Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân".
Dự thảo Pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với 5 hành vi vi phạm, trong đó đáng chú ý là "Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở".
Cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh quy định tại Mục đ Khoản 2 Điều 9 áp dụng với báo chí với một loạt câu hỏi: “Người ta đã có thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu, xuất trình rồi cho vào, vậy thì tại sao lại còn hỏi giấy giới thiệu? Đã xuất trình thẻ rồi lại còn giấy giới thiệu nữa, có phải là thủ tục hành chính phiền hà không?”.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu làm thật rõ khái niệm về hành vi cản trở: “Thế nào là hành vi cản trở? Cản trở là thế nào? Hành vi gì thì cản trở? Xuất trình thẻ là lúc ra vào thì có phải cản trở phiên tòa chưa? Ông thẩm phán đang xử, tôi làm cái gì thì mới cản trở chứ. Phạt là phạt hành vi cản trở cơ mà. Không xuất trình thì không cho vào là xong, chứ có gì mà phải phạt. Đưa thế này thì xử phạt thế nào?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Các anh cứ nói ngược như thế làm sao mà nghe được". |
Báo cáo giải trình thêm về thẩm tra Pháp lệnh này, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, tại các phiên xét xử không phải tất cả báo chí đều vào được, chỉ một số báo nhất định được vào.
“Ngoài thẻ nhà báo phải có giấy giới thiệu, tòa phải xem xét từng trường hợp, có lợi ích cho đất nước, có lợi ích cho quốc gia thì anh mới được vào chứ, còn nếu không được vào thì thôi, anh ra, chẳng có vấn đề gì. Nhưng mà anh không được vào người ta mời anh ra mà lại làm ầm lên, cản trở cả một phiên tòa thì lúc đó phải xử phạt”, ông Hiện nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với lý giải này của ông Hiện.
Chủ tịch Quốc hội kết luận, quy định gì cũng phải căn cứ theo Hiến pháp: “Các anh cứ nói ngược như thế làm sao mà nghe được. Tòa xét xử công khai, vậy thì nhà báo có được vào không, dân chúng có được vào không? Họp Quốc hội cũng phải quy định báo chí theo dõi qua màn hình hay là đến hành lang, vậy đối với những phiên tòa xét xử công khai thế này thì có cho phóng viên vào phiên tòa không hay buộc phải ngồi ngoài? Chỗ này phải quyết thế nào cho thỏa đáng. Quy định thế này thì phạt cái gì, hai bên cãi nhau à?
Chỉ phạt mỗi chuyện không xuất trình thẻ thì đã có nội quy ra vào bất cứ ai cũng phải xuất trình giấy tờ, đấy là quy định chung. Thế còn quy định thêm cái giấy giới thiệu làm gì, cứ giấy phép to để ra giấy nhỏ, giấy nhỏ đẻ ra giấy con. Nội quy này tôi thấy không nên đưa vào đây”.
Phóng viên dự phiên tòa "quan tài diễu phố" tại Vĩnh Phúc. |
Không được khám nhà người vi phạm tại phiên tòa
Tại khoản 6 Điều 9 dự thảo Pháp lệnh. Tùy từng hành vi vi phạm cụ thể, người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sau đây: Buộc rời khỏi phòng xử án; Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người; Khám đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.
Đối với những quy định này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ban soạn thảo “viết quá đơn giản” và đặt ra nhiều câu hỏi: “Buộc phải đi là buộc như thế nào? Tạm giữ thì giữ ở đâu, giữ mấy ngày? Ai ra lệnh tạm giữ? Áp giải thì lực lượng nào? Tạm giữ tang vật có có kiểm kê không? Cất ở đâu, có trả không? Khám người cũng là một trình tự phức tạp, vậy thì khám thế nào, để cái máy cho người ta đi qua hay khám bằng tay? Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm thì đến nhà người ta xét à?"
Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, tất cả phải làm minh bạch, rõ ràng với người dân và cảnh báo: "Có khi lực lượng phản động vào phá phiên tòa thì không giữ được mà lại giữ phải những người tử tế".
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm của ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc yêu cầu ra pháp lệnh xử phạt, hành vi phải rõ, trình tự thủ tục phải rõ, đặc biệt những hành vi vi phạm này xảy ra tại phiên tòa thì không được khám xét nhà ở.
Kết thúc phần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không thông qua "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân".
Điều 9 dự thảo Pháp lệnh Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;
b) Người dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa;
c) Ăn uống, hút thuốc, mặc trang phục, sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Tòa án mặc dù đã được nhắc nhở;
d) Bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người bào chữa hoặc người khác mà không được phép của Chủ tọa phiên tòa.
đ) Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở.