Bộ trưởng Thăng và chuyện "cắt bỏ lợi ích" ở ngành giao thông

17/06/2014 09:25
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Dám cắt bỏ lợi ích bấy lâu nay đã ăn sâu, cắm rễ trong một bộ phận lãnh đạo như xây dựng cầu đường, đường sắt, đăng kiểm... là chuyện không dễ dàng.

LTS: Gần 3 năm điều hành ngành GTVT, từ chỗ "câu chuyện cầu đường" luôn làm người dân phiền lòng, thì đến nay, bộ mặt của ngành GTVT đã có nhiều thay đổi. Có được những kết quả ấy, không thể phủ nhận vai trò của người điều hành ngành. Dưới đây, là góc nhìn của đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về người đứng đầu ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Là đại biểu từng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng tại kỳ họp thứ 2 và một số phiên giải trình khác, kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ông đánh giá Bộ trưởng Thăng đã để lại những dấu ấn gì với ngành giao thông?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Nói thực là lúc đầu khi mới nhận chức và ngay từ phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Thăng không nhận được nhiều thiện cảm của các ĐBQH. Nguyên nhân theo tôi một phần là vì Bộ trưởng Thăng là thành viên được bầu vào Chính phủ vốn là từ doanh nghiệp, lại mới về làm Bộ trưởng nên cũng chưa hiểu thấu đáo hiện trạng cũng như những vấn đề của ngành giao thông vận tải đặt ra – vốn là lĩnh vực nóng bỏng, mà những vấn đề đó được tích tụ qua nhiều khóa trước đó.

Hơn nữa, với bản tính là người thẳng thắn, dám nhìn vào sự thật và nói thật, nhưng việc trả lời chất vấn có phần không trôi chảy, thậm chí có phần lúng túng đã khiến các ĐBQH phần nào bị ức chế. Tôi rất chia sẻ cảm xúc đó!

Tuy nhiên, thực tế là sau hơn nửa nhiệm kỳ, Bộ trưởng Thăng đã có những giải pháp quyết liệt để giải quyết những vấn đề nhức nhối nhiều năm nay của ngành giao thông, đúng như câu nói khi Bộ trưởng mới nhận chức "Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được…".

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet.
Các giải pháp quyết liệt cộng với ý thức trách nhiệm cao và bản lĩnh kiên quyết, nhưng cũng không quá cứng nhắc đã dần dần đưa công việc của ngành đi vào nề nếp. Thí dụ từ việc như cấm cán bộ dưới quyền chơi golf, lúc đầu có người cho là khôi hài, nhưng quan trọng là theo tôi, Bộ trưởng đã truyền cho cấp dưới một ý thức trước những vấn đề của ngành, của xã hội.
Mới đây, Bộ trưởng lại vận động và cũng làm gương đi công tác bằng máy bay giá rẻ, nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Người dân và cả các ĐBQH đều đánh giá rất cao việc làm cụ thể ấy của Bộ trưởng Thăng, vì đó là những việc làm thật, mang lại kết quả ngay tức khắc.
Nhưng có lẽ dấu ấn mạnh mẽ nhất, đi vào lòng người nhất đó là việc Bộ trưởng đấu tranh với những tiêu cực trong chính ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng đã tuyên chiến với những tiêu cực trong nhiều lĩnh vực của ngành, dám “cắt bỏ” lợi ích mà bấy lâu nay đã ăn sâu, cắm rễ trong một bộ phận lãnh đạo như xây dựng cầu đường, đường sắt, đăng kiểm...
Bằng sự kiên quyết, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều quyết định hợp lòng dân. Đó là xử lý cán bộ dính dáng đến tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trong ngành; đồng thời đề ra những cơ chế mới nhằm chống tiêu cực, tham nhũng. Có lẽ đó là một hành động dũng cảm làm nên thương hiệu “Đinh La Thăng”.

Một dấu ấn nữa mà tôi cũng muốn đề cập đến đó là từ khi Bộ trưởng Thăng lên cầm quyền thì rất nhiều công trình quan trọng của quốc gia đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, vừa tránh được lãng phí mà mang lại rất nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội. Sau nhiều phản ánh của người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng đã quyết liệt trong việc cải tổ ngành đường sắt, cắt bỏ cái sự ì ạch để chuyển sang cơ chế phục vụ, và đã phát động phong trào 4 xin: xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép.

Thật khó mà có thể nói hết những dấu ấn mà Bộ trưởng Thăng để lại sau gần 3 năm là tư lệnh ngành giao thông vận tải, nhưng điều cuối cùng mà tôi vẫn muốn nói đến đó là sự đồng cảm của Bộ trưởng với người dân. 

Từ việc có mặt ngay lập tức để chỉ đạo khắc phục hậu quả của những vụ tại nan giao thông lớn và chia sẻ với người dân cho đến quyết định xây ngay một cầu dân sinh ở vùng khó khăn, rồi đi hàng trăm cây số vào miền trung để trực tiếp kiểm tra vì sao đường sụt lún… khiến người dân thấy được sự sẻ chia, đồng cảm của một vị Bộ trưởng.

Trong một chuyến công tác mới đây, Bộ trưởng Thăng đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu xử lý xe quá tải đang phá hoại nhiều tuyến đường.
Trong một chuyến công tác mới đây, Bộ trưởng Thăng đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu xử lý xe quá tải đang phá hoại nhiều tuyến đường.

Nói như vậy có thể có người nghĩ tôi đang diễn một vở kịch ca ngợi một vị Bộ trưởng và liệu có phải không có khiếm khuyết gì chăng?! Có chứ! Thường thì càng làm nhiều, sâu sát nhiều với công việc lại càng không tránh khỏi có những hạn chế. 

Ở đâu đó trong chính ngành giao thông vận tải, chất lượng cầu đường, chất lượng xe đăng kiểm… vẫn còn có những tiêu cực len lỏi và chưa kiểm soát được hết. Nhưng nhìn ở góc độ quản lý, tầm tư duy chiến lược thì Bộ trưởng Thăng chính là người mà xã hội đang cần.

Ông mong muốn Bộ trưởng Thăng sẽ tiếp tục thể hiện bằng những hành động cụ thể như thế nào trong thời gian tới để giao thông thực sự là lĩnh vực tiên phong đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả chúng ta ai cũng mong muốn Bộ trưởng Thăng sẽ tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình bằng những hành động cụ thể. Nói cách khác, chúng ta mong sẽ có nhiều Bộ trưởng thể hiện bản lĩnh và ý thức trách nhiệm cao để lãnh đạo đất nước ta ngày càng phát triển. Tôi không thể nói gì cụ thể hơn là đặt niềm tin vào một nhân cách lớn như thế. Và tôi tin nếu như có nhiều nhân cách như vậy thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trong một tương lai gần.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)