LTS: Đại tá Đặng Việt Thủy cung cấp thông tin về một số sự kiện về phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta trước cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đất nước thống nhất, tiến lên xây dưng chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ cấp bách của cả nước lúc này là tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh tàn phá.
Đối với các đơn vị quân đội có nhiệm vụ vừa tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, chủ yếu tập trung vào vùng biên giới, nơi xung yếu, làm giao thông, kết hợp trồng rừng... vừa huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh 45/SL sáp nhập Quân khu Tây Bắc và Quân khu Việt Bắc thành Quân khu 1.
Lúc này Quân khu 1 gồm 7 tỉnh: Bắc Thái, Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Lai Châu và Sơn La.
Quân khu có diện tích 93.981 ki lô mét vuông (chiếm 28% diện tích toàn quốc), dân số 5.278.600 người, có đường biên giới Việt - Trung dài 1.412km và biên giới Việt - Lào dài 552km.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh trên vtc.vn) |
Trên địa bàn Quân khu có 40 dân tộc anh em. Nhiệm vụ của Quân khu sau khi được sáp nhập:
Một là, phải duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới và an ninh chính trị, trật tự xã hội trong nội địa.
Hai là, chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng vũ trang cả ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp, được rèn luyện thường xuyên, cơ bản để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Ba là, tích cực tham gia xây dựng kinh tế, gắn kinh tế với quốc phòng, an ninh. Bốn là, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ quốc tế với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Việc sáp nhập hai Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc thành Quân khu 1 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ngay sau khi chuyển giai đoạn cách mạng nhằm rút gọn đầu mối, chỉ huy thống nhất các lực lượng trong thế phòng thủ chung bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin |
Để kịp thời thống nhất về tổ chức lãnh đạo, ngày 7/6/1976, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định hợp nhất 2 Đảng bộ Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ Quân khu 1, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Thiếu tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu làm Bí thư Quân khu ủy lâm thời.
Ngày 8/6/1976, Quân ủy Trung ương chỉ định 6 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ Quân khu.
Ngày 19/11/1976, tại khu vực gần bến phà Đoan Hùng, Trung đoàn công binh 89 được thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn cầu phà và Tiểu đoàn công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.
Trong thời gian này, những đơn vị làm kinh tế kết hợp với quốc phòng được thành lập và kiện toàn.
Ở Lào Cai, Yên Bái có Đoàn 344, Đoàn 345. Ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng có Trung đoàn 567. Ở Ngân Sơn - Bắc Thái có Trung đoàn 677. Ở Thác Bà - Yên Bái có Trung đoàn 254. Ở Lai Châu có Trung đoàn 471 và trung đoàn 82. Ở Sơn La có Trung đoàn 184.
Ngoài ra ở mỗi huyện biên giới còn thành lập một đội có từ 300 đến 500 người làm nhiệm vụ mở đường, trồng rừng, làm thủy lợi, thủy điện nhỏ kết hợp bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Từ năm 1977, tiếp theo những diễn biến căng thẳng ở biên giới Tây Nam, tình hình biên giới phía Bắc của Tổ quốc bắt đầu xuất hiện phức tạp.
Ở một số địa phương giáp biên giới thuộc địa bàn Quân khu 1 đã xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, có biểu hiện phía Trung Quốc tạo cớ gây xung đột nhỏ.
Ngày 30/4/1977, tập đoàn phản động Pôn pốt - Iêng Xa ri gây chiến tranh trên biên giới Tây Nam nước ta. Lúc này, tình hình biên giới phía Bắc đột xuất trở nên căng thẳng, mất ổn định và có thể dẫn tới xung đột.
Sau đó, trên tuyến biên giới phía Bắc tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.
Tháng 6/1977, Quân khu tiếp nhận Sư đoàn 316 (thuộc Quân đoàn 3) từ phía Nam chuyển ra.
Đồng thời Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập các trung đoàn, binh chủng 231, 124 và 976.
Như vậy, từ chỗ giải thể, giảm quân số vào cuối năm 1975 và năm 1976, đến đầu năm 1977, lực lượng vũ trang Quân khu 1 bắt đầu được mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới.
