Là một trong hai đại biểu cuối cùng phát biểu và đặt câu hỏi trong ngày chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đánh giá, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tại sao việc thực hiện nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại một số bộ ngành chưa đạt kết quả mà Quốc hội đã đề ra; chưa chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào để xảy ra tình trạng trên.
Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, tình trạng quản lý giá thuốc và vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều bất cập. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chất lượng đào tạo một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Việc đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng gây bức xúc trong xã hội.
Trong lĩnh vực giải quyết việc làm mới chỉ làm rõ được số lượng người được dạy nghề chứ chưa nêu được chất lượng dạy nghề có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không? Có bao nhiêu lao động được đào tạo nghề có thể tự kiếm kế sinh nhai? Lĩnh vực quản lý đất đai cũng còn nhiều bất cập, rất nhiều đơn thư tố cáo về giải quyết mặt bằng giá tái định cư trong một dự án.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đại biểu Vinh nêu thí dụ, tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm.
Tuy nhiên, vấn đề này không giảm mà có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Thí dụ, thịt lợn thì chứa chất cấm. Chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu. Rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định cho phép.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh chỉ rõ, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chế biến lương thực, thực phẩm từ kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XIII, nhưng thực tế tình hình đang nguy hiểm hơn. ảnh: Ngọc Quang. |
Vấn đề ông Vinh đặt ra là: Tại sao Bộ trưởng đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu, song tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng? Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách chưa đủ răn đe hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ?
Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào, khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc?
Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sự tàn nhẫn của chính một nhóm người vì cái lợi trước mắt đang hàng ngày tàn phá sức khỏe của chính đồng bào mình đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu Chính phủ có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để.
"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức" |
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (đoàn Long An) đề cập tới hai chất cấm nguy hiểm phát hiện ra trong thực phẩm là Salbutamol và vàng ô.
"Kiểm tra an toàn thực phẩm trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt dư lượng có chất kháng sinh vượt chuẩn; 10,3% mẫu rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.
Salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập. Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Vậy việc thực phầm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không công tác buôn lỏng quản lý?”, bà Khanh đặt vấn đề.
Còn với “vàng ô” (loại phẩm màu công nghiệp) chưa phải là chất nghiêm cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng và bán tràn lan trên thị trường.
Theo Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, mức xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng với hộ gia đình và từ 10-20 triệu đồng với trang trại không đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc để xử phạt còn gặp khó khăn, khi người dân, thương lái cùng bắt tay thảo thuận ngầm với nhau, bởi rõ ràng sử dụng chất cấm, lợi nhuận thu lớn hơn rất nhiều.
Trước thực trạng trên, cử tri cho rằng, các cơ quan nhà nước đang bất lực với người kinh doanh - khi họ làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân, và họ đặt câu hỏi: "Nguồn gốc các chất này là từ đâu?".
Cần phải có biện pháp xử lý mạnh đối với những trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. ảnh minh họa: Hà Nội Mới. |
Đại biểu Đỗ Văn Đương – Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn TP.HCM) thì lên tiếng: "Tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt"
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) nhận định, đất nước ta với 90 triệu dân, lương thực, thực phẩm trong nước đảm bảo nuôi sống nhân dân ta, có dư thừa để xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước hàng hơn 30 tỷ USD theo số liệu năm 2014.
Tuy nhiên vấn đề an toàn thực phẩm đã đến hồi báo động. Tâm trạng của mỗi chúng ta, của nhân dân ta thực sự bất an trong quá trình sử dụng tiêu dùng thực phẩm được sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn, kém vệ sinh thực phẩm, sử dụng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để tẩm ướp, pha chế ngâm rửa.
Sử dụng bảo quản phân bón thuốc, vật tư để rồi kích thích vào quá trình tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi tăng cân. Do thực phẩm không an toàn khi con người sử dụng nên đã gây ra hàng ngàn vụ ngộ độc, nhiều trường hợp tử vong trong mỗi năm.
Nguy hiểm hơn, không chỉ gây ngộ độc tức thời mà có nguy cơ tích lũy thấm dần trong các mô cơ thể con người gây ra nhiều bệnh tật nan y, trong đó có căn bệnh ung thư quái ác, thậm chí còn là tác nhân làm suy yếu nòi giống, làm tiêu tốn khá nhiều chi phí tài chính, nhân lực xã hội cho điều trị và gây suy giảm niềm tin của thế giới đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm cấp thiết nhất bởi vì sức khỏe con người là vốn quý, ưu thế nước ta có nhiều mặt hàng trong nông nghiệp xuất khẩu đến với hơn 100 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong điều kiện Việt Nam cam kết hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hàng hóa cần đảm bảo sức cạnh tranh.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật an toàn thực phẩm vào năm 2010. An toàn thực phẩm đã được pháp luật điều chỉnh nhưng xem ra tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ngày càng nhiều, chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nguyên nhân do người sản xuất ham lợi, không có ý thức, không nhận thức được hậu quả nguy hại của thực phẩm không an toàn.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa tốt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.