LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng – tốt nghiệp Chuyên ngành kinh tế đối ngoại (ĐH Kinh tế Quốc dân) về kỳ thi tuyển công chức tải tỉnh Hà Nam vào đầu tháng 12 vừa qua. Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng đạt số điểm cao (396,5/400 điểm) trong kỳ thi này, ứng tuyển vào Phòng Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nam).
Theo công bố của Sở Nội vụ Hà Nam, anh là thí sinh đạt số điểm cao nhất cho vị trí ứng tuyển vào Phòng Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nam) trong kỳ thi tuyển công chức vừa qua. Anh thấy cuộc thi này có đảm bảo công bằng, minh bạch không?
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng: Với tư cách là một thí sinh dự thi và cũng là lần đầu tiên tham dự kỳ thi công chức tỉnh Hà Nam, tôi thấy các quy trình trước, trong và sau cuộc thi đều rất minh bạch và đảm bảo công bằng giữa các thí sinh. Các quy định, thông tin về cuộc thi được công bố bằng văn bản trên phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các thí sinh đều nắm bắt được rõ ràng nhất. Chỉ sau 1 tuần khi thi xong, thí sinh đã được biết kết quả và kết quả được công bố trên trang web của Sở Nội vụ Hà Nam, cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã cho thấy công tác chuẩn bị từ lúc thi cho tới khi công bố kết quả diễn ra khách quan, minh bạch và nhanh chóng.
Ths.Nguyễn Trung Dũng - người đạt số điểm cao nhất khi ứng tuyển vào Phòng Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nam). |
Tại kỳ thi này, các thí sinh phải trải qua mấy môn thi, cá nhân anh thấy đề thi có khó không?
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng: Có 5 môn thi là Kiến thức chung; Tin học; Ngoại ngữ; Chuyên ngành (Viết và Trắc nghiệm). Mỗi môn thi có những cái khó khác nhau và môn thi nào cũng yêu cầu người làm cần phải hiểu và nắm chắc kiến thức. Chưa kể nội dung thi khá rộng, dàn trải người học không thể học tủ, yêu cầu thí sinh phải có kiến thức thật sự, trong đó còn có những câu hỏi yêu cầu cả kinh nghiệm thực tế. Nếu thiếu căn bản và chờ đợi vào may mắn thì không thể làm đến 50% bài thi.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng không thể chủ quan với hai môn điều kiện như Tin học và Tiếng Anh, bởi nếu không đạt từ 50 điểm trở lên (tính theo thang điểm 100) thì dù môn khác đạt điểm cao cũng vẫn bị trượt.
Và theo quy định thì anh phải kết thúc hợp đồng làm việc tại Sở Tài chính Hà Nam để dự thi?
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng: Đúng là theo quy định thì các thí sinh đang làm hợp đồng mà muốn thi vào biên chế chính thức phải kết thúc hợp đồng làm việc. Như vậy, nếu thí sinh trúng tuyển thì sẽ có vị trí việc làm theo biên chế nhà nước, còn nếu thi trượt thì đương nhiên vị trí ấy sẽ là của người khác, vì vậy những trường hợp như tôi đi dự thi phải hết sức tập trung, hết sức nỗ lực.
Anh đánh giá như thế nào về công tác tổ chức kỳ thi của Sở Nội vụ Hà Nam?
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng: Từ tháng 9, khi có kế hoạch tổ chức thi công chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Sở Nội vụ Hà Nam cũng đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người thi công chức như tôi nắm rõ. Cùng với đó là số lượng, vị trí công việc, yêu cầu trình độ cũng được công bố rõ ràng, thuận tiện cho các thí sinh dự thi lựa chọn nên thi vào vị trí nào phù hợp với chuyên ngành, trình độ của mình.
Thời gian thu hồ sơ, cũng như hoàn tất các thủ tục trước khi thi tôi thấy Sở Nội vụ Hà Nam cũng đã hướng dẫn nhiệt tình, nhanh chóng giúp cho tâm lý thí sinh thoải mái, không bị áp lực trước khi thi. Tôi đánh giá cao về công tác chuẩn bị cho kỳ thi công chức tỉnh của Sở Nội vụ Hà Nam.
Theo anh việc tổ chức các kỳ thi tuyển công khai như thế này có những mặt tích cực nào?
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng: Việc tổ chức kỳ thi tuyển công khai này giúp cho các thí sinh có được sự chủ động nhất định để ôn luyện, có sự yên tâm về tính minh bạch của kỳ thi cũng như công tác coi, chấm thi. Việc diễn ra kỳ thi tuyển công khai sẽ thu hút và lựa chọn được những người ưu tú nhất để phục vụ nhân dân.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Ông Lê Đức Hiền – Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nam cho biết, cuộc thi tuyển công chức tỉnh Hà Nam năm nay khác hoàn toàn năm trước, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, công bằng, không có tiêu cực, không có gì khuất tất.
Theo ông Hiền, danh sách ban ra đề, chấm thi, coi thi, làm phách đều bí mật đến phút cuối... danh sách những cán bộ tham gia rất nhiều nhưng không thể biết sẽ chọn ai, nhằm chống tiêu cực.
“Buổi sáng lập ban ra đề thì đồng thời sáng hôm ấy mới tập hợp cán bộ và đưa đến một địa điểm làm việc, trong phòng chỉ có máy tính làm việc, toàn bộ điện thoại của những cán bộ này đều không được mang theo người, và có cả công an canh giữ phòng ra đề”, ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, Sở Nội vụ đã công bố kết quả và thí sinh có 15 ngày để nộp hồ sơ phúc thảo, tính từ ngày 15/12, sau đó mới quyết định thành lập hội đồng chấm thi; thời gian chấm phúc khảo sau 2 ngày sẽ có kết quả. Tuy nhiên, ngay cả quy trình phúc khảo cũng phải đảm bảo công bằng. Nếu số điểm chấm phúc khảo vênh lên quá nhiều thì dứt khoát phải kỷ luật những đồng chí chấm thi lần đầu.
Ông Hiền thông tin: “Với thí sinh, vênh 5 điểm trên thang điểm 100 thì mới được xét kết quả, còn dưới 5 điểm thì không tính, mà vẫn sẽ theo công bố ban đầu. Chấm người ta phân làm hai cặp, cứ làm theo ký hiệu phách thôi. Ông chấm thứ nhất kê ra bảng của mình, xong chuyển cho người khác chấm. Chấm xong hai giám thị vênh điểm với nhau là người ta đã phải có hội ý rồi. Ban chấm thi sẽ lấy bảng kê của hai người, nếu thấy khớp nhau thì không vấn đề gì, còn nếu lệch nhau thì người ta mời hai ông đến chấm lại, phân tích ra vì sao ông cho điểm thấp, vì sao ông cho điểm cao. Chấm rất công minh và vô tư, không có vấn đề gì”.