Các Bộ phối hợp chặt chẽ, sao dân vẫn phải ăn đồ bẩn?

26/03/2016 14:29
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đặt thẳng câu hỏi này trong buổi họp Chính phủ sáng nay (26/3).

Một trong những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là thực phẩm bẩn hoành hành trên thị trường, tiếp tục được Chính phủ thảo luận trong buổi họp sáng nay.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Cao Đức Phát, thời gian vừa qua các bộ có trách nhiệm đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ, tập chung cao độ để ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. Đến nay đã chặn đứng nguồn chất cấm từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ông Phát khẳng định: “Các Bộ trưởng trao đổi với nhau trực tiếp và rất cụ thể, một số cán bộ không nắm rõ thông tin nên nói là các bộ dường như không phối hợp với nhau, đổ lẫn cho nhau. Việc đó hoàn toàn không có, mà chúng tôi phối hợp với nhau rất chặt chẽ và nhịp nhàng”.

Theo ông Phát, tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều lấy mẫu kiểm tra, qua hơn 200 mẫu thì không còn mẫu nào có chất cấm. Hiện tại, chỉ còn một số trường hợp lén lút đưa vào trang trại hoặc hộ gia đình nhỏ.

“Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo giám sát tất cả các trang trại và các lò mổ, thực hiện các biện pháp kiên quyết. Nếu bắt được có chất cấm salbutamol trong lợn tại lò mổ thì lập tức tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn. Chúng tôi cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ xử lý triệt để vấn đề chất cấm”, ông Phát cho biết.

Liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế - Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thời gian vừa qua đã phát hiện 4 doanh nghiệp có sai phạm, đã quyết định rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra. Vì vậy, cần phải thông tin để các Đại biểu Quốc hội hiểu.

“Ung thư không phải chỉ do thực phẩm đâu, mà còn rất nhiều yế tố khác, còn ô nhiễm môi trường, còn yếu tố di truyền…”, bà Tiến nói.

Tuy nhiên, sau đó ít phút, trong phát biểu của mình, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã nói thẳng: "Xin lỗi anh Phát với chị Tiến, các anh chị nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất tốt. Các bộ phối hợp tốt mà dân bây giờ vẫn ăn bẩn, thế thì tốt cái gì? Thế thì có khác nào bảo dân cứ chấp nhận ăn bẩn đi rồi chúng tôi sẽ có lộ trình à?

Báo cáo Thủ tướng, tôi đề nghị phải có giải pháp dứt khoát ngay chứ cứ bộ nọ đổ cho bộ kia là không làm được. Tôi xin đề xuất thành lập một cơ quan trực thuộc UBND thành phố để lo việc này, trên cơ sở nhiệm vụ do thành phố quy định tập trung thành đầu mối".​

Ông Đinh La Thăng đặt ra câu hỏi: Vì sao người dân vẫn phải dùng thực phẩm bẩn? ảnh: Ngọc Quang
Ông Đinh La Thăng đặt ra câu hỏi: Vì sao người dân vẫn phải dùng thực phẩm bẩn? ảnh: Ngọc Quang

Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị Chính phủ cho phép tăng nặng mức xử phạt, toàn bộ nguồn tiền xử phạt được đầu tư trở lại cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đưa vào cân đối ngân sách.

“Tôi cũng đề nghị quy trách nhiệm hết sức cụ thể, đã giao nhiệm vụ đầu mối rồi, anh nào để xảy ra vi phạm thì anh đó phải chịu xử phạt, kỷ luật rất nặng.

Tôi đề nghị phải làm quyết liệt, không thể để tình trạng tất cả làm tốt nhưng dân cứ ăn bẩn. Tất nhiên là trong này có cả trách nhiệm của các địa phương”, ông Thăng nêu quan điểm. 

Liên quan tới lĩnh vực y tế, ông Đinh La Thăng cũng thẳng thắn đặt ra vấn đề: Tại sao tư nhân không đấu thầu mà mua được giá thấp, còn bệnh viện đấu thầu lại không mua được giá thấp?

“Ba năm nay tất cả các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh không mua được bất kỳ một thiết bị y tế nào, mặc dù các bệnh viện có nhiều tiền.

Thực tế đã có bệnh nhân chết vì không đủ trang thiết bị y tế. Đây là báo cáo của người có trách nhiệm báo cáo với tôi, chứ không phải tôi nói một cách vu vơ đâu”, ông Thăng nêu thí dụ.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị nghiên cứu biện pháp giảm tải cho các bệnh viện, đó là cho phép mở nhiều phòng khám trực thuộc các bệnh viện, có cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ về pháp luật.

Liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ bức xúc.

Ông nói rằng: "Đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân. Toàn xã hội quan tâm và có nhiều vấn đề bức xúc.

Đây không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật, không chỉ là vấn đề điều hành của của các cấp mà còn là minh chứng cho sự xuống cấp đạo đức xã hội”.

Giải pháp là gì để giải quyết tình trạng này? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Tôi đã báo cáo trước Quốc hội là chúng ta đã có đầy đủ quy định pháp luật. Trách nhiệm của các bộ thì đã rất rõ ràng. Tôi rất không thích nói về chuyện phối hợp.

Tôi không cần các đồng chí phối hợp nếu cứ làm đúng chức năng của mình, làm đúng chức năng của từng bộ, từng ngành, từng cấp thì dẫn đến sự phối hợp một cách tự nhiên.

Phải khắc phục tình trạng cứ không làm được cái gì thì đổ cho nhau, hoặc nói là không phối hợp được, hoặc do liên ngành là không đúng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là minh chứng cho sự xuống cấp đạo đức xã hội. ảnh: Ngọc Quang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là minh chứng cho sự xuống cấp đạo đức xã hội. ảnh: Ngọc Quang.

Phó Thủ tướng cũng nói rõ, để giải quyết vấn đề này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Giải đáp trực tiếp vào ý kiến của ông Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Bộ ban hành chính sách và thanh tra, kiểm tra, còn tổ chức thực hiện là trên địa bàn. Văn bản có gì vướng thì bộ sẽ điều chỉnh, còn việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là trách nhiệm của UBND TP. Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND thành phố. Các đồng chí dùng cơ quan chuyên môn nào là toàn quyền, không có vướng gì cả.

Tôi đề nghị giao sự chủ động cho thành phố như anh Thăng nói là rất đúng, nhưng mà phải rạch ròi, đừng để tình trạng nói tất cả do bộ, do chồng chéo phối hợp là không đúng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, ông đã chỉ đạo quyết liệt, đối với vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không làm từng đợt mà phải kiểm tra, giám sát liên tục, chỗ nào làm sai phải xử lý dứt khoát.

“Chúng ta phải vận động toàn xã hội thấy được vấn đề nghiêm trọng, và phải thấy vấn đề ở đây không đơn thuần là chấp hành pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức. Mình không thể vì mình mà hại người, đồng thời đấu tranh với những người ích kỷ hại người”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngọc Quang