Thực hiện Sắc lệnh của Hội đồng Chính phủ về điều chỉnh lực lượng, khu vực phòng thủ, ngày 29/6/1977 tại Sở chỉ huy Quân khu 3, Thiếu tướng Nguyễn Quyết - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3 đại diện bên giao; Thiếu tướng Đàm Quang Trung - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 1 đại diện bên nhận, cùng các cơ quan chức năng của 2 Quân khu tiến hành bàn giao nhiệm vụ phòng thủ chiến lược chủ yếu phía Đông Bắc cho Quân khu 1 gồm 2 tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc.
Đồng thời tiếp nhận các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 3, Sư đoàn 325B, Sư đoàn bộ binh 431 dự bị, Lữ đoàn 242, Trung đoàn 272, Tiểu đoàn công binh công trình, Tiểu đoàn tàu thuyền, đại đội trinh sát, 2 đại đội thông tin cùng toàn bộ vật chất trang bị của bộ đội thường trực và dân quân tự vệ.
Cuối năm 1977 và đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Phía Trung Quốc tăng cường xâm lấn đất đai, khiêu khích vũ trang dọc tuyến biên giới, tung tin, xuyên tạc, vu cáo, kích động nhân dân dọc biên giới, dồn ép người Hoa, dựng nên sự kiện "Nạn kiều".
Hàng vạn người Hoa từ các nơi dắt díu, gồng gánh lên biên giới để trở về Trung Quốc. Khi người Hoa kéo lên đông thì phía bên kia đóng cửa biên giới.
Hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất nằm lại ở các cửa khẩu làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các cửa khẩu biên giới rất phức tạp...
Thời gian này, Trung Quốc điều động quân và binh khí kỹ thuật áp sát biên giới, ngày đêm nổ mìn làm đường, thiết bị công sự, trận địa, diễn tập quân sự, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Về kinh tế, họ tuyên bố cắt viện trợ quân sự và ngừng thi công các công trình, yêu cầu Việt Nam nhanh chóng thu xếp hoàn trả số hàng quân sự cho vay theo quy chế "viện trợ hoàn lại" thanh toán sau chiến tranh, được quy đổi thành "ngoại tệ mạnh"...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ và bảo vệ biên giới, phòng chống bạo loạn.
Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội |
Tổ chức điều chỉnh, bố trí lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các khu vực xung yếu từ Lai Châu đến tuyến đảo Quảng Ninh. Các binh chủng, các trung đoàn, sư đoàn làm kinh tế gấp rút chấn chỉnh tổ chức, trang bị để sẵn sàng cơ động lên phía trước làm nhiệm vụ.
Đầu tháng 3/1978, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Cục Tác chiến, Quân khu 1 đã tổ chức điều chỉnh, bố trí lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trên các khu vực.
Trung đoàn 82 được điều lên Điện Biên. Sư đoàn 316 từ Nghĩa Lộ lên Bình Lư, Lai Châu. Đoàn 346 đang làm đường ở Hà Tuyên, chuyển sang Cao Bằng.
Sư đoàn 325B triển khai ở Đình Lập, Tiên Yên, Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Bộ tăng thêm lực lượng cho Lữ đoàn 242...
Ngày 2/5/1978, Tư lệnh Quân khu 1 ra quyết định Sư đoàn 345 vừa xây dựng kinh tế lâm trường, mỏ A-pa-tít Lào Cai vừa sẵn sàng chiến đấu.
Tổ chức Sư đoàn 345 gồm cơ quan sư đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 1 khung trung đoàn bộ binh dự nhiệm, 1 trung đoàn chuyên làm đường, 1 tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp và các phân đội trực thuộc.
Trung đoàn 124 Quân khu chuyển thuộc Sư đoàn 345 để xây dựng thành sư đoàn bộ binh chiến đấu. Khôi phục Trung đoàn 121 để chuyển làm kinh tế, huấn luyện theo trung đoàn bộ binh chiến đấu.
Ngày 22/4/1978, Sư đoàn bộ binh 346 chính thức được thành lập theo quyết định của Tổng Tham mưu trưởng, chuyển sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Trên cơ sở Đoàn 346 chuyên làm kinh tế, tổ chức Sư đoàn được kiện toàn gồm cơ quan sư đoàn, các phân đội trực thuộc, Trung đoàn bộ binh 246, Trung đoàn pháo binh 188, 1 khung trung đoàn bộ binh huấn luyện tân binh, 1 khung trung đoàn bộ binh dự nhiệm.
