bảo trợ xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu thí dụ từ trường hợp cụ thể ở chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) diễn ra trong thời gian dài khiến dư luận bức xúc.
Cụ thể, qua rà soát, kiểm tra tại chùa Bồ Đề, các cơ quan chức năng phát hiện tại thời điểm đó chùa đang chăm 120 trẻ em, nhưng có 80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh, chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật.
“Việc chưa được đăng ký khai sinh sẽ khiến các em khó khăn trong việc được nhận làm con nuôi, quyền có mái ấm như bao trẻ em khác. Những điều này đã được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em mà Việt Nam đã cam kết tham gia. Khi phát hiện ra sự việc, UBND UBND quận Long Biên đã tích cực giải quyết, nhưng câu hỏi được đặt ra là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của mình?
Nếu đối chiếu vào các điều khoản được quy định trong dự thảo luật thì sẽ thấy còn rất chung chung. Do đó, với sai phạm cụ thể như vậy nhưng lại rất khó chỉ ra ai là người phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường, thậm chí là bị xử phạt hành chính”, Đại biểu Hải đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình). Ảnh: ĐCSVN. |
“Vậy trong số 1133 trẻ em có bao nhiêu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh? Cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Đây là một dự án luật có phạm vi điều chỉnh vô cùng lớn, tác động đến mọi người dân trong suốt chiều dài cuộc sống, gắn với những sự kiện quan trọng nhất của đời người. Tôi mong ban soạn thảo bổ sung nội dung cụ thể khả thi về trách nhiệm, chế tài, thanh kiểm tra, xử lý cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm nếu để buông lỏng quản lý dẫn tới không đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của các cá nhân mà đặc biệt là đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, trẻ lang thang cơ nhỡ. Việc này sẽ đảm bảo chấm dứt những sự việc đáng tiếc đã nêu trên”, Đại biểu Hải đề nghị.Theo Đại biểu Hải, tính đến tháng 7/2014, qua rà soát 32 tỉnh thành phố trên cả nước có 1.133 trẻ em được nuôi dưỡng trong các nhà chùa, các cơ sở tôn giáo, nhưng chỉ có một cơ sở tôn giáo duy nhất là giáo xứ Hoàng Nguyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được ra quyết định là trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ chăm sóc trẻ em chính thức.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị ngăn chặn "những anh chàng họ Sở".
Đại biểu Sơn nói: "Công dân có nhu cầu kết hôn chỉ cần đến ủy ban nhân dân xã xin một giấy giới thiệu xác nhận tình trạng độc thân và mang giấy đó đến các địa phương khác để làm thủ tục kết hôn. Sự kiện này không được ghi vào sổ nào cả. Vì thế một công dân có thể xin được nhiều giấy này và có thể đi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại nhiều địa phương khác, nhất là những anh chàng họ sở… Tôi cho rằng đây là một thiếu sót, đề nghị quy định chi tiết liên quan đến trạng thái hôn nhân,đó là xác định trạng thái độc thân và phải ghi vào sổ hổ tịch, chứ nếu không nay xin ông cán bộ này sau này lại xin ông khác thì đó là sơ hở".
Đồng loạt đề nghị giữ giấy khai sinh cho trẻ
Đại biểu Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu quan điểm, không bỏ quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ khi đăng ký khai sinh, vì giấy khai sinh là văn bản pháp lý do nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý về công dân.
“Tôi không đồng tình dự định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi, vì lứa tuổi này vì các em thay đổi nhanh về nhận dạng gây khó khăn cho cơ quan chức năng, tuổi này chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và giao dịch dân sự.
Ngân sách nhà nước và người dân sẽ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để làm hơn 21 triệu thẻ căn cước công dân, mà thẻ này chủ yếu là để cất đi chứ không có nhiều tác dụng trong việc giao dịch trong cuộc sống.Vì vậy tôi đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi, thông tin này sẽ được gửi về cơ sở dữ liệu quốc gia để cấp thẻ căn cước công dân khi người này đủ 14 tuổi”.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng loạt đề nghị phải giữ lại giấy khai sinh cho trẻ khi sửa Luật Hộ tịch. |
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, thẻ căn cước công dân không thể thay thế giấy khai sinh.
“Giấy khai sinh có ý nghĩa là phương tiện đánh dấu sự ra đời của một con người, được nhà nước thừa nhận, là cơ sở cho các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước, còn thẻ căn cước công dân nhằm mục đích và yêu cầu khác là phục vụ nhu cầu quản lý, thông tin trong thẻ căn cước là dựa trên giấy khai sinh”.
Đồng quan điểm phải giữ giấy khai sinh cho trẻ, Đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hoà) đồng thời chỉ rõ, dự thảo luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho án bộ hộ tịch ở cơ sở khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt. Thí dụ như đặt theo tên nước ngoài, tên xấu, tên gây mất thẩm mỹ, gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lì; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, thí dụ như: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.
Đại biểu Nhung cũng đề nghị, luật cần quy định nguyên tắc đặt tên và nguyên tắc xác định họ dân tộc cho con phù hợp văn hoá truyền thống, phong tục tập quán. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục. Thí dụ, cha mẹ là người dân tộc nhưng lại đặt họ Nguyễn cho con làm phát sinh họ mới, gây nhầm lẫn, trái phong tục.