Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại buổi họp báo của Chính phủ thường kỳ hôm 3/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ăn Tết ở đâu và có nhận quà Tết hay không, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cho rằng:
“Cũng như các bạn thôi, theo đúng quy định của pháp luật, Tết được nghỉ bao nhiêu ngày thì tôi nghỉ bấy nhiêu ngày.
Tết nào tôi cũng về quê ăn Tết cùng gia đình, chưa bao giờ ăn Tết ở Hà Nội.
Tôi cho rằng Tết sum vầy gia đình là Tết đầm ấm nhất, vì chúng ta đã đi xa nhà, xa gia đình cả năm rồi.
Do đó ai cũng thế thôi, đều mong ngóng mấy ngày Tết để về sum vầy cùng ông bà, gia đình.
Ở đây có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục của Bộ Thông tin và Truyền thông, và tôi có thể khẳng định Tết này tôi không nhận bất cứ món quà nào, của bất kỳ một ai đem tặng.
Tôi thực hiện rất nghiêm quy định của Đảng, Chính phủ. Nhiều lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí có đặt vấn đề đến chúc Tết nhưng tôi không tiếp.
Tôi cũng yêu cầu bảo vệ là không tiếp khách dịp Tết, yêu cầu không cho ai lên chúc Tết lãnh đạo Bộ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có một chỉ thị là yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, tất cả các cục, đơn vị đều phải thực hiện".
Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng lý giải về căn cứ để đưa ra con số giảm 70% lượng người về Hà Nội chúc Tết.
“Có thể nói chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện một Chính phủ hành động, quyết liệt, nói là làm.
Thủ tướng đã ký chỉ thị, các cơ quan đều ra yêu cầu bắt buộc không tiếp khách đến chúc Tết.
Ở Văn phòng Chính phủ, trước khi tôi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ), tôi đã ký một công văn yêu cầu không được chúc tết, tặng quà cho lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo vụ, cục của cơ quan Vănphòng Chính phủ.
Tại sao lại như vậy? Việc cấm chúc Tết, tặng quà không phải năm nay mới có, chúng ta đưa ra mấy năm nay rồi nhưng không thực hiện được.
Do đó, chúng ta phải công khai như thế để anh em cấp dưới dễ thực hiện. Nếu Bộ trưởng, Chủ nhiệm không ký, để cho một Phó Chủ nhiệm hay Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký thì sẽ khác hoàn toàn.
Ngay Thủ tướng sáng nay cũng nói là có người nói với Thủ tướng, năm nay nhân dân đón Tết rất tốt, vui tươi phấn khởi, an ninh trật tự được bảo đảm, số người lên Hà Nội chúc Tết giảm hẳn so với mọi năm.
Có thể 70% là tỉ lệ ước lượng, có thể hơn 70%, cũng có thể xấp xỉ, nhưng tôi khẳng định, ngay tại Văn phòng Chính phủ, không có địa phương nào lên chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Các đồng chí cứ kiểm nghiệm, nếu có chúng tôi sẽ nhận khuyết điểm ngay.
Nếu như ở nơi này, nơi khác còn việc lên chúc Tết thì chúng ta sẽ tập trung xử lý để thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày mồng 6 đi làm và ngay trong ngày, Thủ tướng đã ký Chỉ thị, yêu cầu 7 vấn đề.
Thứ nhất là triển khai ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ, triển khai ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện bằng được những mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai là nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng xe công, giờ làm việc để làm việc riêng, tham dự lễ hội.
Đặc biệt là phải bắt tay ngay vào làm việc ngay từ giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu của năm mới, sau kỳ nghỉ Tết.
Với tinh thần như thế, các bộ, ngành, địa phương hoạt động trở lại bình thường. Tại các doanh nghiệp, mọi năm còn có hiện tượng đi chậm, đi muộn, không đến làm việc, nhưng năm nay qua báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng ta rất mừng là các doanh nghiệp đều cho biết lao động trở lại đi làm bình thường.
Người dân xuống đồng từ mùng 3, mùng 4, và Lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã bắt tay làm việc ngay”.