Các đơn vị được điều về trực thuộc Sư đoàn 346 gồm: Trung đoàn 851 Quân khu để xây dựng 8 tiểu đoàn huấn luyện tân binh, Trung đoàn 677 Bắc Thái để xây dựng Trung đoàn pháo binh hỗn hợp; Tiểu đoàn đặc công Quân khu lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 11...
Sách về Gạc Ma và Đặng Tiểu Bình – những câu hỏi chưa có lời đáp |
Ngày 26/5/1978, Hội đồng Chính phủ ra Sắc lệnh tách các tỉnh thuộc Quân khu Tây Bắc cũ và 3 tỉnh Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Quân khu 2.
Sáp nhập tỉnh Quảng Ninh và Hà Bắc thuộc Quân khu 3 vào Quân khu 1. Lúc này Quân khu 1 có 4 tỉnh Bắc Thái, Quảng Ninh, Hà Bắc và Cao Lạng. Đồng chí Vũ Lập là Tư lệnh Quân khu 2. Đồng chí Đàm Quang Trung là Tư lệnh Quân khu 1.
Ngày 27/7/1978, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp ra nghị quyết. Trung ương Đảng chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn-pốt - Iêng Xa-ri trên biên giới Tây Nam, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ và trình độ sẵn sàng chiến đấu trên hướng biên giới phía Bắc và Tây Bắc, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh lấn chiếm của đối phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương Tổ quốc.
Ngày 4/9/1978, Bộ Quốc phòng có mệnh lệnh tác chiến chính thức bằng văn bản cho Quân khu 1. So với chỉ thị trước đó, có tăng thêm Sư đoàn 338 lên phòng thủ trên hướng Đình Lập, thay Sư đoàn 325B về hướng Quảng Ninh.
Ngày 30/10/1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về thống nhất chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc.
Trên cơ sở đó, các ngành ở Trung ương có liên quan và các địa phương căn cứ vào chức năng của mình, tích cực tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới theo theo kế hoạch chung của Bộ Quốc phòng.
Ngày 3/12/1978, Quân khu 1 và Quân khu 2 nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho tất cả các lực lượng vũ trang Quân khu.
Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ thị cho các địa phương, đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu.
Các sư đoàn, trung đoàn đóng quân trên dọc tuyến biên giới được bố trí thành 2 lực lượng: tiền phương và hậu cứ. Các chiến sĩ bộ binh ăn ngủ ngay trên các điểm tựa, chiến hào.
Dân quân tự vệ duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày để phối hợp với bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội quyết định tái lập hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; Cao Bằng sáp nhập hai huyện Chợ Rã và Ngân Sơn của tỉnh Bắc Thái; Lạng Sơn thêm huyện Đình Lập của Quảng Ninh.
Ngày 7/1/1979, đáp lời kêu gọi của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, bộ đội quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân nước bạn đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt - Iêng Xa-ri.
Dự đoán sau sự kiện này, đối phương có thể phản ứng mạnh ở biên giới phía Bắc, ngày 8/1/1979, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cao cho toàn quân.
Chỉ thị nêu rõ: "Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía Bắc; các Quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Các sư đoàn, các đơn vị trực thuộc của quân khu và quân - binh chủng, các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương tỉnh và huyện phải bảo đảm từ một phần ba đến hai phần ba quân số luôn luôn tại trận địa, chiến hào.
Các trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không phải bố trí sẵn ở trận địa, nếu có địch là nổ súng được ngay".
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động trên 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng nghìn khẩu pháo, mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu.
"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu mới" chống quân xâm lược.
Qua 30 ngày đêm (từ 17/2 đến 18/3) chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng ba trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí...
Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc bắt đầu vừa đánh vừa rút quân và kết thúc rút quân về nước vào ngày 18/3/1979.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, "Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.
- Bộ Tư lệnh Quân khu 1, "Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 1 (1975-2010)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.